Tiếp nhận phê bình trong đời sống nghệ thuật biểu diễn: Ranh giới nào cho phản biện?

Thứ Hai, 30/05/2016, 09:41
Thừa lời khen, thiếu những lời phê bình nghiêm khắc về chuyên môn. Đó là nhận xét khá phổ biến về phần lớn các cuộc thi, chương trình biểu diễn nghệ thuật. Tuy nhiên, trừ những dàn giám khảo được mời cho “đẹp đội hình”, vì là nhà tài trợ, sự thực không hẳn chỉ là những gì khán giả có thể thấy trên truyền hình…

 

Thời điểm cuộc thi “Hãy nghe tôi hát” làm mưa, làm gió trên sóng Đài phát thanh truyền hình tỉnh Vĩnh Long, có lẽ không ít người hồ nghi rằng tại sao những nghệ sĩ có tiếng là khắt khe trong nghề nghiệp như Phương Dung, Bảo Yến, kể cả Đức Huy lại có vẻ dành hơi nhiều lời khen cho các thí sinh, dù rằng tiết mục dự thi còn nhiều lấn cấn.

Tuy nhiên, những ai thử một lần ngồi suốt hơn nửa ngày theo dõi trọn vẹn chương trình ghi hình một tập của cuộc thi “Hãy nghe tôi hát” rồi xem lại chương trình phát sóng trên Đài Truyền hình Vĩnh Long, hẳn nhiên đều nhận thấy, có những tập phát sóng, phần lớn các nhận xét gai góc đều được cắt gọt hết. Tập thi chủ đề đêm nhạc Nguyễn Hưng, người dẫn chương trình (MC) – ca sĩ Nguyên Vũ liên tục mắc lỗi.

Không chỉ lấn quyền của giám khảo, đến tiết mục dự thi của nữ ca sĩ Nhật Kim Anh, Nguyên Vũ “hồn nhiên” cãi lại quyết liệt những nhận xét về mặt chuyên môn của giám khảo Nguyễn Hưng. Không khí trường quay chỉ qua cơn căng thẳng cực điểm khi các giám khảo khác cùng chung tay dàn hòa.

Ca sĩ Nguyễn Hưng trong đêm làm giám khảo khách mời chương trình “Hãy nghe tôi hát” thực sự nổi giận trước phản ứng thái quá của MC - ca sĩ Nguyên Vũ.

Thực tế, việc những MC lạm quyền, không giữ đúng vai trò vị trí của người dẫn chương trình lâu nay không phải hiếm. Thế nhưng, nhiều vụ việc, khi báo chí “điểm danh”, có rất ít người chân thành nhận khuyết điểm và tiếp thu. Phần lớn đều “phản pháo” theo kiểu đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan.

Với các thí sinh trong không ít cuộc thi, kể cả những cuộc thi rầm rộ trên sóng truyền hình, dư luận từng không ít lần “dậy sóng” trước những kiểu cãi lấy được của các thí sinh. Với nghệ sĩ, tình trạng chỉ nghe khen, không chấp nhận chê sản phẩm nghệ thuật của mình như chuyện đương nhiên.

Dù công khai phản bác theo kiểu nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng với nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lúc sinh thời, hay cách nhận lỗi mà khiến người tiếp nhận không cảm nhận được sự hối lỗi chân thành như trường hợp của Trấn Thành với việc làm méo mó tác phẩm kinh điển Tô Ánh Nguyệt mới đây thì rõ ràng, với “làng” giải trí Việt, khó có cánh cửa nào rộng mở cho các ý kiến phê bình mang tính trái chiều.

Thuộc dạng kén khán giả và có phần xa cách với số đông công chúng, nghệ thuật múa, đặc biệt là múa đương đại từng có thời gian trở thành tâm điểm tranh luận bởi nhiều luồng ý kiến. Một phần lý do, theo nhiều bậc “trưởng lão” trong “làng” múa Việt là bởi thời điểm ấy, múa đương đại đã từng bước tìm đến với công chúng song về mặt lý luận, chưa có chuẩn nào cho múa đương đại.

Ngay trường múa tại TP Hồ Chí Minh, có những hội thảo, người trong nghề cũng thừa nhận chưa có môn học nào, giáo trình nào chung nhất cho bộ môn này. Nhiều nghệ sĩ cũng cho biết, cách làm, cách học thường là tự tìm kiếm, thử nghiệm.

Nghệ sĩ hoạt động trong nghệ thuật múa có lẽ “lành tính” hơn cho với các cá nhân hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác của giải trí Việt nên thường chỉ chọn cách lặng lẽ lao động. Phản ứng một cách công khai và rộng rãi nhất trước giới truyền thông, có chăng là của một biên đạo múa trẻ có tiếng là tài năng, du học ở nước ngoài về.

Trong một buổi họp báo công bố chương trình biểu diễn của một nhà hát uy tín thuộc hàng nhất nhì Việt Nam, anh bức xúc “buột miệng”, đại ý là múa đương đại không chỉ có uốn éo, quằn quại như chỉ trích. Và rằng, nghệ sĩ múa đương đại cũng phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” trên sàn tập. Nếu báo chí quan tâm có thể trực tiếp đến để mục sở thị thế nào là lao động của nghệ sĩ múa đương đại và họ có tâm huyết, có nghiêm túc trong lao động nghệ thuật hay không…

Cho đến hôm nay, sau cả một quá trình khá dài, nghệ sĩ múa đương đại đã phần nào “minh oan” cho mình. Múa đương đại đã, đang khẳng được vị thế sau hàng loạt thành công vang dội với các vở như “Sương sớm”, “Chuyện kể những chiếc giày”…

Nhiều “bóng cả” của “làng” múa Việt từng chỉ trích khá gay gắt múa đương đại nay đã dần thừa nhận thành tựu của nghệ thuật này. Tất nhiên, cách tiếp nhận các ý kiến trái chiều một cách bình tĩnh và đủ thận trọng của đội ngũ nghệ sĩ trẻ như thế không nhiều trong đời sống văn học nghệ thuật Việt lâu nay nói chung, nghệ thuật biểu diễn nói riêng.

N.Nguyễn
.
.
.