Phát triển Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Bác

Chủ Nhật, 11/04/2021, 07:28
Đề án “Chiến lược phát triển ngành Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2035” vừa được UBND Thành phố Hồ Chí Minh thông qua mới đây. Trong đó, việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là một trong những nội dung cốt lõi để phát triển ngành Văn hóa thời gian tới.


Mang nét riêng của đất và người Nam Bộ

Những năm qua, để hướng tới xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, thành phố đã triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng nhiều hình thức phong phú.

Du khách tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện có hai cơ sở văn hóa đặc biệt gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bến Nhà Rồng (nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) và Nhà số 5 đường Châu Văn Liêm (Quận 5) được xếp loại di tích cấp thành phố và cấp quốc gia. Thế nhưng, không gian trong bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh còn khá hạn hẹp; kỹ thuật trưng bày, giới thiệu các tư liệu, hiện vật của Bác còn đơn sơ, chưa được nâng cấp và hiện đại hóa theo xu hướng bảo tàng thông minh.

Chị Nguyễn Lan Trang (quận Phú Nhuận) cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh chưa có Không gian văn hóa Hồ Chí Minh mang điểm nhấn và đặc trưng rõ nét. Ngoài Bảo tàng Hồ Chí Minh nằm ở vị trí gắn liền lịch sử, nếu muốn đến thăm, tìm hiểu những nơi Bác từng dừng chân hay những không gian văn hóa gắn liền với Bác thật sự chưa nhiều, nếu không muốn nói là hiếm hoi. Vì vậy, Thành phố nên lập thêm những không gian văn hóa mở, ở nhiều khu vực khác nhau để thu hút người dân, đặc biệt những người trẻ.

Tương tự, anh Trương Minh Trí (quận Bình Thạnh) bày tỏ, Thành phố nên có thêm nhiều chương trình nghệ thuật, nhất là các chương trình mang tính định kỳ, được biểu diễn tại các sân khấu công cộng. Với sự phát triển của công nghệ, việc tạo nên những chương trình mang tính trực quan, sinh động, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống, sân khấu thực cảnh. Đó không chỉ đơn giản là những chương trình nghệ thuật để khán giả được xem, được nghe mà còn mang đến cho họ cơ hội trải nghiệm, tương tác, đưa họ về với không gian của quá khứ, lịch sử.

Đạo diễn, Nghệ sỹ ưu tú Hoa Hạ - người có kinh nghiệm hơn 40 năm làm các chương trình văn hóa, nghệ thuật cho rằng, để xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, thành phố cần thiết phải có hàng loạt thiết chế văn hóa tương xứng trong khi không gian văn hóa biểu diễn trong rạp hiện tại mới chỉ có Nhà hát Thành phố. 

Theo đó, nhằm phát huy sức lan tỏa của các chương trình nghệ thuật rộng rãi đến công chúng, nhất là với người trẻ, nên chọn không gian văn hóa ngoài trời như phố đi bộ Nguyễn Huệ, có thể tổ chức các chương trình ít nhất mỗi quý một lần, nhưng phải duy trì thường xuyên, định kỳ. 

Mỗi năm, các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa xây dựng rất nhiều chương trình, kịch mục đa dạng, nhiều phong cách, vậy nên có thể chọn lựa chương trình nào thật sự chất lượng và hấp dẫn để tổ chức biểu diễn tại không gian văn hóa này hoặc có thể xây dựng các chương trình nghệ thuật theo chủ đề…

Bên cạnh đó, điều quan trọng hơn cả là lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh phải có định hướng rõ ràng, cụ thể, mang tính chiều sâu, chiến lược, lâu dài, trong xây dựng và phát triển Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, tạo nên những địa điểm thưởng thức văn hóa nghệ thuật miễn phí, thường xuyên, cố định, phục vụ cộng đồng.

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Ngọc Anh, Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều không gian văn hóa công cộng hiện nay đã phát huy được công năng như phố đi bộ Nguyễn Huệ, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh… Tuy nhiên, những con đường, phố đi bộ này cần tìm cách để không gian văn hóa ấy có nét riêng của người Nam bộ, của thành phố mang tên Bác. Để thành phố thêm phần cuốn hút, tạo được động lực, phải tìm ra những nét riêng của thành phố, tạo những sản phẩm văn hóa đặc thù Không gian văn hóa Hồ Chí Minh như sự năng động, cởi mở, hiện đại, văn minh và nét nghĩa tình phải nổi lên. Theo đó, nghĩa tình người Nam bộ nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trong các không gian công cộng cần được thể hiện rõ nét là sự cởi mở, gần gũi…

Tạo sự chuyển biến về mặt nhận thức

Nhằm phát triển Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia về văn hóa cho rằng, Thành phố cần đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất, bộ máy quản lý văn hóa, sự phát triển các lĩnh vực văn hóa để có chính sách đột phá cho từng lĩnh vực theo chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, khi thông tin đề án chiến lược được thông qua, nhiều đơn vị, cá nhân hoạt động trong ngành Văn hóa vui mừng, bởi đây là một trong những bước tạo tiền đề cho các thiết chế văn hóa được chú ý, phát triển hơn, giúp ngành Văn hóa tiếp tục có những bước chuyển mình đáng kể.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, trong quá trình xây dựng và phát triển ở Thành phố Hồ Chí Minh, việc xây dựng một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là điều cần thiết. Tuy nhiên, để phát huy được hết vai trò cũng như giá trị của không gian trong không gian văn hóa công cộng ở Thành phố Hồ Chí Minh, trước hết cần có một bản đồ quy hoạch cụ thể và hợp lý về không gian, chia ra những khu vực cố định và khu vực thay đổi linh hoạt. Từ đó, xây dựng Hội đồng chuyên môn có sự liên kết và đồng bộ giữa mỹ thuật, kiến trúc, quy hoạch… Hội đồng chuyên môn thẩm định các tác phẩm trưng bày công cộng sẽ đưa ra phác thảo thiết kế phù hợp đặt ở những không gian trang trọng, vừa mang tính thẩm mỹ, vừa mang lại hiệu quả tuyên truyền, giáo dục về văn hóa, lịch sử… Ở những không gian thay đổi linh hoạt, Hội đồng cũng kiểm duyệt các tác phẩm trước khi trưng bày để phát huy tối đa giá trị nghệ thuật, đảm bảo nhu cầu thưởng thức cho người dân.

Cùng có ý kiến trên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Ngọc Anh cho rằng, với việc đề án chiến lược được thông qua, trong thời gian tới, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ trở thành niềm tự hào của thành phố. Theo đó, những hình ảnh, hiện vật về cuộc đời của Bác phải được thể hiện sâu sắc, ấn tượng và đến gần hơn với người dân, nếu chưa làm được hết các quận, huyện phải thực hiện ở khu vực trung tâm thành phố. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là một bức tượng ngoài không gian công cộng hay vài ba tác phẩm văn học nghệ thuật… mà còn tổng hòa nhiều yếu tố, hướng đến hình thành lối sống nơi con người Thành phố Hồ Chí Minh, mang đậm chất văn hóa Hồ Chí Minh…

Theo nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo, việc làm cho môi trường sống thành phố chứa đầy giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hình thành “Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh”, làm cho nét đẹp văn hóa, con người Hồ Chí Minh thấm sâu hơn nữa vào con người thành phố và trở thành nguồn sức mạnh đặc thù của con người thành phố là vấn đề lớn. Tuy nhiên, cần tạo cho được sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị, toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và trong mỗi người dân, để tất cả cùng nhau kiến tạo thành công “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, góp phần xây dựng, bồi đắp, phát huy những phẩm chất tốt đẹp, đặc trưng con người Thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới.

Thu Hương
.
.
.