Thư gửi Dan Hauer: Nếu quốc gia của cậu có những anh hùng...

Thứ Sáu, 26/01/2018, 20:56
Dư luận đang phản ứng rất mạnh mẽ vì những ngôn từ xúc phạm mà Dan Hauer, một giảng viên tiếng Anh ở Hà Nội, đã dành cho cố đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và CAND xin giới thiệu thư ngỏ của một nhà báo gửi tới Dan Hauer 

Nếu quốc gia của cậu có những anh hùng... thì Việt Nam chúng tôi cũng có những anh hùng, thời nào cũng có, và mãi mãi được công chúng ngưỡng mộ. Một trong những người anh hùng như thế là cố đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã khuất núi 4 năm về trước, và được cả dân tộc đưa tiếc trong sự thành kính, trong tình cảm sâu đậm nhất.

Tôi đã chứng kiến, ông ngoại mình, hơn 90 tuổi, là lính của tướng Võ Nguyên Giáp, mặc lễ phục sỹ quan trang trọng, đeo huân huy chương đầy ngực, đứng nghiêm trước màn hình ti vi trong căn phòng nhỏ của mình ở Đà Nẵng, đưa tay chào đúng quân lệnh khi màn hình chiếu trực tiếp cảnh chiếc xe sơn pháo kéo linh cữu tướng quân rời khỏi nhà tang lễ. Lúc ấy, khoé mắt ông ngoại tôi ngấn lệ.

Ông ngoại tôi may mắn hơn những người lính khác của tướng Giáp, khi ông còn sống sót trở về sau hai cuộc kháng chiến, được thấy lại vợ con mình, và chứng kiến cháu mình lớn lên, chắt mình lớn lên. Ngực ông còn đeo được huân huy chương, dù đổi bằng máu đấy nhưng vẫn còn may mắn hơn hàng ngàn đồng đội ông đã không còn hình hài để được đeo huân huy chương nào trao cho họ. Họ đã hi sinh khi chưa kịp thấy hoà bình.

Tôi tin, tướng Giáp cũng như nhiều người khác, sẵn sàng đánh đổi mọi vinh quang để những liệt sĩ được nhìn thấy hòa bình, và sống trong hoà bình. Nhưng chiến chinh là điều dân tộc tôi phải gánh chịu mà nhiều phần lỗi gây ra cuộc chiến ấy là các ngoại bang, những quốc gia mà chúng tôi hôm nay coi là bạn. 

Song lịch sử là lịch sử, chúng tôi không đổ lỗi cho ai cả ở thời điểm này. Chúng tôi trân trọng quá khứ, trân trọng những năm tháng khốn khó đã qua đi, nhưng chúng tôi sống vì tương lai, một tương lai của hi vọng. Và chúng tôi hôm nay không bao giờ bôi nhọ những danh nhân, những anh hùng của các quốc gia khác bằng những hình ảnh, bộ phận tục tĩu, nhất là khi quốc gia ấy đang được hưởng niềm vui như các chúng tôi đang hưởng niềm vui bóng đá mấy ngày qua.

Nói thẳng ra, chúng tôi không làm cái việc mà Dan Hauer đã làm với cố đại tướng Võ Nguyên Giáp, cho dù rằng là làm rồi thanh minh rằng “chúng tôi chỉ đùa cho vui”.

Văn hóa của chúng tôi cũng biết đùa, biết châm chọc, nhưng luôn biết một biên độ hành xử, nhất là hành xử với những người nằm bên kia thế giới. Với chúng tôi, cậu đã không chỉ xúc phạm cố đại tướng, gia đình thân quyến của ông, mà còn xúc phạm chính những đồng đội, những binh sĩ của ông, những người đã nằm xuống sau mấy chục năm chiến chinh dài dằng dặc.

Kể từ khi chúng tôi mở cửa sau cuộc đổi mới kinh tế cuối thập niên 80 thế kỷ trước, chúng tôi đón nhận rất nhiều tư tưởng, văn hóa của thế giới thông qua ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Chúng tôi cảm ơn thế giới đã giúp chúng tôi cập nhật hơn, và hiện đại hơn. Và chúng tôi cũng đón nhận rất nhiều người từ các quốc gia khác, tới Việt Nam để sinh sống, làm việc. Cậu là một trong số họ, cậu đang sống ở Việt Nam. thu nhập kiếm ra từ Việt Nam.

Nhập gia tùy tục, tôi không nghĩ câu nói ấy chỉ là của riêng người Việt. Người Việt sang Âu, qua Mỹ, tới Úc hay đi bất kỳ đâu, đều phải tuân thủ pháp luật nơi đó, và hơn thế nữa, phải tự biết học để tránh những điều cấm kỵ đối với văn hoá và quy ước đạo đức chung ở đó. Chúng tôi biết dặn nhau không nên mang những thực phẩm, lương thực nào mà Mỹ cấm nhập khẩu qua biên giới nước Mỹ, dù người thân của mình ở đó thèm thứ ấy đến chết đi nữa. Vậy thì chúng tôi có quyền yêu cầu những người như cậu, phải biết tôn trọng đất nước, văn hoá, con người chúng tôi.

Cậu là người đã đứng trên bục giảng, ít ra thì cũng sống ở Việt Nam 5 năm trời. Cậu chắc cũng chứng kiến đám tang của cố đại tướng Võ Nguyên Giáp và tình cảm của người Việt dành cho ông là như thế nào. Bởi thế, tôi càng không tin rằng cậu không biết “văn hoá Việt Nam nó thế”.

Thế nên, khi cậu còn tuyên bố rằng “Kể cả khi tôi bị giết ngoài phố, ít ra tôi cũng là một thánh tử đạo vì sự hài hước, châm biếm chứ không phải là một phần tử chủ nghĩa dân tộc cuồng điên”, tôi nghĩ rằng cậu không còn được những người Việt Nam đón nhận nữa.

Đất nước tôi, dân tộc tôi, nếu cậu không tôn trọng, thì chúng tôi, mỗi chủ nhà, đều có quyền nói câu “Tiễn khách”.

Hà Quang Minh
.
.
.