Xiếc Việt khó chồng khó vì “vàng thau lẫn lộn”
Khán giả không chỉ bị thiệt thòi vì cách quảng cáo “đầu voi đuôi chuột” mà còn rất dễ bị ngộ nhận, nghệ thuật xiếc không có gì đặc sắc. Đó là than phiền của NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam sau câu chuyện đoàn xiếc biểu diễn ở Quảng Trị tổ chức biểu diễn nhưng không đáp ứng được yêu cầu về an ninh trật tự gây bức xúc và bị xử phạt hành chính vừa qua.
Mỗi tiết mục biểu diễn xiếc thực thụ đều là thành quả sáng tạo được đánh đổi bằng nhiều mồ hôi, tâm sức của nghệ sĩ và đạo diễn. |
Cũng theo NSND Tạ Duy Ánh, việc các đoàn, nhóm xiếc lấy tên theo kiểu na ná tên của đơn vị, thậm chí “mượn” gần như toàn bộ tên của đơn vị để đi quảng bá cho chương trình của mình ở các tỉnh, khu vực ngoại ô đã là chuyện rất phổ biến vài năm nay.
Liên đoàn đã có công văn kiến nghị đến cơ quan quản lý nhiều cấp, đề nghị đơn vị cấp phép biểu diễn, đặc biệt là Sở Văn hóa, Thể thao; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành lưu tâm khi cấp phép và có cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn thường xuyên tái diễn.
Thực tế, dư luận đã nhiều lần xôn xao trước các vụ việc lộn xộn, những sự cố nghiêm trọng có liên quan đến biểu diễn xiếc. Vụ việc cá sấu tấn công diễn viên trong khi biểu diễn năm vừa qua là một điển hình. Vụ việc chương trình biểu diễn xiếc tại Quảng Trị “vỡ trận” vì ban tổ chức không lường trước được lượng khách quá đông cũng không phải là sự cố đầu tiên và duy nhất tại địa phương này và nguyên nhân cũng giống như nhiều trường hợp tương tự.
Ngoài việc thiếu kiểm soát chất lượng tiết mục, chương trình, lực lượng quản lý mỏng, không đảm bảo công tác hậu kiểm thì còn một lý do khác khiến người trong cuộc cũng lúng túng.
Đó là việc các đoàn, nhóm đã có giấy phép biểu diễn. Khi lưu diễn qua địa phương khác, cơ quan quản lý chỉ thực hiện khâu tiếp theo là tiếp nhận giấy phép và thông báo biểu diễn. Các kịch mục thực tế như thế nào, ngay người làm quản lý có khi cũng chưa tận mắt xem nên càng không thể kiểm định thực hư chất lượng chương trình.
Đây cũng không chỉ là vấn đề của riêng các chương trình biểu diễn nghệ thuật xiếc mà là tình trạng chung của nhiều chương trình thuộc nhiều lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật khác. Về vấn đề này, ngay Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội và Sở Văn hóa, Thể thao TP Hồ Chí Minh – 2 địa phương tập trung nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp nhất cũng từng không ít lần kiến nghị trong các cuộc hội thảo, hội nghị, tọa đàm liên quan.
Bởi lẽ, quy định cho phép đơn vị tổ chức biểu diễn xin cấp giấy phép ở tỉnh, thành này nhưng vẫn được phép biểu diễn ở tỉnh, thành khác nảy sinh những bất cập. Khi lưu diễn ở nơi mới, nhà tổ chức chỉ việc trình giấy phép, thông báo nội dung sẽ biểu diễn.
Nếu nội dung biểu diễn thực tế không đúng so với khi được cấp phép, người làm quản lý ở địa phương khác sẽ khó nắm bắt được. Chưa kể, trình độ thẩm định của cơ quan quản lý các địa phương không đồng đều. Có khi, nhà tổ chức không xin được giấy phép biểu diễn ở tỉnh, thành này nhưng vẫn đàng hoàng có giấy phép từ tỉnh, thành khác…