Lùm xùm quanh hoạt động quản lý nghệ thuật biểu diễn

Thứ Ba, 23/05/2017, 22:36
Liên quan đến việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn thời gian gần đây có những quyết định không phù hợp thực tiễn trong cấp phép phổ biến bài hát và tác phẩm sân khấu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát lại toàn bộ các văn bản quy định pháp luật về quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Ngày 23-5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có văn bản yêu cầu Cục Nghệ thuật Biểu diễn phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện chủ trương này.

Trước đó, ngày 19-5, website của Cục Nghệ thuật Biểu diễn cập nhật thêm trên 300  bài hát được phổ biến. Nhiều bài hát đã rất nổi tiếng, được nhiều thế hệ yêu mến nhưng trên danh sách của Cục bị sai lỗi chính tả, sai tên tác giả, tác phẩm.

Bài hát “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao đã trở thành Quốc ca cũng thuộc danh sách này. Liên quan đến việc phổ biến “Tiến quân ca”, Cục Nghệ thuật Biểu diễn từng có Văn bản số 42/QĐ-NTBD ngày 7-10-2009 cho phép phổ biến… Quốc ca.

Nhạc sĩ Văn Cao.

Giới nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực này cũng bất ngờ và hoang mang khi tiếp nhận thông báo của Cục Nghệ thuật Biểu diễn,  giấy phép cho mỗi vở diễn chỉ có hiệu lực trong vòng 1 năm.

Trước đó, giấy phép cho mỗi vở diễn có hiệu lực vĩnh viễn. Nếu giấy phép chỉ có hiệu lực 1 năm đồng nghĩa với việc biểu diễn trong các năm tiếp theo vẫn phải làm thủ tục xin phép dù nội dung không thay đổi gì. Quy định này khiến nhiều nghệ sĩ bất bình vì cho là làm khó người làm sân khấu, cản trở sự phát triển của nghệ thuật sân khấu…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa bức xúc cho biết: "Một số văn bản của mấy cơ quan quản lý văn hóa thời gian gần đây chứng tỏ những người làm quản lý ngành văn hóa đưa ra văn bản không có nghiệp vụ, thiếu hiểu biết ở mức tối thiểu.

Quyết định cấm ca khúc “Màu hoa đỏ” của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đã rất kỳ dị. Người ban lệnh cấm đã phải xin lỗi gia đình nhạc sĩ, xin lỗi nhân dân và công luận. Sau đó, quyết định đã buộc phải thu hồi. Mới đây, Cục Nghệ thuật Biểu diễn lại cấp phép cho phép phổ biến Quốc ca và ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng.

Đây là hai bài hát rất nổi tiếng của hai nhạc sỹ Văn Cao và Phạm Tuyên. Cả hai tác giả đều được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Riêng Tiến quân ca, từ năm 1946 đã được Bác Hồ và Quốc hội khóa đầu tiên chọn làm Quốc ca và là Quốc ca từ bấy đến giờ.

Bây giờ Cục Nghệ thuật Biểu diễn mới cho phép phổ biến, thế hóa ra từ trước đến nay các cơ quan đoàn thể và toàn dân toàn hát… chui ư? Thực không thể hiểu được. Cục này là một cơ quan rất quan trọng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lại có những quyết định gây phản cảm như thế là làm mất uy tín cho Bộ…".

Luật sư Bùi Sinh Quyền, Văn phòng Luật sư Phúc Thọ, 23 Hồ Đắc Di, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội cho rằng việc cấp phép, phổ biến, cập nhật danh sách ca khúc được phép phổ biến là cần thiết, đặc biệt là với ca khúc sáng tác trước năm 1975, có sự nhạy cảm về mặt chính trị. Có những ca khúc được phổ biến phù hợp với giai đoạn này nhưng không phù hợp với giai đoạn khác.

Người làm công tác quản lý hành chính Nhà nước căn cứ vào tình hình thực tiễn đời sống để quyết định thời điểm cho phép phổ biến tác phẩm sao cho phù hợp, tránh bị kích động, lợi dụng vào những mục đích có hại cho sự ổn định chung. Tuy nhiên, cấp phép phổ biến “Tiến quân ca” là việc làm thừa và hơi ngược đời. Đây là Quốc ca nên đương nhiên được phổ biến…

Trao đổi về các vấn đề gây bức xúc dư luận, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết: Hơn 300 tác phẩm được Cục Nghệ thuật Biểu diễn đăng tải trên website của Cục mới đây là các tác phẩm đã được phổ biến rộng rãi trong một thời gian dài.

Cục chỉ thống kê, cập nhật lại để thuận tiện cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động nghệ thuật biểu diễn, không cần phải xin cấp giấy phép phổ biến tác phẩm ở các cơ quan quản lý nhà nước.

Đây không phải là danh sách ca khúc mới được cấp phép. Hai việc này hoàn toàn khác nhau. Ca khúc được cấp phép phổ biến phải trải qua các thủ tục làm hồ sơ, thẩm định, ra quyết định được phép lưu hành hay không lưu hành.

Thừa nhận những sai sót không đáng có về tác giả, tác phẩm trong danh mục phổ biến tác phẩm đăng trên website của Cục Nghệ thuật Biểu diễn nhưng ông Chương cho rằng, Trung tâm Công nghệ thông tin giúp Cục điều hành website đang trục trặc, thông tin về tác giả, tác phẩm bị “nhảy”. Mấy ngày nay, cán bộ của Cục vẫn đang phối hợp với Trung tâm để xử lý. Hiện tại, công việc này vẫn chưa hoàn thành (?!).

Về trường hợp cấp phép Quốc ca, văn bản được ban hành ngày 7-10-2009, thời điểm này, người khác đảm nhiệm vị trí Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Ông Chương mới nhận nhiệm vụ Cục trưởng từ năm 2013 nên không rõ. Cục sẽ kiểm tra lại và trả lời báo chí sau.

Liên quan đến quy định giấy phép cho vở diễn sân khấu chỉ có hiệu lực trong 1 năm gây bức xúc cho giới nghệ sĩ sân khấu, ông Chương chia sẻ, trước khi ban hành Nghị định 15/2016 NĐ-CP, những người xây dựng Nghị định đã triển khai phối hợp với nhiều cơ quan quản lý nhà nước để tiếp thu ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản, không phải chỉ dựa vào ý kiến chủ quan của những người xây dựng văn bản. 

Tuy nhiên, ông Chương cũng cho biết thêm, thời gian tới, Cục sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện rà soát lại toàn bộ các văn bản quy định về quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn nghệ thuật, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. 

Không cần cấp phép các bài hát đã quen thuộc

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ VH-TT&DL nghiêm túc thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng tại cuộc họp với Bộ VH-TT&DL, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ ngày 26-4-2017.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ VH-TT&DL rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đề xuất sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển. Yêu cầu Bộ VH-TT&DL tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh, nâng cao năng lực quản lý, thực thi pháp luật của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngày 23-5, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái đã ký văn bản yêu cầu Cục NTBD khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các nội dung sau: Phối hợp với Vụ Pháp chế triển khai rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực NTBD, báo cáo lãnh đạo Bộ để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển. Các bài hát đã quen thuộc, phổ biến trên thực tế, nếu có nội dung không trái với thuần phong mỹ tục, không xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác. Bộ cũng đề nghị Cục NTBD nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại công tác tổ chức, nâng cao năng lực của cán bộ thực thi pháp luật, thường xuyên báo cáo lãnh đạo bộ về công tác quản lí nhà nước trong lĩnh vực NTBD. (Hải Âu)

Nhóm PV
.
.
.