Phim có hình ảnh “đường lưỡi bò” ra rạp: Nên phân quyền trong kiểm duyệt
- Kiểm duyệt phim truyền hình: Giới hạn thế nào là vừa đủ?
- Kiểm duyệt phim tại Việt Nam: Cứ sex là phải cấm?
Sau “Điệp vụ biển đỏ”, mới đây, bộ phim hoạt hình “Everest: Người tuyết bé nhỏ” bị buộc phải dừng chiếu trên toàn bộ hệ thống phát hành phim chiếu rạp ở Việt Nam vì bị phát hiện có hình ảnh bản đồ với “đường lưỡi bò”, vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Xác định đây là vụ việc nghiêm trọng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Cục Điện ảnh nhanh chóng kiểm tra, xử lý các tập thể, cá nhân liên quan, đồng thời củng cố lại Hội đồng duyệt phim quốc gia. Tuy nhiên, những động thái này của cơ quan quản lý văn hóa chưa hẳn đã xoa dịu được dư luận.
Về vấn đề kiểm duyệt phim, mới đây, khi góp ý cho Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kiến nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh nên bỏ độc quyền về kiểm duyệt phim.
Hình ảnh “đường lưỡi bò” bị cài cắm trong phim “Everest: Người tuyết bé nhỏ”. |
Theo VCCI, so với một số lĩnh vực khác cũng cần kiểm duyệt nội dung thì cơ chế kiểm duyệt của điện ảnh hiện nay có nhiều điểm bất cập. Ví dụ, trong lĩnh vực xuất bản, Việt Nam có đến 60 nhà xuất bản. Một tác giả viết sách có thể lựa chọn mang sách của mình đến cho các nhà xuất bản khác nhau. Nhà xuất bản sẽ phải làm việc với tác giả để kiểm duyệt nội dung ấn phẩm. Nếu nhà xuất bản thực hiện công việc chậm trễ, không nhiệt tình thì tác giả có thể mang bản thảo đến nhà xuất bản khác. Nhà nước đứng ở vị trí cấp phép, hướng dẫn và hậu kiểm các nhà xuất bản.
Trong khi đó, với một Hội đồng duyệt phim, nếu Hội đồng làm việc 240 ngày mỗi năm, mỗi ngày thẩm định được 3 phim thì một năm chỉ có thể kiểm duyệt được tối đa 720 phim. Như thế sẽ hạn chế khả năng sản xuất phim trong nước cũng như cơ hội tiếp cận các tác phẩm điện ảnh của thế giới. Vì vậy, cơ chế kiểm duyệt phim nên được thay đổi theo hướng, Luật Điện ảnh đặt ra các điều kiện (chủ yếu về nhân sự) để một đơn vị có thể thực hiện công tác kiểm duyệt phim.
Tổ chức nào đủ điều kiện đều có thể đăng ký và được cấp phép hoạt động kiểm duyệt phim. Chính phủ hướng dẫn các tiêu chí để kiểm duyệt phim. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành tập huấn cho người trực tiếp phụ trách công tác kiểm duyệt phim. Phim chỉ được phổ biến sau khi được một tổ chức được phép hoạt động kiểm duyệt phim chấp thuận.
Cơ quan nhà nước tiến hành hậu kiểm nội dung phim đã được phổ biến và công tác kiểm duyệt của các tổ chức đã được cấp phép. Một cơ chế như vậy vừa bảo đảm quản lý tốt nội dung phim, vừa giúp tạo tính cạnh tranh trên thị trường và giúp cho nền điện ảnh phát triển không bị hạn chế.
Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng, các quốc gia đều có Hội đồng duyệt phim nhưng được gọi là Hội đồng phân loại phim. Hoạt động của các Hội đồng phân loại phim là cần thiết để ngăn chặn những bộ phim có tác động không tốt với cộng đồng. Nhưng, vấn đề là Hội đồng duyệt phim ở Việt Nam không chỉ có vai trò như thế.
“Chúng ta chỉ có một Hội đồng duyệt phim quốc gia. Hội đồng chỉ có 11 người, mỗi năm phải xem 40 phim đến 60 phim Việt Nam, khoảng 400 phim nước ngoài. Như vậy họ phải làm một khối công việc quá lớn, mọi trách nhiệm đổ hết lên vai họ. Nếu còn duy trì một Hội đồng duyệt phim như hiện nay, tôi tin, sẽ còn những sai sót tương tự như trường hợp để lọt hình ảnh “đường lưỡi bò” trong phim như vừa qua. Vì những gì mà mình nhìn thấy chỉ lướt qua 1,2 giây. Hội đồng thì phải xem rất nhiều phim nên không thể xem kỹ, săm soi từng giây. Chuyện này cũng không thể chỉ đổ lên Hội đồng mà phải có cơ chế tự chịu trách nhiệm” - đạo diễn Phan Đăng Di kiến nghị.
Cũng theo đạo diễn Phan Đăng Di, thông thường, doanh nghiệp nhập phim sẽ phải biết họ được phép nhập phim nào về phát hành thì phù hợp với Việt Nam. Trong quá trình nhập phim, nhà phát hành kiểm soát rất chặt chẽ.
Ví dụ, chỉ riêng khâu làm phụ đề tiếng Việt cho bản phát hành ở Việt Nam, nhà phát hành đã phải có thời gian xem phim trước, xem rất kỹ, thậm chí dừng lại trong từng phân cảnh mới có thể bắn phụ đề vào được. Như thế, nếu có hình ảnh như “đường lưỡi bò”, chính đội ngũ này phải là người phát hiện, sàng lọc đầu tiên. Nếu cơ quan quản lý giao trách nhiệm cho họ mà họ để ra sai sót thì họ phải chịu trách nhiệm. Hiện nay, công ty nhập phim chưa bị giao trách nhiệm này mà lại dồn lên vai của Hội đồng là chưa hợp lý.
Đạo diễn Phan Đăng Di cũng kiến nghị, trong thời gian tới, cơ quan quản lý cần phân cấp trong kiểm duyệt, có thêm Hội đồng duyệt phim và tăng cường cơ chế tự chịu trách nhiệm.
“Doanh nghiệp nhập phim để xảy ra sai sót có thể bị xử phạt hành chính, lỗi nặng, lặp lại nhiều lần thì tước giấy phép hoạt động. Ngược lại, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần mạnh dạn trao quyền cho doanh nghiệp. Nếu phim không có vấn đề gì thì không cần phải duyệt.
Tuy nhiên, quy định về kiểm duyệt cũng nên rõ ràng, đừng quá cứng nhắc, khắt khe. Nếu phim đã “áp khung” cho khán giả 18 tuổi trở lên thì hạn chế việc cắt phim và có cơ chế mở. Khi doanh nghiệp nhập phim tự chịu trách nhiệm đối với phim họ nhập thì sẽ giảm áp lực cho Hội đồng duyệt phim quốc gia.
Tránh tình trạng như hiện nay, Cục Điện ảnh phải tập trung lo cho duyệt phim, mất thời gian, công sức để giải trình, báo cáo, khó có thời gian tập trung cho nhiệm vụ chính, quan trọng hơn là tham mưu, hoạch định các chính sách giúp phát triển nền điện ảnh vững chắc.
Chưa kể, việc duy trì một Hội đồng duyệt phim còn gây trở ngại cho người làm điện ảnh trong nước. Hiện nay, phần lớn nhà sản xuất phim ở trong TP Hồ Chí Minh. Hội đồng duyệt phim ở ngoài Hà Nội. Nếu có vấn đề gì, nhất là khi Hội đồng có quyết định không cho phát hành, yêu cầu sửa chữa, cắt cúp cảnh này hay cảnh khác, nhà sản xuất phải đi lại nhiều lần, rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Nếu có Hội đồng ở TP Hồ Chí Minh, doanh nghiệp thuận lợi hơn trong trao đổi, đối thoại, đỡ tốn kém.
Người sản xuất phim, đang tham gia hoạt động điện ảnh, có uy tín, cần phải có tiếng nói trong Hội đồng duyệt phim. Nếu thành viên Hội đồng duyệt phim là những người đã về hưu, không trực tiếp tham gia vào hoạt động điện ảnh thì suy nghĩ của họ chưa chắc có lợi cho giới làm phim” - đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Cao Tùng, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và sản xuất phim Đại sứ trẻ (YEAH1CMG) lại cho rằng, ở góc độ của nhà sản xuất, người làm phim không quá đặt nặng chuyện một hay nhiều Hội đồng duyệt phim vì nhiều Hội đồng duyệt phim cũng chưa chắc phim đã được duyệt nhanh hơn, thuận lợi hơn. “Với nhà sản xuất phim thì làm thế nào để đơn giản hóa thủ tục duyệt phim với có tiêu chí rõ ràng hơn nữa mới là điều quan trọng nhất” - ông Tùng nhấn mạnh.