Phim Việt sẽ không còn bị chèn ép khi ra rạp?
- Phim Việt đảo chiều?
- Phim Việt hè 2019: Mùa hy vọng… còn xa
- Phim Việt bị chèn ép trên chính “sân nhà”
Thực tế, sau vụ việc nữ diễn viên kiêm nhà sản xuất phim Ngô Thanh Vân bật khóc trong ngày công bố phát hành phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” bị từ chối đưa vào hệ thống rạp của CGV, câu chuyện phim Việt bị chèn ép khi ra rạp vẫn còn tiếp diễn nhiều năm sau đó.
Hàng loạt đơn vị phát hành, phổ biến phim Việt Nam, với sự chủ trì của Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam, đã không dưới 2 lần kiến nghị đến nhiều bộ, ngành liên quan, song giải pháp vẫn là hòa giải. Các đơn vị sản xuất, phát hành phim trong nước vẫn buộc phải chấp nhận giải pháp “sống chung với lũ” để tiếp tục tồn tại, phát triển.
Tuy nhiên, vấn đề chưa dừng lại ở phát hành phim Việt. Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm chiếu phim quốc gia đã không ít lần chứng minh, ngay hoạt động phát hành phim nước ngoài cũng bị các “ông lớn”, tức là hệ thống rạp chiếu phim có vốn đầu tư nước ngoài - chèn ép. Lý do là quy định pháp luật chỉ cho phép các đơn vị có rạp chiếu mới được quyền nhập phim về Việt Nam, trong khi nhiều đơn vị có khả năng nhập phim thì không có rạp. Trung tâm Chiếu phim quốc gia có rạp nhưng là đơn vị sự nghiệp.
Theo luật hiện hành, những đơn vị như Trung tâm không được phép nhập phim về chiếu. Để có phim chiếu phục vụ khán giả, Trung tâm buộc phải mua lại của các hệ thống rạp chiếu tư nhân.
Ngoài việc buộc phải chấp nhận tỷ lệ ăn chia dù biết bị thiệt thòi, các rạp chiếu như của Trung tâm còn bị chèn ép theo kiểu: Những rạp chiếu của các “ông lớn” trong ngành phát hành phim ở gần rạp chiếu của Trung tâm sẽ liên tục giảm giá vé xem phim vào những khung giờ cao điểm, đông người xem. Cách làm này, mới nghe qua, người xem tưởng chừng có lợi, nhưng về lâu về dài sẽ là một trong những cách khiến nhà phát hành phim trong nước có chức năng tương tự như Trung tâm khó tồn tại được.
Phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” – một trong những cuộc “phản pháo” đầu tiên về việc phim Việt bị chèn ép khi ra rạp. |
Nhưng kiến nghị trên, ngay cả Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau nhiều lần nhận đơn kiến nghị cũng đành “thúc thủ”. Lý do là Luật Điện ảnh chưa quy định được chính sách (hay hàng rào kỹ thuật) để hạn chế tác động bất lợi của các hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương mà Việt Nam đã ký kết với các nước và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Hiệp định thương mại WTO.
Theo cam kết quốc tế, Việt Nam không quy định hạn ngạch nhập khẩu phim nước ngoài, Luật Điện ảnh cũng không quy định tỷ lệ chiếu phim Việt Nam đối với mỗi phòng chiếu trong những khung thời gian nên không có một hạn chế nào đối với việc nhập phim vào Việt Nam. Từ đó dẫn đến việc phim nước ngoài chiếm lĩnh thị trường, phim Việt Nam rất khó đưa vào hệ thống rạp chiếu phim, hoặc nếu được các rạp chiếu phim chấp nhận thì chỉ chiếu ở những giờ xem không thuận lợi và số lượng suất chiếu mỗi ngày cũng rất hạn chế.
Ngoài tác động tiêu cực là gây tâm lý không bình đẳng cho các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí dẫn đến việc khiếu nại kéo dài thì tình trạng này còn không khuyến khích các doanh nghiệp điện ảnh khác tham gia vào lĩnh vực này, một số doanh nghiệp nhỏ đang hoạt động có nguy cơ phá sản.
Theo Cục Điện ảnh, năm 2018, cả nước có khoảng 930 phòng chiếu phim, trong đó số lượng phòng chiếu phim của các công ty liên doanh với nước ngoài chiếm khoảng 60%. Công ty tư nhân khoảng 30%, đơn vị Nhà nước quản lý khoảng 10% số phòng chiếu phim. Phim nước ngoài nhập khẩu năm 2018 là 234 phim và gần 40 phim Việt Nam. Tuy nhiên, quy định các doanh nghiệp phát hành phim, doanh nghiệp khác phải có rạp mới được phép nhập khẩu phim thực ra thuộc về điều kiện kinh doanh, khiến cho việc thành lập cơ sở điện ảnh có chức năng nhập khẩu phim phải mất nhiều thời gian cho việc chứng minh việc có rạp chiếu phim. Quy định “có rạp chiếu phim” còn chung chung, không phân biệt rõ “có” là sở hữu hay cả trường hợp đi thuê. Vì thế khó cho cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong việc áp dụng pháp luật.
Cũng theo Cục Điện ảnh, luật hiện hành quy định “muốn nhập khẩu phim phải có rạp” và đơn vị sự nghiệp không được nhập phim nước ngoài về phát hành đã hạn chế quyền bình đẳng của mọi doanh nghiệp khi tham gia thị trường. Lý do là các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn đã phát triển vượt bậc về số lượng phòng chiếu và số lượng phim nhập khẩu, điều này dẫn đến việc thống lĩnh thị trường, cạnh tranh không lành mạnh, tiềm ẩn nguy cơ phim nước ngoài lấn át, gây khó khăn cho phim Việt Nam đưa vào phát hành, phổ biến tại hệ thống rạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển điện ảnh dân tộc.
Thậm chí, những quy định nói trên còn vô hình chung tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn thâu tóm, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng khó khăn, không có cơ hội phát triển. Doanh thu từ hoạt động phát hành, phổ biến phim chỉ tập trung chủ yếu vào doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường.
Để tháo gỡ các vấn đề trên, đầu tháng 7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức triển khai lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo đề nghị sửa đổi Luật Điện ảnh. Theo đề nghị này, quy định “Doanh nghiệp phát hành phim, doanh nghiệp khác có đăng ký kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim để tham gia phổ biến phim” sẽ được bãi bỏ. Các đơn vị sự nghiệp có chức năng hoạt động điện ảnh cũng sẽ được phép tham gia nhập khẩu và phát hành phim.
Tuy nhiên, nếu các kiến nghị này được chấp thuận thì cũng phải đến năm 2021, theo Chương trình xây dựng Luật của Chính phủ, Luật Điện ảnh sửa đổi mới được thông qua. Điều này cũng đồng nghĩa là phim Việt rất có thể sẽ còn bị chèn ép trong thời gian tới nếu cơ quan quản lý nhà nước không có những giải pháp tình thế trước mắt.