Rời chính trường làm bạn với thơ

Thứ Năm, 28/04/2016, 08:56
Đứng đầu một ngành, lĩnh vực, quản lý, chỉ đạo hàng nghìn con người nhưng khi ra diễn đàn Quốc hội, không ít vị bộ trưởng căng thẳng vì đụng câu hỏi, chất vấn khó của đại biểu. Ở góc độ khác, nhiều vị bình tĩnh “giải mã” và lựa lời làm dịu không khí gay cấn trước nghị trường. Khi trở về với không gian tĩnh lặng, đó là lúc “tức cảnh sinh tình”, cởi áo bộ trưởng, hồn đã là thi sĩ…


Quốc hội khóa XI, cái tên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển từng được cử tri gọi là “ông trực tính”, có người nói chọc “ông gàn”! Quả thực, ngay trước diễn đàn chất vấn, sự thẳng tính, bộc trực của ông khiến những phiên trả lời chất vấn thực sự sống động. Ông cũng thể hiện với một tác phong giản dị đến mức, có lần cử tri sờ vào áo ông đang mặc rồi thốt lên câu rất Nghệ “áo Bộ trưởng cũng đơn sơ không nề hà chi cả (gì cả)”.

Phiên chất vấn Quốc hội khóa XI cuối năm 2004, nghị trường nóng sau vụ án “xin cho quota” bị phanh phui xảy ra tại Bộ Thương mại. Khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu và một số cán bộ của Bộ này bị khởi tố, điều tra.

Là người “cầm trịch” Bộ Thương mại, đương nhiên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển phải chịu trách nhiệm về những vấn đề xảy ra tại bộ mình nhưng điều quan trọng hơn là đại biểu Quốc hội muốn làm rõ cơ chế nào sinh ra tiêu cực để loại trừ chứ không chỉ là chuyện xử lý cá nhân phạm pháp.

“Quota cũng như visa đi nước ngoài, tôi biết rằng ở đâu có cơ chế phân bổ, xin – cho, ở đó có tiêu cực” – Bộ trưởng thẳng thắn. Đại biểu hỏi tiếp: Biết vậy thì Bộ Thương mại đã làm gì? “Chúng tôi đã áp dụng rất nhiều biện pháp như công khai toàn bộ thông tin lên mạng, rồi thực hiện cơ chế giám sát, kiểm tra rất chặt chẽ.

Từ trái sang: Ông Lê Huy Ngọ, ông Lê Doãn Hợp và ông Trương Đình Tuyển.

Chặt chẽ thế nhưng tiêu cực vẫn xảy ra bởi cơ chế suy cho cùng vẫn là xin, cho”, Bộ trưởng phân trần. Ông nói, doanh nghiệp khi lên Bộ xem vì nóng ruột cũng có, đưa phong bì phong bao cũng có. Nay thì doanh nghiệp chỉ cần gửi công văn lên Bộ. Bộ xử lý xong sẽ thông báo lên mạng, sau đó chuyển phát nhanh về cho doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp không phải đến Bộ nữa bởi cứ ra là thế nào cũng phong bì, phong bao”. Do đó, “tôi không thể gặm nhấm mãi nỗi buồn, nỗi đau xót đó. Phải tìm ra phương pháp xử lý, tôi và anh em phải cố gắng. Bản thân cá nhân tôi xin cam đoan không hề có dính líu gì đến tiêu cực trong chuyện quota dệt may”.

Chất giọng nằng nặng, khẩu khí bộc trực, thẳng thắn, vị tư lệnh của ngành thương mại đã chinh phục đại biểu và cử tri không chỉ trên phương diện chất vấn. Ông chia sẻ: “Tôi báo cáo với Quốc hội rất thật lòng, với trách nhiệm là Bộ trưởng Thương mại trong giai đoạn khó khăn này. Tôi cũng trăn trở rất nhiều”.

Rời quan trường, “ông gàn” xứ Nghệ Trương Đình Tuyển lại vui thú điền viên và ở đó là lúc thi ca thành người bạn hữu. Ít ai biết, ông thương mại, “ông WTO” lại có chất trữ tình thế này:

Vụng về và chậm muộn
Sao cứ nhiều đam mê
Thu có còn đủ nắng
Cho xôn xao mùa về…

Nhưng bài thơ tình từ thuở hai mươi vẫn là những dòng cảm hứng mà “ông gàn Nghệ” khoái trá mỗi khi đọc lại, tựa như thuở ấy đang còn đâu đây. Hơn 40 năm trước, chàng sinh viên Trương Đình Tuyển thầm yêu trộm nhớ cô bạn cùng lớp nhưng thẹn thùng, bẽn lẽn cho đến ngày chia ly giữa mùa phượng cháy, họ vẫn chưa  kịp thổ lộ. 

Bom đạn chiến tranh dội xuống, “anh Tuyển” rời quê hương ôm theo mối tình đơn phương. Cuộc chiến kết thúc, cảnh cũ người xưa đã đổi thay. Một buổi chiều cuối năm 1979, bất ngờ hai người gặp lại nhau ở một trạm xe buýt. Dành nụ hôn nhẹ lên mái tóc rồi chia tay, cả đêm hôm ấy “gã si tình” không sao ngủ được. Tỉnh dậy, thơ cứ chảy tự nhiên…

Tuổi hai mươi đôi môi đỏ mọng
Em trao cho ai
               những chiếc hôn đầu
Dẫu rất yêu em
Anh chỉ được hôn lên mái tóc
Cái e ấp này chẳng tại anh đâu
Hương nước gội thơm
                                  từng nỗi nhớ
Những năm tháng
Có phải đất quê mình
Sâu nghĩa nặng tình
Nên chi màu mỡ
Lọc nước trong gội tóc em xinh
Em mang hình ai
                      lung linh đôi mắt…

Không phải là những hồi ức “anh chỉ kịp hôn lên mái tóc”, khi đương nhiệm, Bộ trưởng Văn hóa Lê Doãn Hợp từng đối diện những chất vấn “xoáy” trước Quốc hội, điển hình là vấn đề “lạm phát” lễ hội, kèm đó là đủ thứ tệ nạn, rồi chuyện biến di sản thành… khu nghỉ dưỡng, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống… Rời chính trường, ông Lê Doãn Hợp được các nhà báo gọi “nhà hiền triết” hay thầy cho chữ, ấy là ông luôn tự đúc kết phương châm sống cho mình bằng những khái niệm cô đọng kiểu “hai không, một có”, “ba có, hai không”.

Chẳng hạn, ông nói, làm Chủ tịch là làm ba chữ C (chính sách, công trình, cải cách hành chính); làm Bí thư lại làm ba chữ C khác (chủ trương, cơ chế, cán bộ). Rồi làm cán bộ chủ trì là thực thi ba chữ chủ (chủ thuyết rõ, chủ kiến nhanh, chủ động cao).

Ngày mới nhậm chức, tôi gõ cửa phòng ông đề nghị được phỏng vấn. Mạnh dạn vậy thôi chứ tôi cũng tính là 50/50 chứ phỏng vấn mà không đặt lịch trước, đến thẳng trụ sở thì thật khó. Ấy thế nhưng ông đã nhận lời ngay và chỉ sau chén nước trà nóng, ông nhiệt tình trả lời câu hỏi.

Ngày đó, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp bảo, ngồi ở “ghế nóng” văn hoá, thông tin, cái đáng sợ nhất là nhiễu thông tin, thứ đến là thiếu thông tin. Sợ nhiễu vì khi đó thông tin hỗn độn thật khó kiểm soát, mà người lãnh đạo tiếp nhận thông tin không chuẩn sẽ dẫn đến đánh giá, quyết định không chuẩn. Mà Bộ của ông lại là bộ quản lý về thông tin.

Thế nên, ông nói, điều quan trọng là phải tìm ra sự thật bởi lời nói dối thì có trăm nghìn nhưng sự thật chỉ có một. Sau này khi rời quan trường, gặp lại báo chí, cựu Bộ trưởng Lê Doãn Hợp tâm niệm câu nói của Todor Zhivkov, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Bungari: “Điều quí giá nhất của thế giới và hành tinh chúng ta là niềm tin cậy và sự thật.

Sự thật sẽ sáng tạo thế giới và mọi sự giả dối đều phá hoại thế giới”. Ông nói: “Tôi luôn là người lạc quan, ít lời, nhất là khi phải nói về mình, bởi nguyên soái Zhukov (Liên Xô cũ) cho tôi một niềm tin: “Người ta có thể tìm mọi cách để xuyên tạc lịch sử, nhưng không ai có thể làm lại lịch sử. Dẫu sao, sự thật vẫn toàn thắng”.

Giờ những khi về với thú điền viên, cựu Bộ trưởng “4T” (Thông tin, Truyền thông) không ngả thơ gửi người dĩ vãng như “cụ Tuyển”, ông lại dành ngôn từ khuyên con. Bài “Dặn con” (từng đăng Báo Văn nghệ Công an) được nhà thơ Dương Kỳ Anh chép lại với những lời thủ thỉ:

Cứ mỗi bận về quê
Con nhớ ghé thăm ông bà
                                  con nhé
Tuổi già chờ mong
                        bóng hình con trẻ
Như mong hoa trái vườn nhà
Tuổi trẻ là quá khứ của tuổi già
Ông bà là tương lai con đó
Mong con luôn nhớ
Có ông bà mới có bố hôm nay
Thế giới có thể đổi thay
Đạo lý nhà ta vẫn vậy
Thương ông làm gương
                                  hậu thế
Quý cháu tạo mẫu cho đời…

Không nặng thơ phú như hai vị trên nhưng “Bộ trưởng của nhà nông” Lê Huy Ngọ lại có những giai thoại… như thơ! Bao nhiêu năm trên cương vị “tư lệnh” ngành nông nghiệp, nông thôn, ông xuất hiện trước diễn đàn chất vấn để trả lời câu hỏi vì sao được mùa rớt giá, vì sao nông dân bỏ ruộng đi buôn, rồi làm thế nào sống chung với lũ, phương án tránh bão miền Trung ra sao…

Ông kể có lần ra phố Thụy Khuê ăn phở Cồ Cử, có hai công nhân ngồi gần đó gọi 4 bát, họ đặt trước ông 2 bát và nói: “Chúng cháu mỗi người ăn một bát, riêng bác phải ăn hai bát”. Ông ngạc nhiên, một trong hai công nhân liền nói: “Chúng cháu biết bác là Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, bác ăn nhiều để còn chống bão lụt, lo cho bà con”.

Rồi có lần đi chống bão lụt ở Phú Yên, khi qua một quán nước, bà chủ quán mời vào uống nước trái cây, khi thanh toán thì một mực từ chối lấy tiền vì bà bảo “tiền bạc đáng bao, tôi thấy bác hôm qua ở trên tivi, lội giữa đồng nước mênh mông, thương bác lắm…”. Làm Bộ trưởng, giờ rời nghị trường cũng đã hơn 10 năm, những kỷ niệm “như thơ” vẫn luôn sống động, ấy cũng là cốt cách, phong thái gần gũi của ông đã in đậm trong lòng người.  

Đăng Trường
.
.
.