Trùng tu, tôn tạo Bia Quốc học đã làm mất giá trị nguyên bản

Thứ Năm, 12/01/2017, 08:37
Những ngày qua, dư luận đã lên tiếng phản ánh khi biết công trình Bia Quốc học Huế - Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong nằm ở bờ Nam sông Hương sau khi được sơn màu lòe loẹt, hoa văn trang trí bị cạo, làm mất giá trị nguyên bản của công trình.

Sau nhiều tháng thi công trùng tu tôn tạo, Bia Quốc học Huế - Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong nằm ở bờ Nam sông Hương, đối diện với Trường THPT chuyên Quốc học Huế (TP Huế) sắp được hoàn thành. Tuy nhiên, những ngày qua, dư luận đã lên tiếng phản ánh khi biết công trình này được sơn màu lòe loẹt, hoa văn trang trí bị cạo, làm mất giá trị nguyên bản của công trình.

 Bia Quốc học được xây dựng vào năm 1920 với hình dáng như một bình phong lớn, có hai tầng và mái che, các họa tiết trang trí đều mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn.

Theo thời gian, Bia Quốc học đang bị hư hại, xuống cấp nên tháng 11-2016, UBND TP Huế giao cho Trung tâm Công viên cây xanh Huế làm chủ đầu tư thực hiện trùng tu tôn tạo. Dự án trùng tu gồm các hạng mục: bóc lớp vữa, tháo dỡ ngói lợp hư hỏng, gạch men trang trí, tô trát lớp vữa bị bong tróc ở phần bia; gia cố lại phần nền móng sụt lún, thay lớp gạch lát bị nứt, hỏng; các trụ biểu, lan can cũng được bóc lớp vữa bong rộp, trang trí họa tiết.

Bia Quốc học Huế trong giai đoạn sắp hoàn thành công tác trùng tu. (Ảnh chụp sáng 11-1).

Ngoài ra, công trình còn được lắp thêm hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật, với tổng kinh phí khoảng 700 triệu đồng. Hiện công trình này đang hoàn thiện các công đoạn trùng tu cuối cùng và dự kiến trong tháng 1-2017 sẽ hoàn tất.

Tuy nhiên, người dân Huế đã phải ngạc nhiên và bức xúc khi màu sắc của Bia Quốc học được đơn vị thi công sơn mới với màu vàng lòe loẹt, không giống như nguyên bản vốn có của công trình.

Điều đáng nói, trong quá trình tu bổ, đơn vị thi công đã cạo đi nhiều chi tiết trong hệ thống hoa văn trên công trình để làm mới.

TS. Trần Đình Hằng, Phân Viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế, khẳng định, vấn đề nghiêm trọng không phải là màu sắc lòe loẹt sau khi công trình được tu bổ, mà là việc đơn vị thi công đã cạo đi những hoa văn trang trí trên công trình.

“Giá trị nhất của công trình này là hệ thống hoa văn trang trí có tính biểu tượng chung cho văn hóa truyền thống Việt, cụ thể là Huế. Bây giờ họ muốn làm cho khỏe, họ cạo hoa văn làm phẳng hết. Tôi cũng không biết đơn vị thi công căn cứ vào hình ảnh tư liệu nào để sơn màu vàng cho bia như hiện nay”, ông Hằng nói.

Cũng theo TS. Hằng, khi tu bổ công trình Bia Quốc học, cơ quan chức năng chỉ cần dùng số tiền đầu tư để xử lý, gia cố lại nền móng để công trình không bị sập chứ không thể dựa vào lý do công trình chưa được công nhận di tích để... làm tùy tiện.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử ở Huế còn cho biết, Bia Quốc học dù chưa được xếp hạng di tích nhưng đây là công trình mang yếu tố văn hóa truyền thống, hài hòa với môi trường và không gian kiến trúc sông Hương.

Đặc biệt nhiều năm qua, Bia Quốc học được chọn làm địa điểm tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật của tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong đó có các chương trình thuộc lễ hội Festival Huế.

Vì thế, đáng lẽ ra trước khi trùng tu Bia Quốc học, các đơn vị chức năng cần tổ chức lấy ý kiến của giới nghiên cứu, chuyên môn để chọn giải pháp trùng tu được kỹ lưỡng hơn.

Anh Khoa
.
.
.