Tổ chức Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc 2019 lớn nhất từ trước đến nay

Thứ Hai, 06/05/2019, 17:12
Chiều 6-5, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ và UBND tỉnh Hà Nam đã tổ chức họp báo, công bố chính thức về Đại lễ Vesak (Phật Đản) Liên Hợp Quốc 2019.


Ủy ban tổ chức quốc tế đồng ý để Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 tại Tam Chúc, Kim Bảng, Hà Nam từ ngày 12 đến 14-5. 

Với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”, Đại lễ được tổ chức theo đề án được Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 853/VPCP ngày 8-4-2019. Đây là lần thứ 3, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức đăng cai Đại lễ này.

Họp báo Đại lễ Vesak 2019 tại Hà Nam ngày 6-5

Trong khuôn khổ Đại lễ sẽ có 5 diễn đàn: Sự lãnh đạo có trách nhiệm vì xã hội bền vững; Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp; Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục; Phật giáo và cách mạng công nghiệp 4.0; Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm.

Theo Ban tổ chức, Đại lễ sẽ có quy mô lớn nhất so với từ trước đến nay. Hiện tại, đã có khá nhiều nguyên thủ quốc gia và trên 20 đại sứ các nước và nhiều phái đoàn quốc tế xác nhận tham dự. Dự kiến, tham gia Đại lễ sẽ có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, 570 phái đoàn quốc tế, 1.650 đại biểu quốc tế, trong đó có các vị Tăng vương, Tăng thống, chủ tịch, lãnh đạo các Giáo hội, hệ phái, truyền thống Phật giáo, các nhà nghiên cứu, học giả Phật giáo. Đại biểu trong nước sẽ có khoảng hơn 20.000 người đại diện các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài, Phật tử Việt kiều tiêu biểu, lãnh đạo tôn giáo ban và đồng bào, Phật tử, nhân dân cả nước.

Về phương diện học thuật, ban tổ chức đã đón nhận 398 bài của các học giả quốc tế đến từ 75 quốc gia và 110 bài của các học giả trong các trường đại học trong nước.  Số lượng sách phát hành đợt này cũng phong phú hơn, nhiều nhất trong các Đại lễ từ trước đến nay, với 30 quyển, trong đó có 14 quyển bằng tiếng Anh, 16 quyển bằng tiếng Việt. (đại biểu trong nước là 1.500 đại biểu, đại biểu giáo hội là hơn 900, các cơ quan đoàn thể là hơn 600).

Trung tâm văn hóa Phật giáo Tam Chúc – nơi diễn ra sự kiện chính của Đại lễ

Về lễ hội văn hóa, năm nay, ban tổ chức không chỉ làm hội thảo mà còn biến sự kiện văn hóa toàn cầu này thành sự nhập cuộc của cộng đồng Việt Nam nói chung, cộng đồng Phật giáo Việt Nam nói riêng. Rất nhiều sự kiện được tổ chức tại khu vực chùa Tam Chúc được tổ chức dịp này. Ngoài lễ tắm Phật truyền thống, Đàn lễ  cầu nguyện âm siêu dương thái, Đêm hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới còn có các triển lãm ảnh chùa di sản thế giới và Việt Nam, triển lãm cổ vật Phật giáo tại điện Tam Thế và Trung tâm hội nghị quốc tế, chương trình giao lưu và biểu diễn nghệ thuật. 

Diễu hành xe hoa sẽ diễn ra từ Phủ Lý về Tam Chúc. Ban tổ chức cũng sẽ ra mắt mạng xã hội Phật giáo do Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trương, công bố ra mắt bộ tem chào mừng Đại lễ… Chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật vào ngày 12-5, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài truyền hình Việt Nam.

Cũng trong buổi họp báo ngày 6-5, Ban tổ chức khẳng định, đến thời điểm hiện tại, toàn bộ các khâu chuẩn bị cho Đại lễ đã sẵn sàng. Địa điểm chính tổ chức các sự kiện văn hóa, sự kiện tôn giáo đã được hoàn tất. Các hạng mục khác của chùa Tam Chúc sẽ được hoàn thiện sau, hoàn toàn không có liên hệ, không có ảnh hưởng đến Đại lễ. Những ngày này, tại các địa phương trên cả nước, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh đã có rất nhiều hoạt động chào mừng, hưởng ứng Đại lễ.

N.Hoa
.
.
.