Đặc sắc ngày hội văn hóa dân tộc Mông ở Điện Biên

Thứ Ba, 15/12/2015, 08:12
Tháng 12 là tháng của sắc vàng dã quỳ trên khắp những cung đường Tây Bắc, tháng mà đồng bào Mông trên các bản làng rộn ràng ăn Tết cổ truyền của dân tộc mình. Từ ngày 11 tới 13-12, trong tiết trời se lạnh, đồng bào dân tộc Mông, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã nô nức tụ hội về bản Pu Lau, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên để hòa mình vào ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ hai.

Khi sương sớm còn phủ mờ trắng xóa trên mọi ngả đường và khắp các bản làng, đã nghe tiếng nói cười rộn rã xen lẫn tiếng khèn gọi nhau về trung tâm bản Pu Lau. Về với ngày hội, các chàng trai cô gái, người già cho đến trẻ em đều xúng xính trang phục dân tộc sặc sỡ. Giữa bãi đất trống ở cạnh nhà văn hóa bản, một sân khấu đã được dựng lên khá hoành tráng để đồng bào người Mông từ khắp các xã thuộc huyện Điện Biên về so tài.

Khoảng 8h sáng, khi mặt trời nhô lên khỏi những dãy núi, ánh nắng xen qua những tán cây là thời điểm ngày hội giao lưu văn hóa dân tộc Mông bắt đầu diễn ra. Ngày hội được mở đầu với những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông nơi đại ngàn núi rừng Tây Bắc, được những “nghệ sĩ” không chuyên là đồng bào dân tộc Mông từ khắp các xã trong huyện trình bày. Tiếng khèn Mông, kèn lá, sáo Mông hay những bài hát múa “Giã bánh giầy vùng cao”, “Xuân về trên bản Mông” rộn rã vang lên… Hàng trăm khán giả phía dưới vỗ tay theo từng tiếng nhạc và hò reo phấn khởi khi những tiết mục kết thúc.

Tiết mục tham gia chương trình giao lưu văn hóa dân tộc Mông, huyện Điện Biên. Ảnh: Nguyễn Hiền.

Sau phần giao lưu văn nghệ, mọi người bắt đầu tham gia thi tài ở những trò chơi như ném pao, đánh tù lu, giã bánh giầy. Đây là những trò chơi dân gian đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông mỗi độ xuân về. Được chờ đợi nhất trong các trò chơi dân gian của người dân tộc Mông bao giờ cũng là phần thi giã bánh giầy. Bánh giầy là loại bánh không thể thiếu của đồng bào dân tộc Mông khi đón Tết truyền thống của dân tộc. Bánh giầy là biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của trai gái người Mông, bánh giầy còn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài.

Phần thi giã bánh giầy đòi hỏi sự đoàn kết cao mới có thể tạo ra được những chiếc bánh vừa đẹp vừa đủ độ dẻo, ngon cần thiết trong thời gian nhanh nhất. Những tiếng chày giã thậm thịch cùng tiếng hò reo của khán giả tạo nên không khí rộn ràng giữa bản làng. Sau khi hai chàng trai của mỗi đội giã cơm nếp đến độ dẻo nhất định, hai cô gái bắt đầu nặn thành từng chiếc bánh tròn trịa gói vào lá chuối. Sau khi hoàn thành phần thi, ban giám khảo bắt đầu đi chấm điểm. Khi chấm điểm xong, bánh giầy được mang tặng để người dân, du khách thập phương cùng thưởng thức.

Theo quan niệm của người Mông, ai may mắn được tặng bánh giầy sẽ là khách quý của gia đình. Trong ngày lễ, tết người Mông đều đặt 3 chiếc bánh giầy để thờ cúng: Một chiếc thể hiện cho mùa màng bội thu, một chiếc thể hiện cho vật nuôi sinh sản đầy đàn, một chiếc thể hiện cho sức khỏe và sự bình an của các thành viên trong gia đình…

Anh Ly A Sáu, đến từ xã Na Ư, huyện Điện Biên phấn khởi chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia ngày hội văn hóa dân tộc Mông. Đến ngày hội, tôi được tham gia các trò chơi và biểu diễn văn nghệ. Đội của tôi cũng đã giành được nhiều giải cao tại ngày hội. Cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Mông như chúng tôi được giao lưu, học hỏi tinh hoa văn hóa của dân tộc mình ở khắp các xã trong huyện".

Ông Hà Văn Phiêng, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, Trưởng ban tổ chức ngày hội cho biết: Người Mông có nền văn hóa rất độc đáo. Các trò chơi dân gian của họ thường được đồng bào tổ chức trong các dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Từ năm 2009 đến nay, huyện Điện Biên mới có cơ hội tổ chức lần thứ hai ngày hội văn hóa dân tộc Mông huyện Điện Biên. Việc tổ chức ngày hội nhằm góp phần giữ gìn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc Mông; đồng thời, giáo dục tinh thần đoàn kết, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong huyện. Đây còn là dịp để nhân dân khắp các xã trong huyện được gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống với du khách.

Tại ngày hội, khi mặt trời đã đứng bóng, mọi người trao nhau những lời chào lưu luyến và cùng hẹn gặp mùa sau. Những du khách cầm trên tay chiếc bánh giầy do những người con gái Mông trao tặng, lưu luyến chia tay và mong được sớm trở lại với ngày Tết văn hóa của đồng bào Mông vào lần sau.

Trịnh Xuân Tư
.
.
.