Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: Trên 70 năm tiến bước dưới quân kỳ
Đã hơn 42 năm trôi qua nhưng nhạc sĩ Doãn Nho vẫn nhớ như in những ngày tháng 4-1975. Ngày đó, ông nhiều sinh viên và các lưu học sinh Việt Nam trên đất Nga (Xô Viết cũ) hồi hộp ngóng tin quê hương từng giờ. Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là ngày hội lớn của các sinh viên, lưu học sinh. Thầy cô, bạn bè quốc tế, kể cả các nước Trung Đông đều đến chúc mừng.
Thán phục và chia vui với người Việt nhưng cũng không ít người bày tỏ sự ngạc nhiên, thắc mắc vì sao một nước nhỏ, nghèo như Việt Nam lại có thể đánh thắng một cường quốc của thế giới như nước Mỹ. Để giải tỏa những băn khoăn này, nhiều cuộc hội thảo được tổ chức. Những sinh viên, lưu học sinh như ông trở thành diễn giả bất đắc dĩ. Nhưng, cũng chính khoảng thời gian này, ý tưởng sáng tác một tác phẩm giao hưởng về chiến thắng của đất nước trong ông cũng hình thành.
Nhạc sĩ Doãn Nho. |
Sau hai năm vừa miệt mài học tập, vừa sáng tác, liên khúc giao hưởng “Chiến thắng” hoàn thiện, ra mắt khán giả trên đất Nga đúng ngày nhạc sĩ Doãn Nho tốt nghiệp. Liên khúc giao hưởng như một cuốn tiểu thuyết ngợi ca cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, xuyên qua không gian, thời gian khác nhau. Người xem cảm nhận được cả khí thế hừng hực “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” cho đến những cống hiến hy sinh thầm lặng từ hậu phương, cả niềm vui vỡ òa trong ngày chiến thắng. Nhiều ca khúc nổi tiếng, những bài dân ca quen thuộc của Việt Nam đã được ông mượn giai điệu, phát triển lên.
Người Việt nghe liên khúc giao hưởng “Chiến thắng” bắt gặp những giai điệu lạ mà quen của “Cái cây xanh xanh/ Thì lá cũng xanh/ Chim đậu trên cành/ Chim hót líu lo… (dân ca Lý cây xanh). Ông càng vui mừng hơn khi các thầy cô, đồng nghiệp đều bày tỏ sự thích thú với cách sử dụng giai điệu quen thuộc của ca khúc Việt Nam vào tác phẩm khí nhạc này…
Nhắc tới nhạc sĩ Doãn Nho, công chúng yêu âm nhạc hiện nay thường chỉ biết ông là tác giả của rất nhiều ca khúc nổi tiếng: “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Người con gái sông La”, “Chiếc khăn Piêu”…
Nhưng, trong “gia tài” tác phẩm của ông, các tác phẩm thuộc về khí nhạc được giới chuyên môn đánh giá cao chiếm số lượng không nhỏ. Vì vậy, cụm tác phẩm của ông được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đều là các tác phẩm khí nhạc: Liên khúc giao hưởng “Chiến thắng”, Giao hưởng “Khúc tưởng niệm”, các tác phẩm thanh xướng kịch “Trảy hội Đền Hùng” và “ Hoa Lư Thăng Long – Bài ca dời đô”.
Cũng năm 1971, nhạc sĩ Doãn Nho còn có một sáng tác khác, góp phần ghi dấu ấn đậm nét tên tuổi của ông trong lòng công chúng: Ca khúc “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”. Nhạc sĩ kể rằng, ông đọc được bài thơ “Trên một chiếc xe tăng”, ký tên Vũ Hữu, đăng trên Báo Nhân Dân (Sau này ông mới biết tên thật của tác giả bài thơ là nhà thơ Hữu Thỉnh, hiện là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học- Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam).
Đang ao ước có được ca từ về tình đồng đội, bắt gặp cái tứ 5 và 1: “Năm anh em trên một chiếc xe tăng/Như năm bông hoa xoè cùng một cội/Như năm ngón tay trên một bàn tay/ Năm anh em chung một ngọn đèn…”, ông mừng hơn nhặt được vàng. Bởi lẽ với ông, “không có gì rõ nét hơn tình đồng đội bằng cái tứ 5 và 1” ấy.
Cả hai tác phẩm “Khúc tưởng niệm” và “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” đều được đón nhận nồng nhiệt. Ngay sau khi phát trên Đài tiếng nói Việt Nam, nhà thơ, nhạc sĩ Thụy Kha đã có bài viết rất xúc động về “Khúc tưởng niệm”. Riêng “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” đến nay vẫn là ca khúc “nằm lòng” của đông đảo công chúng.