Ra mắt bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”

Thứ Hai, 06/07/2020, 08:22
Ngày 5/7, buổi giao lưu và ra mắt bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” diễn ra tại Đường sách TP Hồ Chí Minh. Bộ sách do Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, CLB “Trái tim người lính” phối hợp thực hiện nhân kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27-7 và kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”.


“Nhật ký thời chiến Việt Nam” được khởi đầu từ sự ra đời của hai tác phẩm nổi tiếng “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” của Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. 

Từ đó, trong suốt 16 năm qua, nhà văn Đặng Vương Hưng đã cất công lần tìm, sưu tập từng lá thư, nhật ký của những người lính để chủ biên bộ sách mà ông dành bao tâm huyết “Nhật ký thời chiến Việt Nam”. 

Đây là công trình độ sồ gồm 4 tập, mỗi tập dày hơn 1.000 trang, tập hợp chuyện đời của 30 tác giả là liệt sĩ, thương binh, cựu chiến binh.

Bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”.

Bạn đọc không chỉ được gặp lại hai cuốn nhật ký nổi tiếng “Mãi mãi tuổi hai mươi” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” trong bộ sách mà còn được tiếp cận hàng chục cuốn nhật ký đầy máu lửa chiến trường như: “Nhật ký chiến tranh” của anh hùng, nhà văn, liệt sĩ Chu Cẩm Phong; “Nhật ký chiến trường" của liệt sĩ, nhà văn Dương Thị Xuân Quý; “Những ngày trong vòng vây” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh; “Nhật ký vượt Trường Sơn” của TS Phạm Quang Nghị; “Nhật ký Bê trọc” của nhà văn, TS Phạm Việt Long; “Nhật ký đi B” của cố nhà văn Triệu Bôn... 

Bộ sách còn giới thiệu những trang viết hiếm hoi nối kết quá khứ và tương lai, đầy chất văn chương lãng mạn như nhật ký “Trở về trong giấc mơ” của liệt sĩ Trần Minh Tiến, “Tài hoa ra trận” của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân...

Tại buổi giao lưu, các tác giả, thân nhân tác giả có mặt để cùng gợi nhớ về một thời hào hùng. Bộ sách có ý nghĩa hết sức to lớn với thế hệ mai sau, hun đúc tinh thần yêu nước, cho thế hệ trẻ thấy được một thời cha anh đã sống, cống hiến và chiến đấu hết mình. 

Nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ: "Tất cả những gì ta đọc được ở đây là sự thật, dù nó có thể thô ráp, nhưng tươi ròng và sống động, bởi hoàn toàn là những con người thật, những địa chỉ thật, những sự việc thật và những tâm trạng rất thật! Không ai có thể buộc được người ta phải nói thật suy nghĩ của lòng mình, nhất là sự ấm ức, bất công và nỗi buồn nản trong cuộc đời; kể cả tâm trạng “sống trong sợ hãi” tại chiến trường. Nhưng với nhật ký, thì người viết “tự nguyện” nói ra tất cả điều ấy… Điều đặc biệt là hai phần ba tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn nữa. Nhiều người đã ngã xuống ngoài chiến trường, hoặc bị thương và vì di chứng chiến tranh, nên đã mất sau khi trở về”.                                     

Đánh giá về bộ sách này, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khẳng định: “Nhiều năm sau chiến tranh Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu chiến tranh của Mỹ đã khẳng định: phát hiện lớn nhất của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là phát hiện ra nền văn hóa Việt Nam. Bởi thế mà những trang nhật ký của những người lính giải phóng Việt Nam đã trở thành một giá trị vô cùng to lớn làm nên bộ hồ sơ đặc biệt về văn hóa Việt Nam chứ không chỉ là một loại hồ sơ đặc biệt về cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Bởi tôi nghĩ, trước sự sống còn của một cá nhân và sự sống còn của một dân tộc, nền văn hóa của dân tộc đó được chứng minh rõ ràng nhất và bền vững nhất”.

Quỳnh Nga
.
.
.