Phê bình điện ảnh bị “bỏ ngỏ”?

Thứ Sáu, 13/12/2019, 17:38
Nhiều năm trở lại đây, mỗi năm, Việt Nam sản xuất từ 30 phim đến 40 phim chiếu rạp nhưng phần lớn là phim nặng về giải trí và thương mại. Thậm chí, ngay với dòng nhiều phim này, số nhà sản xuất phim duy trì hoạt động lâu dài, có phim phát hành mang về doanh thu cao chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ.

Xu hướng thương mại hóa các giá trị truyền thống của điện ảnh kéo theo sự lệch chuẩn, đánh mất định hướng phát triển. Một trong số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là hoạt động lý luận, phê bình không giữ được vị trí, vai trò như cần có trong đời sống điện ảnh.

Điện ảnh Việt Nam ngày càng thiếu những bộ phim hay và mặt trái xã hội tràn ngập màn ảnh. Trong mỗi phim, chúng ta có đủ các thứ như phim nước ngoài nhưng cái thiếu nhất, mà phim nào cũng thiếu là tư tưởng của bộ phim. 

“Hai Phượng” – một trong số các phim Việt vừa thành công về truyền thông, vừa thành công về doanh thu mà ít gây tranh cãi.

Người xem không cảm nhận được vẻ đẹp của nhân vật, vẻ đẹp của câu chuyện bởi tất cả các nhà làm phim, nghệ sĩ đều đang lấy doanh thu là mục đích chính, làm phim chỉ là phương tiện kiếm tiền. Và, phương tiện dễ nhất là khai thác những mặt trái của con người và xã hội. Những cái khác như tinh thần tác phẩm, sức truyền cảm của nhân vật… đều trở nên khan hiếm, xa xỉ. Đó là khẳng định của nhà phê bình Đoàn Minh Tuấn khi bàn về thực trạng điện ảnh Việt Nam hiện nay.

Về vấn đề này, TS Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, hiện nay là Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam thẳng thắn chỉ ra rằng, dù mỗi năm có đến 40 bộ phim truyện điện ảnh ra đời và mỗi lần phim ra rạp, nhất là phim “thương mại”, là một lần tưng bừng từ rạp chiếu đến các ấn phẩm báo chí. 

Sự tưng bừng ấy không liên quan đến chất lượng phim mà chủ yếu phụ thuộc vào kinh phí ít hay nhiều của nhà sản xuất, phát hành phim và đội ngũ làm truyền thông. 

Có những bộ phim công chiếu, dư luận ồn ào, kẻ khen, người chê, thậm chí có trường hợp vì lý do nào đó, có thể ngoài tác phẩm, một số tờ báo và mạng xã hội “đánh hội đồng” khiến công chúng hoang mang, không biết đâu là giả, đâu là thật. Các nhà phê bình lại ít khi có ý kiến hoặc có lên tiếng cũng bị cơn lốc dư luận và các “anh hùng bàn phím” bủa vây. Phê bình điện ảnh yếu ớt bởi đội ngũ làm công việc này rất thiếu. 

Nhiều chục năm trước, thỉnh thoảng có một vài sinh viên được đào tạo về lý luận, phê bình điện ảnh ở nước ngoài. Đáng tiếc là một số người đã làm công tác quản lý ở các trường, Viện lưu trữ phim, hãng phim, Cục Điện ảnh… nên không còn thời gian và sức lực cho hoạt động phê bình điện ảnh. 

Với đào tạo trong nước, chỉ có một cơ sở đào tạo chuyên ngành Lý luận phê bình điện ảnh chính quy là trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội nhưng rất ít sinh viên đăng ký học. Đã có những khóa, nhà trường không thể tuyển sinh vì quá ít người đăng ký. 

Mùa tuyển sinh năm 2019, trường chỉ tuyển được 3 sinh viên theo Lý luận, phê bình nên phải hoãn khóa học. Chưa kể, sinh viên học xong khó có thể sống được bằng nghề, phải làm công việc khác kiếm sống. 

Vài thập kỷ qua, rất hiếm thấy cây bút phê bình điện ảnh qua đào tạo của các trường khẳng định được tên tuổi. Tuy nhiên, nguyên nhân mấu chốt nhất là sự ngại ngùng, thậm chí thiếu bản lĩnh của những người viết phê bình điện ảnh. 

Phê bình cần một sự thẳng thắn, dám đi tới cùng để bảo vệ cái chuẩn nhưng phê bình thực sự dễ khiến “mất lòng”, thậm chí “gây thù chuốc oán”. Bởi, một bộ phim làm ra cần cả chục tỉ đồng. Nhà phê bình chê phim có thể ảnh hưởng đến doanh thu của nhà sản xuất. 

Ngay bản thân TS Ngô Phương Lan cũng từng viết bài phê bình phim khá đều đặn nhiều năm trước, song vì bận rộn công việc quản lý, vì ngại ngần, không muốn va chạm, đôi lúc thấy bất lực trước sự quay cuồng của dư luận theo xu hướng thương mại hóa nên ít viết dần. Dù rằng, bản thân ý thức rất rõ, khi phê bình điện ảnh bị bỏ quên sẽ góp phần làm cho xu hướng thương mại hóa các giá trị của điện ảnh ngày càng trầm trọng, kéo theo sự lệch chuẩn, đánh mất định hướng.

PGS.TS Trần Luân Kim cũng cho rằng, lực lượng chủ lực hoạt động trong lĩnh vực phê bình điện ảnh hiện nay là báo chí và chủ yếu đáp ứng nhu cầu của công chúng về mặt thông tin. Các bài viết thường nhận xét tập trung vào phần văn học của tác phẩm điện ảnh, giới thiệu các gương mặt nổi bật, thiếu phần bàn luận chuyên môn và định hướng sáng tác. 

Vì phê bình điện ảnh hời hợt, cầm chừng, thiếu chuyên nghiệp, không gắn với lý thuyết chuyên ngành nên ít tác dụng đối với đời sống điện ảnh của đất nước. Chưa kể có những bài báo, do không đủ tri thức đã đưa ra những nhận định mâu thuẫn, trái ngược nhau, gây phức tạp dư luận. 

Trên các trang mạng xã hội không ít bài viết cẩu thả, thiếu kiến thức, thậm chí thể hiện xu hướng lệch lạc, bài bác truyền thống văn hóa dân tộc, cổ vũ học đòi lai căng. Điều đó cho thấy tình trạng trì trệ, chậm trễ, bị động và một phần bất lực của hoạt động phê bình phim.

Để chỉnh đốn, phát triển thực chất hoạt động phê bình phim chuyên nghiệp cũng như phê bình phim công luận, cần đặc biệt quan tâm đến đội ngũ làm phê bình điện ảnh. 

Ngoài đẩy mạnh đào tạo chính quy, chuyên ngành, nên tập hợp những “cây bút” hiện có theo những phương thức phù hợp và tăng cường hoạt động. Với phóng viên, cần mở các khóa bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ điện ảnh ngắn ngày, theo dạng thức thích hợp. Cần xây dựng hệ thống chuẩn giá trị thẩm mỹ phù hợp với thời đại ngày nay, đề cao tiêu chí bản sắc dân tộc cũng như tạo được tiếng nói chung với nhân loại. 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan quản lý văn hóa nghệ thuật các địa phương cần tăng cường bám sát hoạt động thực tiễn một cách kịp thời, xử lý rốt ráo các vướng mắc phát sinh, quản lý và hỗ trợ thiết thực cho hoạt động chuyên ngành cũng như công tác phê bình điện ảnh, PGS.TS Trần Luân Kim kiến nghị.

N.Nguyễn
.
.
.