Hào khí một thời hát cho đồng bào tôi nghe

Thứ Năm, 30/04/2020, 17:54
Cách đây 45 năm, vào giờ phút lịch sử của ngày 30/4, nước mắt chàng nhạc sĩ sinh viên Tôn Thất Lập vỡ òa giữa trời Paris lạnh giá, ngóng về quê nhà trong ánh bình minh ló rạng. Ngày khải hoàn ấy cũng là lúc phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” khép lại nhiệm vụ lịch sử vẻ vang – nơi mà người thủ lĩnh Tôn Thất Lập và bao thế hệ học sinh - sinh viên (HSSV) đã cháy hết mình để tô thắm màu cờ chiến thắng.


Sinh ra ở Huế, tuổi thơ Tôn Thất Lập đã chứng kiến cảnh nước mất nhà tan. Cha là cán bộ Việt Minh nên từ nhỏ ông sớm thuộc làu câu chuyện về vị vua yêu nước Duy Tân mà cha dạy. Mang trong mình tâm hồn lãng mạn, những ca khúc đầu tay của ông hầu hết là điệu trữ tình. Nhưng trong khúc tình ca ấy, nỗi đau chiến tranh, sự u uẩn của tuổi trẻ vẫn phảng phất: "Đêm đêm tiếng ca hao gầy đậu xuống môi em/ Trút hơi sau cùng giải thoát nhân gian..." (Tiếng hát về khuya).

Cuối năm 1966, chiến tranh ngày càng lan rộng. Sông Hương hiền hòa nổi sóng. Bên nhịp cầu Tràng Tiền, nhìn quê nhà điêu linh, chia cắt, Tôn Thất Lập cảm thấy nhói đau. Chàng SV Tôn Thất Lập ôm đàn, hát trong sóng nước mênh mang: “Hát cho dân tôi nghe, tiếng hát tung cờ ngày nào/ Hát qua đêm thiên thu, lửa cháy trên trại giặc thù/ Hát âm u trong đêm, muôn cánh tay đang dậy lên/ Hát cho anh công nhân xiềng xích như mây tan hoang/ Hát cho anh nông dân bỏ cày theo tiếng loa vang...”. Và rồi từ Huế, Tôn Thất Lập vào Sài Gòn với hành trang là ca khúc “Hát cho dân tôi nghe”, xem lời hát, tiếng đàn là cung tên, gươm giáo nhắm vào giặc thù.
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập nay đã bước sang tuổi 78.

Ngày ấy, phong trào đấu tranh chống Mỹ - ngụy, đòi tự do dân chủ của HSSV các đô thị miền Nam diễn ra sôi nổi và ngày càng lan rộng. Nhạc sĩ Tôn Thất Lập kể rằng, khi quân đội Mỹ hiện diện ở miền Nam, đời sống văn nghệ xuất hiện nhiều sản phẩm lai căng. Tầng lớp thanh niên phản ứng lại bằng cách dùng văn nghệ dân tộc và dân ca để nêu cao tinh thần về nguồn. Sau đó để chống lại âm mưu của văn hóa thực dân mới, đồng thời hun đúc lòng yêu nước, họ chuyển sang hát sử ca và kháng chiến ca…

“Tuy nhiên, sử ca và kháng chiến ca lại không phản ánh được thực tại đấu tranh nóng bỏng của quần chúng thành thị miền Nam. Vì vậy chúng tôi đã phát động phong trào HSSV trực tiếp sáng tác những bài ca tranh đấu, vừa để thúc đẩy hành động, vừa làm vũ khí tấn công trực diện vào chế độ Sài Gòn. Từ nghị quyết của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Đoàn Văn nghệ HSSV Sài Gòn được thành lập từ gày 15/5/1965 để truyền bá và thu hút các tài năng trẻ nhiệt huyết”, nhạc sĩ Tôn Thấy Lập cho biết.

Ông kế nhiệm các đàn anh như: Dương Văn Đầy, Trương Thìn, Hồ Hữu Nhựt... làm Trưởng Đoàn Văn nghệ HSSV Sài Gòn kiêm Chủ tịch Hội Sinh viên sáng tác. Giai đoạn năm 1967 -1968, phong trào văn nghệ đấu tranh bừng lên mạnh mẽ trong các chương trình, như: Đêm văn nghệ Hội Tết Quang Trung Sài Gòn, Đêm thơ nhạc ở Đại học Sư phạm Huế, Đêm hội thảo của SV Sài Gòn, Đêm nhạc Tôn Thất Lập ở Đại học Dược khoa Sài Gòn...

Đêm Hội Tết Quang Trung Sài Gòn do Tổng hội Sinh viên Sài Gòn tổ chức ghi dấu ấn sâu đậm với nhạc sĩ Tôn Thất Lập. Bởi đó là buổi trình diễn quy mô, nơi ca khúc “Hát cho dân tôi nghe” chính thức tạo dấu ấn rộng rãi. Nhạc sĩ Tôn Thất Lập xúc động nhớ lại: “Một ngày cuối năm 1967, dòng người hối hả sắm Tết đều đổ xô về trường Quốc gia Hành chánh, hướng lên ngọn cờ hồng đang kiêu hãnh bay trên nền trời xanh ngắt.

Đó là cờ Quang Trung, giữa ngọn cờ có hình tròn màu vàng, nhìn xa không khác lá cờ đỏ sao vàng là mấy. Đêm đó, hàng vạn người đã vượt hàng rào cảnh sát phong tỏa, đe dọa, kéo nhau về dự đêm hội. Bên ngoài, cảnh sát càng siết chặt vòng vây. Bên trong, hàng vạn ánh đuốc càng bừng lên trên nền bức tranh hoành tráng dài hàng chục mét vẽ lại hào khí Thăng Long.

Tiếng hát dàn đồng ca vang lên bài hát của tôi. Tôi như run lên khi đến đoạn điệp khúc, hàng ngàn tiếng vỗ nhịp bên dưới hòa điệu và ca vang: Ngày nao thênh thang dân đứng lên phá xiềng nô lệ/ Ngày nao hiên ngang ta cùng nhau đứng chung đồng bào/ Giành lại dòng sông này cho lúa chín khắp đồng xanh/ Giành lại thành phố đó bàn tay nâng cao hòa bình.

Trong đêm hội, chúng tôi còn biểu diễn nhiều khúc sử ca hào hùng. Tất cả biến thành biển sóng – một đại hợp xướng hùng hồn, và tiếng hát đã trở thành nhịp đập con tim muôn triệu người muốn vùng dậy giải phóng quê hương, giành lấy hòa bình, độc lập”.

Tuy vậy phải đến đêm văn nghệ được tổ chức tại trường Đại học Nông Lâm Súc Sài Gòn đêm 27/12/1969, phong trào mới ra mắt chính thức với tên gọi “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Nhạc sĩ Tôn Thất Lập bảo rằng mỗi lần xuống đường, mỗi lần lên sân khấu là ông và các bạn đều xác định sẽ bị bắt. 

Trong đêm văn nghệ 27/12/1969, khi hàng nghìn SV đang “Hát cho dân tôi nghe” thì cảnh sát ập tới. Ông cùng 178 SV bị bắt nhưng được trả tự do sau đó bởi dư luận phản ứng dữ dội.

Tháng 5/1970, lúc ông đang tập chương trình mới thì cảnh sát áp giải về Nha cảnh sát Ðô thành. Sức thư sinh trói gà không chặt, lại bị địch tra tấn dã man, ông nằm bẹp đau đớn. Tiếng cô gái phòng giam bên cạnh vang lên dịu dàng làm anh bừng tỉnh: “Ðồng chí ơi, cố gắng ăn đi! Chúng ta còn chiến đấu lâu dài đó”. 

Sáng 19/5, ông nghe tiếng các tù nhân truyền nhau kế hoạch tổ chức văn nghệ kỷ niệm sinh nhật Bác. Lau vết máu khô hằn trên thân thể, ông tự hào, phấn chấn quá đỗi khi nghe tiếng hát vọng lên từ các buồng giam. “Tôi sáng tác ngay bài “Hát trong tù”.

Vũ khúc “Tiếng trống hào hùng” của Đoàn Văn nghệ học sinh, sinh viên  Sài Gòn trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”.

Vì không có giấy bút, chỉ nhẩm miệng cho dễ nhớ nên tôi chỉ sáng tác năm câu: Chốn lao tù là nơi ta rèn tâm trí/ Ðây cũng là chiến trường mà ta không cần vũ khí/ Trái tim này là gang đập tan lũ người bán nước/ Thân xác này là đồng trong có dòng máu đỏ/ Máu có đổ hôm nay tươi thắm lá cờ ngày mai. Tối đó, chúng tôi hát mãi bài này mà không biết mệt”, ông kể.

Sự đàn áp, bắt bớ khốc liệt của chính quyền Việt Nam Cộng hòa càng làm phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” dâng lên thành cao trào hòa chung với phong trào của HSSV xuống đường, tuyệt thực... đòi Mỹ rút quân khỏi miền Nam. Ngoài Tôn Thất Lập, đội ngũ nòng cốt của phong trào còn quy tụ nhiều gương mặt ưu tú như Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Phú Yên, La Hữu Vang, Miên Đức Thắng... 

Họ cho ra đời loạt ca khúc còn vang vọng đến hôm nay như “Người mẹ Bàn Cờ”, “Dậy mà đi”, "Ngày lao động vùng lên", "Tự nguyện", "Tổ quốc ơi ta đã nghe", "Hát trong làn khói đạn", “Người đợi người”... Phong trào phát triển và lan tỏa ra khắp các đô thị khác, thậm chí nó còn vượt ra khỏi bờ cõi Việt Nam, khơi dậy lòng yêu nước của những người con đất Việt xa xứ và lôi cuốn thanh niên tiến bộ trên thế giới.

Năm 1973, Tôn Thất Lập cùng một số đồng chí được phân công sang Pháp nhằm đưa phong trào đi sâu vào SV Việt kiều cũng như bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình. Trưa 30/4/1975, ông đón nhận tin từ sơ Francoise Vandermeersh. Đến nhà sơ, Tôn Thất Lập nghẹn ngào khi mỗi người dân Pháp đều ôm một bó hoa muguet xinh xắn gắn dòng chữ: "Một bông hoa cho Việt Nam chiến thắng".

Nhắc về phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”,  nhà báo Mireille Gansel cảm khái trên tờ nhật báo Pháp “Le Monde” phát hành ngày 11/2/1972: “Vừa mới viết ra, vừa mới xướng lên nó đã được truyền đi từ miệng người này đến miệng người khác. Nó nảy nở giữa gọng kềm siết chặt, nơi mà mỗi cử chỉ, mỗi lời nói là một vấn đề sống chết.

Những lời hát cất lên giữa những dùi cui, đàn áp, lặp lại giữa những chiếc xe bọc thép, rồi vang lên ở góc phố, nơi mà những anh sinh viên bị đuổi bắt. Nó đã đánh thức lương tâm của tuổi trẻ và lòng nhiệt thành của họ. Tất cả cơ đồ của lối sống Mỹ đã bất lực, không thể bóp nghẹt tiếng nói của một thế hệ trẻ sinh ra dưới những trận bom”.

Mai Quỳnh Nga
.
.
.