Văn học về đề tài an ninh: Mảnh đất màu mỡ cho các cây bút nhiều thế hệ
- Văn học về đề tài Công an trong dòng chảy đương đại
- Khai mạc Trại sáng tác văn học về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống"
Nhân dịp 19-8, Ngày truyền thống CAND, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với các tác giả trong lực lượng Công an. Họ là những nhà văn, nhà thơ ở các lứa tuổi, công việc khác nhau, nhưng trên hết, họ đều yêu văn chương và dành trọn tâm huyết của mình để viết về người chiến sĩ CAND trên mọi mặt trận của cuộc sống.
Thiếu tướng - Nhà văn Khổng Minh Dụ: Viết để trả nợ nghĩa tình đồng đội
Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ. |
- Thưa Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ, ông đã có trên 40 năm công tác, chiến đấu trong lực lượng vũ trang. Ông cũng đã đi tới mọi miền Tổ quốc, viết nhiều lực lượng CAND, hẳn ông có nhiều kỷ niệm có thể chia sẻ?
+ Còn nhớ cuối thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, đơn vị tình báo của chúng tôi về xây dựng căn cứ bám trụ tại xã An Phước, huyện Châu Thành, Bến Tre cùng với một đơn vị thuộc An ninh Sài Gòn - Chợ Lớn có mật danh “T4”. Hai đơn vị chỉ cách nhau mấy bờ mương dừa, song vì nguyên tắc nghiệp vụ nên không được tới căn cứ của nhau.
Tôi có quen 3 người của đơn vị “T4” là Trần Cường (Chín Cường), sau giải phóng là Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, Năm Dinh (Năm Ðiện) sau này là Trưởng phòng An ninh điều tra Công an Phú Thọ và Tư Liêm, trinh sát địa bàn. Những ngày lễ, tết, chúng tôi vẫn gặp gỡ để trao đổi văn chương với nhau.
Trong một lần gặp nhau, tôi được nghe kể về đám cưới của Chín Cường với một cô giao thông viên thường xuyên chuyển tài liệu từ thành về căn cứ. Vì nguyên tắc bí mật, đám cưới ngoài cô dâu, chú rể chỉ thêm 2 người là Thủ trưởng đơn vị làm chủ hôn và một đồng chí thay mặt cấp ủy. “Hội trường” là một cái lán nhỏ lợp lá dừa nước. Bàn ghế là những mảnh tre ghép lại, cưới xong cô dâu phải nhanh chóng vô thành đề phòng địch càn quét bất ngờ sẽ bị kẹt trong căn cứ. Cảm xúc trước tình cảnh đó của bạn, tôi viết bài thơ “Ðám cưới lặng thầm”.
Viết rồi để đó, mãi tới sau ngày nước nhà thống nhất mới gửi in trên Báo CAND số Tết cùng với bài “Ðám cưới trong lòng đất”, viết về hai người ở đơn vị tôi vào cuối năm 1969 tại mật khu Bời Lời trên miền Ðông Nam Bộ. Hai bài viết đó nằm trong chùm bài kỷ niệm về những đám cưới thời máu lửa ở chiến trường.
- Không chỉ viết ký sự, Thiếu tướng Khổng Minh Dụ còn viết các thể loại khác như truyện ngắn, thơ ca, văn xuôi... Cho đến nay ông vẫn đều đặn sáng tác thơ, viết các bài bút ký ghi chép về đồng đội. Theo ông, mảng đề tài về lực lượng CAND đang cần những điều gì?
+ Văn học phản ánh hiện thực, cái nợ của người cầm bút trong lực lượng Công an, ấy là còn biết bao điều đáng nói, đang viết mà chưa đề cập tới, trong đó có chính tôi. Nhưng đối với người cầm bút, chưa bao giờ là muộn để viết hoặc ấp ủ một đề tài nào đó của riêng mình...
- Xin cảm ơn Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ!
Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái: Có một "dòng văn học" về lực lượng Công an
Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái. |
- Thưa Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, anh trải qua nhiều chức vụ quản lý trong lực lượng Công an như Phó Tổng Biên tập Báo CAND, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản CAND, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lịch sử CAND, nay là Tổng Biên tập Tạp chí CAND. Anh cũng đã là người đồng tổ chức một số cuộc thi Văn học Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống... Anh có thể chia sẻ đôi nét về những đóng góp của các nhà văn, nhà thơ trong lực lượng Công an về việc phản ánh cuộc sống, sinh hoạt và những chiến công của lực lượng CAND?
+ Ðề tài văn học Tổ quốc và bình yên cuộc sống, trước đây thì có thể gọi là “đề tài”, vì còn trong phạm vi CAND và an ninh cuộc sống. Sau nhiều năm, nhất là trải qua các cuộc kháng chiến, đề tài an ninh chính trị và bình yên cuộc sống đã phát triển bao trùm. Tầm vóc của nó có thể nói là một “dòng văn học trong văn học đồ sộ cả nước” nói chung.
Nói như vậy có vẻ khuôn sáo nhưng thực tế, dòng văn học này đã xuất hiện nhiều tác giả, đồng thời với nó, nhiều tác phẩm về đề tài an ninh - bình yên cuộc sống đã ra đời, được công chúng đón nhận và hoan nghênh. Những tác phẩm của các tác giả trong - ngoài lực lượng CAND đã phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ chính trị chung đồng thời góp phần không nhỏ trong công tác xây dựng lực lượng và bảo vệ bình yên cuộc sống của nhân dân.
Trong thời bình xây dựng đất nước, văn học Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống càng nở rộ, được minh chứng kết quả trong các cuộc phát động thi tiểu thuyết, bút ký do Bộ Công an và Hội Nhà văn đồng tổ chức. Các cuộc thi truyện, ký “Cây bút vàng” lần 1-2-3, nhiều tác giả đoạt giải cao và có nhiều tác phẩm được đánh giá chất lượng không thua kém gì các cuộc thi lớn về văn chương trên toàn quốc.
- Nhà văn Nguyễn Hồng Thái cũng là một cây bút viết và thành công với đề tài lực lượng CAND, anh có suy nghĩ gì về đề tài này?
+ Ðề tài về lực lượng Công an luôn là mảnh đất màu mỡ, giàu tiềm năng đối với các nhà văn nói chung và tác giả trong lực lượng Công an nói riêng. Bởi đằng sau mỗi vụ án đều có những con người và số phận khác nhau, với đủ thăng trầm, vinh nhục, thiện ác đúng sai. Tùy theo góc nhìn và cảm nhận của từng người viết mà có thể khai thác, xây dựng nên câu chuyện của riêng mình.
Tuy nhiên, để có được tác phẩm phản ánh được sự khốc liệt của công tác đấu tranh chống tội phạm thì người viết cần trang bị thêm rất nhiều vốn sống, kinh nghiệm và cái nhìn toàn diện về lực lượng Công an.
Thượng tá - nhà văn Phan Đình Minh: Giấc mơ những con chữ sẽ nối dài cuộc sống
Thượng tá - nhà văn Phan Đình Minh. |
- Thưa Thượng tá, nhà văn Phan Ðình Minh, anh là người có một chặng đường công tác trong lực lượng Công an và chặng đường văn song hành, anh có thể kể một vài kỷ niệm của mình về đề tài này?
+ Vâng. Viết thì nhiều. Ði trại viết nhiều lần, đến các cơ sở viết cũng nhiều, nhớ thì không nhớ hết nhưng những dấu ấn thì thực sự không thể phai trong cả quãng thời gian sáng tác mấy chục năm của tôi. Tôi nhớ năm 2006, nhận được yêu cầu của đồng chí Giám đốc Ðiện ảnh CAND, tôi ba lô lên đường vào Nghệ An ăn, ngủ, bám cơ sở để tái hiện phần nào cuộc chiến đấu của các đồng chí làm nhiệm vụ phòng chống ma túy Công an tỉnh Nghệ An.
Mới tiếp xúc, tôi đã rất ấn tượng với mấy chục chiến sĩ trẻ măng dưới sự chỉ huy của đồng chí trưởng phòng dày dạn kinh nghiệm trận mạc Hồ Xuân Hòa. Hơn một tháng trời tôi đã cùng nhiều mũi trinh sát cùng ăn, cùng ở đêm ngày với anh em suốt các địa bàn “nóng” về ma túy như Nghi Xuân, Tương Dương, Kỳ Sơn…
Tôi đã được tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh, cảnh đời nhuốm màu “cái chết trắng” với những tội phạm đồng thời là con nghiện; với những tên trùm ma túy đang chờ án tử và cả thân nhân, những đứa trẻ vô tội vô hình trung gián tiếp lĩnh hậu quả tội lỗi của cha mẹ chúng. Ngày tháng đó tôi cũng chứng kiến sự hi sinh quả cảm của các chiến sĩ phòng chống ma túy Công an tỉnh Nghệ An.
Những đồng chí trinh sát ngoài giờ làm việc, đánh án lại lụi cụi về chăm người vợ thân yêu đang mắc chứng ung thư giai đoạn cuối. Tôi đã gặp những trinh sát trẻ măng nhưng gan dạ vô cùng như trinh sát NQT, con liệt sĩ, mẹ bị ung thư mất sớm, ngôi nhà của anh bây giờ là tập thể, là đồng đội anh em. Anh đã gan dạ kiên trì phục kích nơi rừng núi hiểm trở và nguy hiểm cả tháng trời cùng anh em bắt sống trùm ma túy Lô Văn Tuấn.
… Nhớ hôm đó tôi cùng anh em trinh sát đi đánh án ở Kỳ Sơn. Vì yêu cầu nhiệm vụ, từ giữa buổi sáng và cả trưa, xe chúng tôi không tập kết ở đâu. Anh em cơm nắm trên xe. Ðến thị trấn Hòa Bình, chúng tôi xuống mua vội vài ổ bánh mì để định chuẩn bị cho bữa chiều trước khi vào trận. Anh em, gồm cả tôi là 13 người, hàng bánh chỉ còn 12 chiếc bánh bằng cổ tay trẻ con.
Ðến bữa, chúng tôi chia nhau lót dạ cùng với… leng keng súng đạn. Nhìn mặt các chiến sĩ còn độ tuổi thanh xuân chỉ bằng tuổi con mình mà đã sớm nhuốm màu sương gió chiến trận, lòng tôi nghẹn lại…
- Người ta vẫn nói, nhà văn thường gắn với những điều khá… bất thường, không giống ai... Một nhà văn Công an thì sao, theo anh, điều bất thường đó giảm đi hay... tăng lên?
+ Không phải gắn với những điều khá bất thường. Mà nhà văn thường đều có cá tính. Thậm chí có nhà văn còn lập dị, cá tật. Hình như những vô vàn cá tính của các nhà văn là thứ ăng ten chuyên dụng để thu nhận những điều đặc biệt mà đời sống vô vàn bí hiểm, cung bậc này thông qua các nhà văn phổ biến tới cộng đồng.
Các nhà văn có khả năng quan sát, phát hiện, tổng hợp, dự báo, sáng tạo. Sự hư cấu là khả năng tồn tại, dài hơi, là bút lực của mỗi nhà văn. Muốn tạo ra các sản phẩm chữ nghĩa lâu bền, không bị thời gian “vặt lông gà” thì nhà văn thường phải lao động cô lập, tập trung cao độ và ở trạng thái... đi trong sương, không biết điều này tôi nói có trúng?
- Khi viết văn, anh hay tâm niệm tới điều gì?
+ Văn nệ: chuyện, ngôn từ, chi tiết, ở sự gợi, sự sang, cái thật, cái đau... Ðời sống vốn ngồn ngộn ăm ắp lắm rồi. Nhà văn chỉ làm mỗi động tác đơn giản là lượm lặt, nhặt những chi tiết hợp lý để xây lên con đường, làm thành những chiếc bình quý, những ngôi nhà ngôn ngữ đẹp của mình.
Có một nhà văn nói với tôi: “Viết truyện là khi kết thúc, sẽ mở ra những điều bắt đầu”. Và điều quan trọng vô cùng - tôi luôn phấn đấu viết cái gì cũng phải “có văn” và có “chuyện”. Chuyện, để người đọc suy ngẫm, diện kiến bản thân; văn, để nâng văn cảnh, lung linh, để văn mình cuốn hút người đọc.
- Xin cảm ơn Thượng tá, nhà văn Phan Ðình Minh!
Đại úy Chu Thanh Hương: Góc nhìn đa chiều về hình tượng người chiến sĩ CAND
Đại úy Chu Thanh Hương. |
Nhắc đến Công an, thường người ta chỉ nghĩ đến Cảnh sát hình sự, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cảnh sát kinh tế, Giao thông… mà không biết rằng, bên cạnh họ còn có những người chiến sỹ an ninh với những chiến công thầm lặng trong đấu tranh chống tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia; những cán bộ, chiến sỹ miệt mài tận tụy bên những chồng hồ sơ; những cán bộ quản giáo vẫn ngày đêm giáo dục phạm nhân cải tạo, hướng thiện.
Những người cán bộ chiến sỹ Công an ấy mang trên mình nhiều trọng trách được Ðảng, nhà nước và nhân dân giao phó, nhưng họ không phải là những con người hoàn hảo, toàn diện mà cũng có ưu khuyết điểm, có đố kỵ, có tự ti, có người vững vàng nhưng cũng có những người không chịu nổi cám dỗ mà đánh mất bản thân.
Khi đối mặt với hiện thực xã hội, cũng có lúc họ phải hoang mang lựa chọn. Khi đối mặt với những tội phạm có mảnh đời bất hạnh, rất nhiều khi họ cũng phải lựa chọn giữa không thể và không đành.
Là một người cầm bút trong Lực lượng Công an, có thể nói đây là một lợi thế rất lớn khi tôi được tiếp xúc trực tiếp với những người chiến sỹ Công an, hiểu được công việc, hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của các đồng đội mình. Ðặc biệt, khi trở thành vợ của một chiến sỹ Cảnh sát hình sự, tôi càng có điều kiện cảm nhận bằng góc nhìn rất riêng mà không phải ai cũng có điều kiện trải nghiệm.
Bên cạnh đó, việc công tác trong lực lượng Công an cũng khiến tôi có góc nhìn đa chiều, toàn diện hơn về các vụ án, về nạn nhân và thủ phạm. Trong đó, tội phạm không thiếu những kẻ thủ ác máu lạnh tàn nhẫn, nhưng cũng có những người vì hoàn cảnh xô đẩy, bị ép đến đường cùng. Nạn nhân có những người rất đáng thương nhưng cũng có những người đáng trách. Nhưng hơn hết, xung quanh một vụ án còn có rất nhiều điều không được đưa vào hồ sơ, đó là người thân và gia đình của nạn nhân và tội phạm.
Dù là ai, họ cũng đều bị ảnh hưởng, chịu tổn thất và lo lắng cho người thân của mình, nhất là khi những người liên quan đến vụ án là trụ cột gia đình… Có đi sâu tìm hiểu về nạn nhân và thủ phạm mới thấy trong cuộc sống không có gì là tuyệt đối, đôi khi nạn nhân chưa hẳn đã đáng thương, thủ phạm chưa hẳn đã đáng giận, nhưng đã là tội ác và hành vi gây hại cho xã hội thì đều đáng bị lên án và nhận sự trừng phạt của pháp luật.
Tất cả những yếu tố trên vừa là nguồn tư liệu quý giá, và là động lực để tôi muốn viết nhiều hơn về lực lượng Công an và những mảnh đời phía sau mỗi vụ án. Sau tiểu thuyết “Hoa Bay” viết về nạn buôn bán phụ nữ và “Bí ẩn Phụng Hoàng Sơn” phản ánh công tác đấu tranh, triệt xóa nạn cướp bóc, hiện tôi đang tập trung hoàn thiện tiểu thuyết “Phận Liễu” viết về đề tài đấu tranh chống buôn lậu.
Mỗi một đề tài có nhiều cách tiếp cận, khai thác và thể hiện, và tôi đã chọn cách xây dựng câu chuyện của mình thông qua cuộc đời của của Lương Thu Liễu, từ một cô sơn nữ trở thành bà trùm khét tiếng nhất tỉnh Ải Bắc vào những năm 90. Một nơi vẫn đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, nơi những hủ tục phong kiến vẫn còn đè nặng lên cuộc đời của những người phụ nữ.
Chính thực trạng xã hội nặng nề và cuộc sống mưu sinh quá khó khăn ấy, Liễu và rất nhiều người dân khác của tỉnh Ải Bắc phải dấn thân vào con đường buôn lậu để nuôi sống bản thân và gia đình. Từ đây, tệ nạn buôn lậu và gian lận thương mại được hiện ra dưới góc nhìn của các đối tượng phạm tội, phản ánh một cách chân thực, khách quan nhất những góc khuất của tội phạm này.
Ðó không chỉ là cuộc mưu sinh thuần túy mà ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm, những tranh đấu, giành giật quyết liệt, những âm mưu, thủ đoạn thanh trừng tàn nhẫn và cả rất nhiều những nhọc nhằn, vất vả, đắng cay. Những người chiến sỹ cảnh sát đấu tranh với loại tôi phạm này tuy không phải đối mặt với hiểm nguy như tội phạm hình sự, ma túy, nhưng lại dễ sa ngã bởi những viên đạn bọc đường, những âm mưu hãm hại có thể đến từ chính người thân, đồng đội. Bởi vậy, họ không những phải có trình độ, bản lĩnh mà còn phải có niềm tin vững vàng vào lý tưởng và con đường mình đã chọn.
Trong cuộc chiến ấy, đã có lúc Ðại tá Tùng phải chịu thua Liễu Tiền Tấn, đã có lúc niềm tin và lý tưởng của anh tưởng chừng phải lung lay. Nhưng cuối cùng, bằng ý chí và niềm kiêu hãnh của người chiến sỹ Cảnh sát, bằng niềm tin son sắt vào lý tưởng mình đã chọn, Ðại tá Tùng đã tìm ra cách đấu tranh hiệu quả với tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại. Anh tác động để Liễu Tiền Tấn nhận ra sai lầm của bản thân, tự nguyện ra đầu thú trước pháp luật. Ðồng thời anh cũng chỉ cho họ thấy rằng đó không phải là kết thúc, mà chính là cơ hội để họ có thể bắt đầu một cuộc sống mới đúng đắn, bình yên và hạnh phúc hơn.
Quả thực, việc vừa làm vừa viết khiến tôi gặp một số khó khăn và thiệt thòi hơn các đồng nghiệp văn chương khác. Ngoài công tác chuyên môn, tôi còn phải dành thời gian cho gia đình và hai con nhỏ nên chỉ có thể tranh thủ viết vào những khi rảnh rỗi. Nhưng bù lại, đây là môi trường có rất nhiều tư liệu quý giá và vốn sống chân thực để tôi có thể viết nên những tác phẩm mang dấu ấn của riêng mình.
Trong thời gian tới, tôi vẫn sẽ tiếp tục là một người chiến sỹ cầm bút với khao khát được viết nhiều và nhiều hơn nữa về đồng đội của mình, những người cán bộ chiến sỹ Công an đang miệt mài chiến đấu, bảo vệ cuộc sống bình yên trên quê hương xứ Lạng.