Hình tượng người chiến sĩ CAND trong văn học nghệ thuật

Thứ Tư, 21/06/2023, 12:56

Suốt gần 80 năm xây dựng và trưởng thành, với những chiến công vang dội, những sự hy sinh thầm lặng, hình tượng người chiến sĩ CAND đã được khắc họa đậm nét, sinh động qua các tác phẩm văn học nghệ thuật. Với tình yêu, sự khâm phục và lòng mến mộ, các tác giả trong và ngoài lực lượng đã sáng tác nên những áng văn hay, giai điệu đẹp, nét vẽ tinh xảo để hình ảnh người chiến sĩ CAND gần gũi với nhân dân.

Khắc họa đậm nét hình tượng người chiến sĩ CAND

Hình tượng người chiến sĩ CAND đã đi vào trong nốt nhạc bay bổng, trữ tình của các nhạc sĩ tài danh, như nhạc sĩ Văn Cao với “Người Công an thân yêu”, nhạc sĩ Trọng Bằng với “Chúng ta là chiến sĩ Công an”, nhạc sĩ Phạm Tuyên với “Từ một ngã tư đường phố”… Tiếp nối “thế hệ vàng” này, các nhạc sĩ tiếp tục tìm tòi, sáng tạo, cách điệu hình tượng người chiến sĩ Công an qua các ca khúc “Chúng con canh giấc ngủ cho Người” (Nguyễn Đăng Nước), “Chúng tôi là người chiến sĩ Công an Việt Nam” (Trần Gia Cường), “Bài ca người chiến sĩ Công an” (Đỗ Hồng Quân)… Những năm vừa qua, thông qua việc đẩy mạnh các cuộc vận động sáng tác, chúng ta đã có thêm nhiều ca khúc hay, như: “Tự hào người chiến sĩ Công an” (An Hiếu), “Những chiến công thầm lặng” (Huyền Ngọc), “Dưới lá cờ vinh quang” (Hoàng Đăng)…

Tr 16 SĐB - Hình tượng người chiến sĩ CAND trong văn học nghệ thuật -0
Hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộsẵn sàng lao vào nguy hiểm để cứu giúp người bị nạn được tái hiện trên sân khấu.

Thời điểm 3 chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ hy sinh khi làm nhiệm vụ ở Cầu Giấy (Hà Nội), nhiều nhạc sĩ đã sáng tác những ca khúc hết sức cảm động, như: “Ngày đồng đội ra đi” (Đức Tuyết), “Ngược chiều bình an” (An Hiếu), “Mặt trời trong biển lửa” (nhạc: Tuấn Anh, thơ: Vân Anh)…

Trong chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 75 năm “CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” (ngày 6/3/2023), nhiều người xúc động, tự hào khi nghe ca khúc “Dưới bóng cây cách mạng” tái hiện sự kiện đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII nhận bức thư Bác Hồ dạy về “Tư cách người Công an cách mệnh” dưới tán cây cổ thụ ở chùa Tứ Giáp. Điều đặc biệt, tác giả ca khúc này còn rất trẻ (sinh năm 1992) Trung úy Phạm Hoàng Huy (Nhà hát CAND).

Tương tự như vậy, trong lĩnh vực văn học, chúng ta đã có nhiều tác phẩm sinh động, hấp dẫn, khắc họa được hình ảnh, phẩm chất cao đẹp “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của người chiến sĩ CAND. Có thể nói nhà văn Nguyễn Đình Lạp là người tiên phong trong sáng tác văn học về lực lượng CAND với tác phẩm “Chiếc valy” (xuất bản năm 1951) dựa trên nguyên mẫu là chiến công của Anh hùng Nguyễn Thị Lợi. Hình tượng người chiến sĩ CAND với những chiến công hiển hách, dũng cảm tiếp tục được hình tượng hóa qua các tác phẩm “Cây đa xanh” (Lê Tri Kỷ), “Ông cố vấn – Hồ sơ một điệp viên” (Hữu Mai), “Vầng nguyệt quế cô đơn” (Nguyễn Quang Thiều)…

Đặc biệt, từ năm 1999 đến nay, Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức các cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện, ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc, vì bình yên cuộc sống” và cuộc thi “Cây bút vàng”, đã thu được nhiều tác phẩm có giá trị, như: “Chạy án” (Nguyễn Như Phong), “Cô Mặc Sầu”(Nguyễn Đình Tú), “Sát thủ online” (Nguyễn Xuân Thủy)... Đáng mừng là các tác giả thế hệ 9X cũng nhập cuộc đầy sôi nổi, hào hứng với mảng đề tài này, có thể kể đến như: “Đảo bạo bệnh” (Đức Anh), “Mật mã cuối cùng” (Kim Thị Mùa Đông), “Muội tro” (Võ Chí Nhất)…

Hòa chung vào dòng chảy văn học nghệ thuật ca ngợi người chiến sĩ CAND còn có các lĩnh vực nhiếp ảnh, hội họa, sân khấu, điện ảnh… Riêng trong lĩnh vực điện ảnh, thời gian gần đây đã có nhiều bộ phim khắc họa hình tượng người chiến sĩ Công an mưu trí, dũng cảm nhưng cũng hết sức tài ba, khôn khéo cũng như có kiến thức xã hội sâu rộng để trấn áp tội phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, như: “Người phán xử”, “Sinh tử”, “Bão ngầm”… Đặc biệt có những bộ phim ra đời đã kịp thời tuyên truyền chủ trương của Bộ Công an về việc đưa Công an chính quy về xã, như phim “Phố trong làng” hay có những bộ phim lấy cảm hứng từ vụ đại án Việt Á và Nhật Cường Mobile đang rất “nóng” hiện nay như phim “Đấu trí”.

“Mỏ quặng” quý nhưng đầy thách thức

Là người ngoài ngành nhưng nhà văn Nguyễn Hiệp đã sáng tác nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, ký về đề tài CAND, đặc biệt anh đã giành Giải B (không có Giải A) trong cuộc thi “Cây bút vàng” lần thứ IV và giải Nhất truyện ngắn Trại sáng tác văn học về hình tượng “Người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân” gần đây. Mặc dù anh cho rằng, “khoan” xuống bất cứ chỗ nào từ truyền thống đến đương đại trong ngành Công an đều bắt gặp những mỏ quặng quý nhưng anh cũng thừa nhận đây là đề tài khó.

“Xây dựng hình tượng chiến sĩ CAND qua văn học không chỉ nói về nghiệp vụ mà còn đi sâu vào đời sống của họ với những góc khuất, với tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình. Đặc biệt, không chỉ mãi ca ngợi một chiều, lúc nào cũng tô hồng mà phải khắc họa họ có những phút dao động, mềm lòng nhưng trên hết họ vẫn tuyệt đối trung thành với Đảng, với ngành. Công việc của người chiến sĩ Công an ngày càng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi nhà văn phải không ngừng tìm tòi, học hỏi, lao động, sáng tạo mới có thể tiếp cận được”, nhà văn Nguyễn Hiệp chia sẻ.

Tr 16 SĐB - Hình tượng người chiến sĩ CAND trong văn học nghệ thuật -1
Các nhà văn tham gia trại sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài “Hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ CAND”. (Ảnh: Duy Thanh)

Đồng quan điểm đó, Trung tá, nhà văn Bùi Tuấn Minh (Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I) cho rằng, viết về CAND luôn là thách thức, hơn nữa người viết không có nhiều cơ hội được tiếp cận tài liệu, hồ sơ các vụ án nên thiếu chất liệu viết, dẫn đến có những tác phẩm xa rời thực tế, chưa đúng nghiệp vụ, đặc thù công tác của ngành. Còn theo Thượng úy, nhà văn Phan Đức Lộc (Công an thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), để văn học về đề tài CAND trở thành một mảnh ghép quan trọng trong bức tranh văn học đương đại, độc giả trông chờ, hy vọng và đòi hỏi ở các nhà văn một sự bứt phá mạnh mẽ, mới mẻ và sáng tạo, vượt qua giới hạn của âm hưởng ngợi ca chủ đạo cũng như lối viết quá nệ cốt truyện để đi sâu khám phá thân phận con người giữa các ranh giới của cuộc sống.

Là tác giả giành giải B thể loại thơ trong cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài “Hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ CAND”, nhà thơ Lữ Mai thẳng thắn nhận định, các sáng tác mới chỉ đáp ứng phần nào yêu cầu về khai thác, thể hiện đề tài và chưa thực sự tương xứng với hiện thực khách quan cũng như những cống hiến thầm lặng mà vô cùng ý nghĩa của lực lượng CAND đối với sự nghiệp giữ gìn, bảo vệ an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống. “Ở góc độ nào đó, khoảng thời gian tham gia một trại sáng tác hay một vài chuyến đi thực tế chưa thể đáp ứng cho văn nghệ sĩ về dữ liệu và cảm xúc. Để có tác phẩm lớn, thuyết phục, người viết cần nối dài hành trình đó bằng cách tự vận động, tư duy và trăn trở về đề tài”, nhà thơ Lữ Mai nhấn mạnh.

Chung nỗi niềm với các nhà văn, nhà thơ, Đại tá, nhạc sĩ Đức Tuyết (nguyên Trưởng phòng Văn hóa-Thể thao, Truyền hình CAND - ANTV) nhìn nhận, khối lượng và chất lượng ca khúc vẫn chưa xứng tầm với những cống hiến, hy sinh của người chiến sĩ Công an. Sự xứng tầm thể hiện ở chỗ khi giai điệu, lời ca vang lên phải ăn sâu vào ký ức công chúng, phải tạo niềm kiêu hãnh lớn lao trong lòng người chiến sĩ. Còn Trung tá, NSƯT Nguyễn Tất Nghĩa (Phó trưởng Đoàn Ca múa nhạc, Nhà hát CAND) cho rằng, CAND là đề tài tương đối khó, đòi hỏi nhạc sĩ phải tìm hiểu, thâm nhập thực tế trong thời gian dài mới có thể sáng tác được. Muốn có sáng tác hay cần phát động nhiều cuộc thi sáng tác về từng đề tài, từng lực lượng cụ thể, đặc biệt cần có sự kết hợp giữa các nhạc sĩ trong và ngoài ngành.

Ngô Khiêm
.
.
.