“Đánh thức” truyền thống trong lĩnh vực thiết kế

Thứ Ba, 30/11/2021, 08:21

Khi nhắc đến từ truyền thống, nhiều người hay nghĩ ngay đến những gì thuộc về quá khứ. Nhưng thực tế, những giá trị truyền thống đang được khai thác hiệu quả trong nhiều lĩnh vực sáng tạo, trong đó có thiết kế sáng tạo từ nguồn lực văn hoá của Hà Nội.

Thúc đẩy hợp tác công – tư để phát huy giá trị truyền thống

Những ngày này, khách ghé thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám  có dịp hoà mình vào khá nhiều hoạt động thú vị trong chuỗi hoạt động của Tuần lễ thiết kế Việt Nam lần thứ 2 năm 2021, do Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, phối hợp cùng Ashui.com, ConsMedia Corporation, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám tổ chức.

Bên cạnh các hội thảo, toạ đàm, triển lãm, trao giải cuộc thi thiết kế do Ban tổ chức triển khai, Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn là địa chỉ để những bạn trẻ yêu mến văn hoá truyền thống tổ chức hoạt động tọa đàm về chủ đề liên quan và phát trực tuyến. Trước đó, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã là nơi diễn ra khá nhiều hoạt động, trong đó các bạn trẻ sáng tác, trao đổi về những chủ đề thú vị liên quan đến phát huy giá trị của di sản văn hoá và phát trực tuyến.

“Đánh thức” truyền thống trong lĩnh vực thiết kế -0
Góc triển lãm thiết kế mới tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội.
“Đánh thức” truyền thống trong lĩnh vực thiết kế -1

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Văn hoá Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn cho biết, thời gian qua, trung tâm đã có rất nhiều hoạt động nhằm phát huy giá trị của di tích và ngày càng nhiều du khách, đặc biệt là các bạn trẻ biết đến Văn Miếu vì giá trị của di sản văn hoá đặc biệt này, chứ không phải chỉ đến để thắp hương, cầu may như nhiều người vẫn quan niệm lâu nay. Trong thời gian tới, trung tâm sẽ còn tiếp tục tạo điều kiện nhiều hơn nữa để Văn Miếu – Quốc Tử Giám thực sự trở thành không gian cho nhiều hoạt động sáng tạo. Bên cạnh thúc đẩy hợp tác công – tư để phát huy tốt hơn nữa nguồn lực văn hoá Thủ đô, Trung tâm cũng sẽ có rất nhiều hoạt động hấp dẫn khác dành cho khách đến với di tích, trong đó, đáng chú ý có áp dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng để “kể” các câu chuyện về Văn Miếu xưa... Tại cuộc thi thiết kế Designed by Vietnam, trong số 183 thiết kế dự thi, có nhiều thiết kế đã đưa Văn Miếu vào sản phẩm và được đánh giá cao.

Thực tế cho thấy, việc hợp tác công – tư nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động sáng tạo, tạo ra các không gian sáng tạo hấp dẫn, đồng hành cùng đội ngũ sáng tạo trong khai thác, phát huy những giá trị truyền thống trong sáng tạo thiết kế  là xu hướng chung của nhiều đơn vị văn hoá Thủ đô, đặc biệt là các bảo tàng và di tích đặc biệt như Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Trao đổi quanh vấn đề thiết kế đánh thức giá trị truyền thống, TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng chia sẻ, khi nghe từ “truyền thống”, chúng ta thường nghĩ đến những thứ thuộc về quá khứ – của một thời gian và không gian cố định nào đó. Làm như vậy dễ dẫn đến nguy cơ bỏ qua tính liên tục, tính thích ứng và tính biến đổi vốn có của truyền thống. Truyền thống luôn dịch chuyển bởi các yếu tố như con người, xã hội và tự nhiên. Việc lưu giữ truyền thống trong lĩnh vực thiết kế không thể được xem xét đơn giản là quá trình “cắt và dán”. Truyền thống không thể được bảo tồn hiệu quả chỉ bằng cách thao túng hay tích hợp các biểu tượng quốc gia, truyền thống tín ngưỡng và văn hóa địa phương một cách phiến diện và nặng tính cổ động. Nó phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc với tinh thần tôn trọng lịch sử và tổ tiên của chúng ta nhưng vẫn phải mạnh dạn đổi mới để đảm bảo sự liên quan của truyền thống được tiếp nối.

Tạo sự hấp dẫn, khác biệt bằng văn hoá

Bày tỏ sự lạc quan về xu hướng khai thác giá trị truyền thống trong sáng tạo thiết kế, TS Lư Thị Thanh Lê, giảng viên ngành Việt Nam học, Đại học Việt Nhật, đồng sáng lập Liên minh Sáng kiến văn hóa Việt Nam cho rằng, hội nhập sâu rộng càng tạo nên nhu cầu được nhận dạng, sự khác biệt, giới thiệu văn hoá đặc trưng của Việt Nam với thế giới, của tộc người này với tộc người khác…

Tham gia đáp ứng các nhu cầu này có các cộng đồng, nghệ nhân, nghệ sĩ, người hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư, các nhà nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ, các nhà sản xuất. Nghệ nhân cải tiến kỹ thuật cũ, tăng giá trị sản phẩm vốn có. Nhiều làng nghề, nhiều nghệ nhân đã rất thành công khi đưa sản phẩm ra nước ngoài. Nhà thiết kế chuyên nghiệp chủ động tiếp cận các cộng đồng, tìm hiểu giá trị truyền thống của cộng đồng địa phương, đưa vào thiết kế mới, tạo những sản phẩm có giá trị rất cao…

Nhà thiết kế Vũ Thảo, Giám đốc nghệ thuật của Kilomet109 cũng cho hay, chị rất lạc quan về công nghiệp sáng tạo Việt Nam, đặc biệt là ở mảng thiết kế. Thiết kế Việt Nam lãnh hội nhiều nhiệm vụ khác chứ không chỉ đơn giản là giải toả về nhu cầu vật chất. Thông qua thiết kế, các nhà thiết kế chuyển tải nhiều giá trị ngoài khác ngoài thiết kế. Việt Nam có nhiều làng nghề truyền thống, văn hoá chế tác truyền thống lâu đời, phong phú. Nhà thiết kế có cơ hội tiếp cận các làng nghề, làng chế tác thủ công và tiếp thu các giá trị của nó để tạo nên bản sắc riêng cho các thiết kế của mình.

Khẳng định giá trị văn hoá truyền thống làm nên sự độc đáo, sức hấp dẫn riêng cho thiết kế Việt Nam so với các quốc gia khác, tuy nhiên, nhà thiết kế Đinh Công Đạt cũng chỉ ra rằng, làm thiết kế khác nghệ thuật đơn thuần. Nghệ thuật là phục vụ cái đẹp một cách tuyệt đối, còn thiết kế phải đề cao tính ứng dụng, người ta phải sử dụng được. Muốn phát huy giá trị văn hoá truyền thống trong sáng tạo thiết kế, trước hết, người sáng tạo thiết kế phải thẩm thấu sâu sắc các giá trị đó và chuyển tải vào sản phẩm. Bên cạnh đó, các nhà thiết kế phải quan tâm đến tính hữu dụng, nhiều công năng của thiết kế và phải chuyển tải được đặc trưng của văn hoá Việt Nam, đó là sự khiêm nhường, cân đối, mỏng manh nhưng kỹ lưỡng bên trong, không phải là sự phô trương ở hình thức bên ngoài…

N.Nguyễn
.
.
.