Quảng bá Việt Nam ra thế giới qua điện ảnh: "Bài toán" không chỉ của riêng người làm phim

Thứ Sáu, 23/06/2023, 09:08

Thay vì chỉ phát hành trong nước, ngày càng nhiều tác phẩm điện ảnh Việt được các nhà sản xuất nỗ lực phát hành ở nước ngoài. Thông qua điện ảnh, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam được quảng bá nhiều hơn đến bạn bè quốc tế.

Thực tế, đến nay, thị trường điện ảnh nước ngoài đã trở thành một trong những mục tiêu được nhiều nhà sản xuất phim hướng tới ngay từ khi khởi động dự án. Sau thành công của bộ phim "Cha cõng con", thị trường điện ảnh quốc tế trở thành mục tiêu phát hành cho nhiều dự án điện ảnh của Lương Đình Dũng - nam đạo diễn có duyên với nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế.

Quảng bá Việt Nam ra thế giới qua điện ảnh:
Phim "578: Phát đạn của kẻ điên" từng gây bất ngờ khi nhà sản xuất công bố phát hành ở gần 52 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Trong đó, gần nhất là phim hành động  "578: Phát đạn của kẻ điên" được công bố "thâm nhập" vào thị trường điện ảnh của gần 52 quốc gia, vùng lãnh thổ. Dự án mới khởi động - phim dã sử tựa đề "Anh hùng" cũng được dự kiến phát hành ở khoảng 30 quốc gia trên thế giới. Đạo diễn Lương Đình Dũng cũng cho biết, từ trước khi khởi quay khá lâu, nhiều dự án phim đã được anh đưa đến quảng bá, giới thiệu ở các liên hoan phim. Đây là kênh quảng bá hữu hiệu cho các dự án điện ảnh, đồng thời giúp người làm phim tìm kiếm nhà đầu tư, đối tác phát hành. Việc mời gọi những người làm điện ảnh uy tín trên thế giới tham gia thực hiện phim cũng tạo những điều kiện thuận lợi nhất định để đưa phim Việt ra thế giới.

Đạo diễn Phan Đăng Di cũng từng chia sẻ rằng, điện ảnh có nhiều ưu thế mạnh mẽ trong tiếp cận và tác động trực diện đến công chúng. Rất nhiều nền điện ảnh trên thế giới đều tận dụng tối đa phim ảnh để quảng bá, truyền tải thông điệp của đời sống xã hội, tiếng nói riêng của mỗi quốc gia, dân tộc. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới đã cho thấy, phát triển điện ảnh nước nhà góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế… Vì thế, quảng bá điện ảnh ra thế giới, xác lập vị trí của điện ảnh quốc gia trên bản đồ điện ảnh thế giới là mong muốn của bất cứ nền điện ảnh nào.

Có nhiều kênh quảng bá điện ảnh ra thế giới, trong đó có việc tham gia các liên hoan phim quốc tế. Khi các bộ phim Việt Nam được giới thiệu trên các website của các liên hoan phim quốc tế nổi tiếng và việc đưa các dự án phim của Việt Nam giới thiệu tại Chợ Dự án trong khuôn khổ các liên hoan phim này là cơ hội để quảng bá, giới thiệu điện ảnh Việt Nam, đồng thời tạo cơ hội giao lưu, kết nối với các nhà làm phim quốc tế…

Đạo diễn Nguyễn Mai Long cũng cho hay, với ông, làm phim không chỉ là một công việc mà còn là khát vọng để hội nhập quốc tế, kết nối các ngành nghề, lan tỏa điều tốt đẹp, thể hiện tinh thần tự tôn của dân tộc. Bộ phim thành công không chỉ mang về lợi nhuận kinh tế mà còn mang lại giá trị thẩm mỹ nghệ thuật cho khán giả, nêu cao và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh, tâm hồn cốt cách người Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, "một cánh én nhỏ sẽ không làm nên mùa xuân". Vì vậy, ông luôn mong muốn được nhận sự quan tâm, hỗ trợ từ các nhà sản xuất, nhà phát hành, các nghệ sĩ…

Theo Cục Điện ảnh, trong khoảng 5 năm gần đây, một số các bộ phim có doanh thu cao ở Việt Nam đã được các doanh nghiệp sản xuất phim chủ động phát hành ra nước ngoài và có kết quả khá ấn tượng như phim: "Bố già", "Hai Phượng", "Lật mặt 4": Nhà có khách… Ngoài phát hành phim, dấu ấn của điện ảnh Việt Nam ở nước ngoài còn được thể hiện qua việc tham dự các liên hoan phim quốc tế và hợp tác sản xuất phim với nước ngoài, cung cấp dịch vụ sản xuất phim. Ước tính, khoảng 10 năm trở lại đây đã có gần 20 bộ phim của Việt Nam được giới thiệu trên các website của các liên hoan phim quốc tế nổi tiếng thế giới, hoặc được lựa chọn để tranh giải chính thức tại các liên hoan phim quốc tế uy tín và các liên hoan phim quốc tế khác.

Cũng trong khoảng 10 năm, từ năm 2013 đến 6 tháng đầu năm 2023 có 256 dự án sản xuất phim có yếu tố nước ngoài, gồm các phim hợp tác sản xuất giữa Việt Nam và nước ngoài, phim của nước ngoài đến Việt Nam thực hiện cảnh quay và do Việt Nam cung cấp dịch vụ sản xuất. Trong đó, năm 2016 có 37 dự án, năm 2019 - trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát - có 35 dự án, năm 2020 có 30 dự án. Sau đại dịch thì số lượng giảm đi đáng kể, năm 2021 chỉ có 7 dự án, 2022 có 22 dự án, 6 tháng đầu năm 2023 mới có 2 dự án…

Mặc dù số lượng các dự án sản xuất phim hợp tác, cung cấp dịch vụ cho đối tác nước ngoài, các giải thưởng của phim Việt Nam tại các liên hoan phim quốc tế trên thế giới và số phim Việt Nam được phát hành ở nước ngoài chưa nhiều và không đều do nhiều nguyên nhân, nhưng có thể thấy rằng, điện ảnh Việt Nam đã được khẳng định ít nhiều ở nước ngoài.

Việc các đạo diễn trẻ và các bộ phim của Việt Nam tham dự, được chọn dự thi, được đề cử và đoạt giải tại các liên hoan phim quốc tế uy tín là tín hiệu đáng mừng cho điện ảnh Việt Nam - một nền điện ảnh chưa có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh. Việc các phim của điện ảnh Việt Nam phát hành được và có doanh thu nhất định tại thị trường điện ảnh thế giới chứng tỏ sức bật của các doanh nghiệp sản xuất phim của Việt Nam, qua đó đã phát lộ những tài năng điện ảnh.

Việc các nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam để sản xuất phim và sử dụng dịch vụ sản xuất phim của Việt Nam đã cho thấy sự hấp dẫn và điều kiện thuận lợi về quy định của pháp luật, về thủ tục hành chính, về vận chuyển, giao thông, về tính năng động và chuyên nghiệp… Tuy nhiên, những yếu tố tích cực nêu trên còn ở tình trạng bấp bênh, khó định đoán và chưa đủ tầm chiến lược. Đây là thách thức đặt ra cho cả các nhà hoạt động điện ảnh ở Việt Nam, các nhà quản lý, nhà sản xuất phim, nhà cung cấp dịch vụ sản xuất phim ở Việt Nam.

Để thúc đẩy quảng bá điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài, về phía Cục Điện ảnh sẽ có nhiều giải pháp như tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thiết thực và có khả năng thực thi để xây dựng môi trường làm phim thu hút các nhà đầu tư, nhà sản xuất phim nước ngoài đến Việt Nam, trong đó chú trọng những chính sách về tài chính, huy động và hiện thực hóa các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa, kết nối các nguồn vốn một cách hiệu quả, thuận lợi; nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập quốc tế ở lĩnh vực điện ảnh.

Bên cạnh đó, Cục Điện ảnh cũng sẽ chú trọng xây dựng tác phẩm điện ảnh cho các hoạt động đối ngoại; hỗ trợ các tài năng, đầu tư xây dựng và sản xuất thành công các dự án phim có chất lượng tốt, mang bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo để có thể tiếp cận thị trường điện ảnh khu vực và quốc tế, thành công tại các liên hoan phim quốc tế nhiều hơn…         

N.Nguyễn
.
.
.