Thư viện tư nhân góp phần phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam
Tham dự hội nghị có đại diện của các ban, ngành, địa phương, đại diện thư viện tư nhân đến từ nhiều địa phương trên cả nước.
Ngày 6-1-2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2009/NĐ-CP quy định về tổ chức hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Kể từ đó đến nay đã hơn 10 năm, hoạt động thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng ở Việt Nam đã phát triển về nhiều mặt, đóng góp không nhỏ vào việc phát triển văn hóa đọc, tạo không gian giúp cho người dân học tập suốt đời.
Chính phủ đã quan tâm tạo điều kiện để phát triển mạng lưới thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng và thư viện cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu đọc, cung cấp thông tin của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.
Theo báo cáo, hiện nay, cả nước có 102 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; trong đó, có 71 thư viện tư nhân hoạt động như thư viện công cộng, 13 thư viện tư nhân chuyên ngành, 18 thư viện tư nhân hoạt động với hình thức thư viện do các gia đình, dòng họ thực hiện. Số người sử dụng thường xuyên tại thư viện tư nhân lên đến 536.284 bạn đọc (trung bình 6.094 bạn đọc/thư viện/năm).
Các tham luận tại Hội nghị đã tập trung đánh giá thực trạng hoạt động của các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng ở các địa phương và thư viện cơ sở trên toàn quốc; nhận dạng những thuận lợi, khó khăn và đề ra các giải pháp nâng cao hoạt động của thư viện tư nhân, thư viện cơ sở trong hỗ trợ việc học và tự học của người dân, góp phần phát triển văn hóa đọc ở địa phương. Các đại biểu giới thiệu nhiều mô hình thư viện tư nhân, thư viện cơ sở có thành tích xuất sắc trong hoạt động phục vụ người dân ở các địa phương.
Đánh giá hoạt động của các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vũ Dương Thúy Ngà cho biết: Các thư viện tư nhân, thư viện cơ sở đã trở thành một thiết chế văn hóa quen thuộc với người dân tại nhiều địa phương, góp phần không nhỏ vào việc triển khai thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo.
Một số thư viện tư nhân và thư viện cơ sở không chỉ đơn thuần phục vụ đọc sách báo, mà còn trang bị cho người đọc, đặc biệt là trẻ em nhỏ kỹ năng sống, ý thức bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh, thân ái, biết yêu thương chia sẻ…
Nhiều thư viện cơ sở đã trở thành “cánh tay nối dài" của chính quyền xã, phổ biến kịp thời đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân.
Phương thức hoạt động của thư viện tư nhân và thư viện cơ sở không ngừng được đổi mới. Số lượng các thư viện áp dụng công nghệ thông tin tăng cao, người dân có điều kiện tiếp cận với máy tính và internet tại thư viện. Gần 20% số thư viện xã đã được trang bị máy tính, tỷ lệ này tuy chưa cao, nhưng đã phát triển vượt bậc so với năm 2009.
Tuy vậy, quá trình thực hiện Nghị định 02/2009/NĐ-CP quy định về tổ chức hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng còn bộc lộ một số khó khăn. Cơ sở vật chất chưa được đầu tư đúng mức, nguồn kinh phí hoạt động còn eo hẹp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn nhiều hạn chế.
Một số địa phương còn chưa tạo điều kiện cho thư viện tư nhân làm thủ tục đăng ký, triển khai các hoạt động phục vụ… nên chưa thực sự hấp dẫn và thu hút được đông đảo người dân.
Nhiều thư viện tư nhân có vốn tài liệu rất quý, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các đơn vị trong và ngoài địa phương, hoạt động hiệu quả và có hiệu ứng mạnh, lan tỏa trong cộng đồng nhưng lại không duy trì được lâu vì không có người kế cận. Vì thế, khi chủ nhân thư viện ốm, tuổi cao… thư viện phải đóng cửa.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy khẳng định, Nghị định 02/2009/NĐ-CP có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của thư viện Việt Nam nói chung và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng nói riêng. Các thư viện tư nhân, thư viện cơ sở đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển văn hoá đọc và xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục xác định việc tăng cường các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng là một yếu tố quan trọng góp phần xây dựng đạo đức, tư tưởng và nhân cách con người Việt Nam.