Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật

Thứ Năm, 30/11/2017, 08:25
Chỉ trong hai năm 2015-2016, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật đã tổ chức thành công 131 Trại sáng tác, đón 2.010 văn nghệ sỹ.

Từ đây đã có 5.737 tác phẩm các loại hình văn học nghệ thuật được ra đời. Tuy nhiên, làm sao để cả 6 nhà sáng tác thuộc Trung tâm quản lý hoạt động hiệu quả và góp phần tích cực hơn trong phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà lại là chuyện không đơn giản.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật Huỳnh Văn Ngàn cho biết, hiện tại, Trung tâm có tại 6 nhà sáng tác: Tam Đảo, Đại Lải, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu. 

Hàng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Trung tâm tổ chức từ 60 đến 80 trại sáng tác cho các loại hình nghệ thuật: Văn học, Sân khấu, Điện ảnh, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Múa, Văn học dân gian, Văn học miền núi, Kiến trúc của các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, các Hội Văn học nghệ thuật cấp tỉnh và các đoàn Nghệ thuật, quy tụ từ 1.000 đến 1.200 văn nghệ sỹ có nhu cầu sáng tác trên toàn quốc.

Riêng trong hai năm 2015-2016, Trung tâm đã tổ chức thành công 131 trại sáng tác, đón 2.010 văn nghệ sỹ. Từ đây đã có 5.737 tác phẩm các loại hình văn học nghệ thuật được ra đời, trong đó có 2.727 tác phẩm thơ, 614 tiểu thuyết, ký, truyện ngắn, 410 tác phẩm sân khấu, phóng sự kịch bản múa, văn nghệ dân gian, 548 tác phẩm mỹ thuật, 999 tác phẩm nhiếp ảnh, 395 tác phẩm âm nhạc, 27 tác phẩm nghiên cứu phân tích, 17 tác phẩm kiến trúc.

Nhà sáng tác Đại Lải, Phú Yên thuộc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật.

Thống kê báo cáo của các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương cũng cho thấy đã có nhiều tác phẩm đủ các loại hình nghệ thuật được giải thưởng của các cuộc thi hàng năm. 

Hoạt động của hệ thống nhà sáng tác đối với các văn nghệ sĩ thời gian qua đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về sự phát triển nền văn học nghệ thuật giúp cho văn nghệ sỹ trong hoạt động sáng tác nghệ thuật có động lực khuyến khích khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ.

Qua các trại sáng tác, văn nghệ sĩ có điều kiện thâm nhập thực tế, vùng miền, giao lưu, tìm hiểu, học hỏi lẫn nhau, tìm tòi ý tưởng, đề tài, nội dung của tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật. Đây cũng là một trong những hoạt động tạo động lực, kích thích sự sáng tạo để người nghệ sĩ hoàn thành sứ mệnh sáng tạo những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị về nghệ thuật, nội dung, tư tưởng.

Nhà văn Chu Lai, nhà biên kịch Chu Thơm – những gương mặt quen của khá nhiều trại sáng tác cũng từng chia sẻ rằng đây là những khoảng thời gian quý giá để tách mình khỏi những ồn ào của đời sống và tập trung sáng tác, hoàn thiện những tác phẩm còn dang dở. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động từ các nhà sáng tác này đến đâu và được phát huy như thế nào lại là chuyện khác.

Ngay các cán bộ nhiều năm gắn bó với các nhà sáng tác cũng không phải không nhận ra những bất cập khi có những đợt trại mà trại viên uống thuốc nhiều như… ăn cơm. Nhà sáng tác thường nằm xa trung tâm, điều kiện y tế có hạn nên nỗi lo lắng sức khỏe của “các cụ” lỡ có vấn đề sẽ khó “trở tay” của những người chăm lo hậu cần tại đây không phải không có lý. Số lượng trại viên trẻ càng ngày càng ít.

Trong đợt tổ chức trại sáng tác mới đây của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Ban tổ chức cũng chia sẻ rằng đã mời gọi các hội viên trẻ, kể cả những người trẻ có tài nhưng người trẻ còn bận lo làm việc kiếm sống mà công việc có khi không mấy liên quan đến văn học nghệ thuật nên nhiều người từ chối. Chưa kể, kết thúc trại sáng tác, tác phẩm nghiệm thu nhưng “bí đầu ra” nên thường chưa phát huy được trong đời sống.

Có một thực tế khác là toàn bộ quá trình chọn trại viên, thẩm định đề cương, tác phẩm để quyết định ai là người đủ tiêu chí tham gia trại sáng tác và thành quả của đợt hoạt động là các sáng tác cụ thể có đạt chất lượng như mong muốn hay không đều phụ thuộc vào các tổ chức hội, đoàn nghệ thuật.

Tác phẩm không được giới thiệu rộng rãi nên kết quả thu về từ trại sáng tác chỉ có người trong cuộc mới thực sự biết là chất lượng cao thấp đến đâu. Ngay các nhà sáng tác cũng không nắm được thành quả họ đã trực tiếp góp phần làm nên như thế nào.

Năm 2017 là lần đầu tiên thống kê lại kết quả hoạt động 2 năm gần nhất và chọn lựa tác phẩm tiêu biểu để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khen thưởng, ghi nhận vào cuối tháng 11. Dịp này, một hội thảo về đổi mới tổ chức trại sáng tác văn học nghệ thuật và nâng cao hiệu quả tác phẩm của văn nghệ sĩ về dự trại sáng tác cũng đồng thời được tổ chức.

Tuy nhiên, sẽ khó có thể khẳng định được hiệu quả thực sự từ hoạt động của các nhà sáng tác, khó có giải pháp chính xác nếu hầu hết các thành quả lao động sáng tạo của các trại viên chưa có điều kiện tiếp cận công chúng rộng rãi như lâu nay. 

N.Hoa
.
.
.