Nghệ thuật truyền thống đắt show mùa Tết

Chủ Nhật, 04/02/2024, 06:14

Như thường lệ, mỗi dịp Tết đến Xuân về, các nghệ sĩ, các nhà hát nghệ thuật truyền thống lại tất bật với các chương trình biểu diễn phục vụ nhân dân. Theo ghi nhận của PV Báo CAND, hiện các nhà hát đã kín lịch biểu diễn không chỉ trong những ngày Tết mà trong cả mùa Xuân.

Rộn ràng và tấp nập

Những ngày cuối cùng của năm Quý Mão 2023, PV Báo CAND đã đến thăm một số nhà hát truyền thống và thấy được không khí khẩn trương, nghiêm túc của các nghệ sĩ. Vừa chỉ tay hướng dẫn các nghệ sĩ tập vở, TS. NSND Lê Tuấn Cường, Quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam vừa cho biết, từ nay đến hết tháng Giêng, Nhà hát đều đã kín lịch diễn. Ngoài phục vụ nhiệm vụ chính trị, biểu diễn chương trình nghệ thuật “Điệu chèo Xuân” (vào ngày mùng 9 Tết tại Rạp Kim Mã), Nhà hát đã nhận được các show diễn ở trong và ngoài Thủ đô, nhất là các làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ.

Nghệ thuật truyền thống đắt show mùa Tết -0
Các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam tập luyện tiết mục chèo đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

TS.NSND Lê Tuấn Cường cũng cho biết, trong các loại hình âm nhạc truyền thống, chèo luôn có sức sống mãnh liệt và lan tỏa nhất. Dịp Tết chính là dịp mà các nghệ sĩ bận rộn hơn, tất bật hơn. Hiện, các nghệ sĩ của Nhà hát đang đêm ngày tập luyện những vở chèo, như: Quan Âm Thị Kính”, “Lưu Bình - Dương Lễ”… Cùng với các chương trình trực tiếp, năm nay Nhà hát đã tổ chức sân chơi “Thử thách hát chèo” online cho những người yêu chèo tham gia. Dịp đầu năm mới, Nhà hát sẽ tổng kết, đánh giá và trao giải. Hy vọng sân chơi sẽ tạo ra niềm vui cho mọi người trong dịp Tết này.

Tương tự như vậy, các nghệ sĩ ở Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh cũng đang xây dựng những chương trình biểu diễn trong dịp Tết và cả mùa Xuân ở tỉnh Bắc Ninh cũng như các tỉnh lân cận, như: Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định… Theo nghệ sĩ Thanh Quý, Phó Giám đốc Nhà hát, bắt đầu từ mùng 3 đến mùng 5 Tết các liền anh, liền chị sẽ biểu diễn các chương trình tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh). Từ mùng 3 đến hết tháng 2, Nhà hát đã kín lịch. Ngoài biểu diễn những bài hát quan họ cổ, như: “Mời nước mời chầu”, “Còn duyên”, “Vui bốn mùa”…, chúng tôi còn biểu diễn những bài hát mới mang âm hưởng quan họ, như: “Làng quan họ quê tôi, “Gửi về quan họ”, “Khách đến chơi nhà”…

Nằm ở vị trí đắc địa bên cạnh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), từ lâu Nhà hát Múa rối Thăng Long đã được biết đến với danh hiệu “Nhà hát duy nhất tại châu Á đạt kỷ lục diễn rối nước 365 ngày/năm”. Dịp Tết này, Nhà hát đã chuẩn bị nhiều tiết mục đặc sắc đến đón lượng lớn du khách. Theo NSƯT Thanh Hiền, Giám đốc Nhà hát, Nhà hát đã chuẩn bị hàng tháng nay chương trình múa hát rối chào Xuân, trong đó đã lựa chọn các tích trò dân gian đặc sắc nhất từ hàng trăm tích trò cổ trong kho tàng múa rối Việt Nam. Đây là chương trình tạp kỹ tổng hợp, mang sắc xuân nhiều hơn, sử dụng rối cạn nhiều hơn…

Không chỉ các nhà hát, hiện các nhóm nhạc truyền thống và các nghệ sĩ truyền thống cũng đã chuẩn bị những tiết mục phục vụ khán giả trong dịp Tết. Nhóm Xẩm Hà thành đã chuẩn bị tiết mục “Tết Việt” cùng nhiều tác phẩm mang không khí Xuân sẽ được biểu diễn trong không gian phố đi bộ hồ Gươm. Thời buổi công nghệ, các nghệ sĩ cũng đã chủ động chuẩn bị những MV truyền thống sẽ phát trên kênh YouTube trong dịp Tết này. Như nhạc sĩ, nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long (thành viên nhóm Xẩm Hà thành) đã chuẩn bị 2 MV đón Xuân mang âm hưởng dân ca quan họ Bắc Ninh là “Mong ngày tương phùng” và “Trúc mọc bên đình” hay Trung tá, NSƯT Lương Thùy Linh (Nhà hát Chèo Quân đội) đã chuẩn bị nhiều MV, như “Khát vọng mùa xuân”, “Rộn ràng trảy hội làng Keo”, “Gặp nhau trong hội xuân”…

 “Gia vị” ngày Tết

Trao đổi với PV Báo CAND, nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết, dân gian vẫn quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” mà trong cái sự “ăn chơi” đó, thì không thể thiếu được tiếng hát của âm nhạc truyền thống. “Ngày Tết là thời điểm chúng ta hướng về tổ tiên, cội nguồn với tấm lòng thành kính, sự biết ơn và cũng là dịp Tết các thành viên trong gia đình được sum vầy, đoàn viên bên nhau. Bởi thế, những bài hát truyền thống với ca từ giàu ý nghĩa, răn dạy con người hướng đến gia đình, tổ tiên và những giá trị nhân sinh sẽ là “gia vị” đắp bồi cho không khí Tết.

Những năm gần đây, các chương trình nghệ thuật truyền thống dịp Tết càng nở rộ với đa dạng các hình thức, không chỉ là biểu diễn trực tiếp mà cả online. Sau một năm mỏi mệt với cuộc sống mưu sinh, còn gì thú vị hơn khi người người, nhà nhà được bên những người thân yêu và cùng thưởng thức những làn điệu chèo, câu hát quan họ… Đó chính là sự kết nối từ truyền thống đến hiện tại như một mạch nguồn chảy xiết trong tâm thức mỗi người con đất Việt”, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long bày tỏ.

Đồng quan điểm đó, soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, ngày càng có nhiều người hướng về giá trị truyền thống nói chung và âm nhạc truyền thống nói riêng. Tết Nguyên đán là ngày truyền thống của dân tộc ta. Từ ngàn đời nay đã gắn với bánh chưng, câu đối, dưa hành… và tất nhiên không thể thiếu được câu hát nghệ thuật truyền thống cho không khí Tết thêm đầm ấm, vui tươi.

“Có thể nói mùa Xuân là “sân chơi” của các nghệ sĩ truyền thống, là “vụ xuân” gieo trồng nghệ thuật truyền thống. Đó chính là thời điểm mà nghệ thuật truyền thống có điều kiện được lan tỏa, phát huy trong đời sống xã hội. Nắm bắt được xu thế đó, trong dịp Tết này, Đài Tiếng nói Việt Nam đã tăng thêm thời lượng phát sóng các chương trình dân ca, trong đó có rất nhiều tiết mục đặc sắc ở cả lời cổ và lời mới để ca ngợi Đảng, Bác Hồ, mùa Xuân và đất nước”, soạn giả Mai Văn Lạng nhấn mạnh.

Ngô Khiêm
.
.
.