Tranh cãi “nảy lửa” về các tác phẩm tranh Giải Cánh Diều 2017

Thứ Ba, 10/04/2018, 09:09
Trong khuôn khổ giải thưởng Cánh Diều 2017 của Hội Điện ảnh Việt Nam, ngày 9-4, tại Hà Nội, một buổi gặp gỡ giữa các thành viên ban giám khảo, ban tổ chức và nhiều người làm điện ảnh lâu năm trên cả nước đã được tổ chức tại Hà Nội. 

Việc phân tích, “mổ xẻ” các tác phẩm tranh giải Cánh Diều 2017 trước thềm lễ trao giải (15-4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội) được kỳ vọng sẽ đưa ra được những kinh nghiệm để các nhà sản xuất tham khảo trong quá trình sản xuất phim, giúp điện ảnh phát triển tốt hơn.

Được tranh cãi nhiều nhất vẫn là các phim truyện điện ảnh, vì lĩnh vực này thu hút 13 trong tổng số 38 phim được sản xuất và phát hành năm 2017. Nhưng nhận xét về các tác phẩm dự giải, NSƯT Vũ Xuân Hưng, Trưởng ban giám khảo cho rằng, khoảng cách giữa phim hay nhất và dở nhất khác xa nhau. Có phim bám được cả 4 tiêu chí của giải thưởng, còn phần lớn phim được tiêu chí này thì lại hỏng tiêu chí khác. 

Về nội dung có điều đáng mừng là xuất hiện phim đề cao văn hóa dân tộc, cội nguồn, tình người, tính nhân văn sâu sắc. Phim đã đề cập rõ nét tính cách và số phận nhân vật. Một số phim sử dụng kỹ xảo hiệu quả. Âm nhạc trong phim đồng hành với hình ảnh, làm giàu cảm xúc của hình ảnh. 

Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát phát biểu tại buổi tọa đàm.

Nhược điểm là chưa xuất hiện các bộ phim về vấn đề bức thiết của xã hội, những nhân vật mang tính hình tượng tiêu biểu; nhiều phim bố cục còn rối, ôm đồm nhiều tuyến truyện, nhiều nhân vật làm cho người xem không hiểu. 

Ngay ban giám khảo, có anh ngồi bên cạnh liên tục hỏi tại sao lại như thế này, tại sao lại như thế khác, không hiểu câu chuyện tại sao lại như thế này, nhân vật này ở đâu ra, tại sao lại xuất hiện những yếu tố làm hỏng tuyến nhân vật của bộ phim, áp đặt tình huống, diễn xuất cường điệu, lời thoại đao to búa lớn, hóa trang không phù hợp... tạo cảm giác giả. 

Nội dung nhiều phim tập trung ở đời sống của con người giàu sang thượng lưu, còn người dân nghèo thiếu vắng và vẫn còn lạm dụng các nhân vật bất bình thường về giới tính, cụ thể là nhân vật nam có giới tính nữ. Xu hướng làm phim re-make, làm theo kịch bản nước ngoài không có bản sắc Việt, không khuyến khích sự sáng tạo, làm mất đi cú huých cho sự sáng tạo ban đầu.

NSND Nhuệ Giang thì cho rằng, chỉ có 1/3 phim dự giải xem được dù chưa tìm thấy tác phẩm hoàn chỉnh như ý muốn. Tỷ lệ phim hài nhiều. Dù không có hài nhảm nhưng hài không phải theo tình huống mà hài cố tình và xem rất khó chịu. 

Có phim rất thiếu chuyên nghiệp kể cả từ kịch bản đến cách kể. Tỷ lệ phim tồi chiếm nhiều hơn, nếu đưa ra thị trường thì có hại nhiều hơn vì không tạo giá trị thẩm mỹ trong nhân dân. Chỉ có một số ít phim mang tính giáo dục tốt như “Dạ cổ hoài lang” đã thoát khỏi dòng phim hài, đề cập đến thân phận người Việt ở nước ngoài...

Về vấn đề phim re-make, NSND Đào Bá Sơn cho rằng, các nhà sản xuất tìm đến kịch bản phim nước ngoài vì nó hay, nó ăn khách, có nhiều cái mới lạ cho khán giả và cả thế giới đều làm như thế. Vấn đề là ban giám khảo chấm như thế nào. 

Nếu phim re-make là bản sao phim nước ngoài thì không chấm, còn phim có nhiều sự sáng tạo, hãng phim mua kịch bản về phải biên tập, sửa chữa lại, Việt hóa lại tính cách nhân vật thì nên chấm. Liên hoan phim quốc gia đã xem xét chấm giải nên ban tổ chức cũng cần tính toán chấm như thế nào cho thấu đáo để đỡ thiệt thòi cho người sáng tác.

Đạo diễn Đào Bá Sơn cũng cho hay, hiện nay, các nhà làm phim Việt phải cạnh tranh rất khốc liệt với các phim bom tấn của Mỹ, Hàn Quốc, châu Á và châu Âu, nhưng điều đáng mừng là khán giả xem phim Việt Nam vẫn rất đông. Một số hãng phim kinh doanh rất tốt, rất ăn khách. 

Phim “Em chưa 18” với doanh thu 175 tỷ là con số đáng khích lệ. Điện ảnh Việt Nam đã bước sang trang mới nhưng là cuộc cách mạng nghe nhìn hết sức thầm lặng. Sứ mệnh này nằm trong tay nhà sản xuất và các hãng phim tư nhân. 

“Càng ngày chất lượng phim càng hay, tính chuyên nghiệp càng ngày càng cao, phương tiện kỹ thuật, âm thanh là một cuộc cách mạng. Xưa, chúng tôi làm gì có âm thanh 5.1, 7.1, còn nay thì âm thanh, kỹ xảo, hình ảnh được các nhà sản xuất tư nhân đầu tư rất tốt, cách kể câu chuyện xử lý bối cảnh được nâng cao. Những bộ phim hài nhảm, câu khách rẻ tiền gần như không còn. 

Chính thị trường đang điều tiết vì khán giả không chấp nhận nên phim hài nhảm, cẩu thả câu khách đã gần như vắng bóng. Không thể không thừa nhận vẻ đẹp trong “Cô Ba Sài Gòn”, “Em chưa 18”, “Dạ cổ hoài lang” hay trong “Sắc đẹp ngàn cân” hoặc “Cô gái đến từ hôm qua”. Những vẻ đẹp này đi sâu vào đời sống tâm hồn nhân vật, rất trong sáng. 

Điều đáng trân trọng là nhiều đoàn làm phim và nhà sản xuất đã làm bật lên các cá tính, khát vọng, thân phận, ở cách họ khai thác tối đa bối cảnh của câu chuyện, góc máy lạ, độc đáo tạo ra ấn tượng mạnh mẽ. 85% phim dự thi được kể bằng đội ngũ làm phim có tay nghề cao, cách kể khá hiện đại, rất sáng tạo và lôi cuốn, nhiều phim lay động trái tim người xem về thân phận con người, thân phận của tình yêu. Mặc dù còn hạt sạn chỗ này chỗ kia nhưng nhìn chung là họ không quay lại với  hiện thực cuộc sống...” – đạo diễn nhấn mạnh.

Tiếp thu các ý kiến, biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam cũng cho rằng các hãng phim tư nhân đang cố gắng tiếp cận các đề tài lớn như số phận đất nước, thân phận con người, dân tộc. Chỉ có điều, mong muốn rất tốt đẹp ấy chưa tương xứng với chất lượng phim vì chuyên môn, tính nghề nghiệp chưa cao.

Vì vậy, nhà làm phim tư nhân rất cần lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn về tính chuyên nghiệp. Vì nếu không chuyên nghiệp thì có khi làm được 1 phim hay, đến phim sau lại dở. Chuyên nghiệp thì sẽ vững chãi về nền móng và không có những hạt sạn khiến người xem “tức anh ách”...

Ngọc Nguyễn
.
.
.