Phát huy nghệ thuật Bài Chòi trong phát triển du lịch ở Hội An
- Nghệ thuật Bài Chòi Việt Nam trở thành DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại
- Cặp vợ chồng “xứng” đôi của dân ca kịch bài chòi miền Trung
- Về phố cổ Hội An nghe hát bài chòi
Từ rất lâu, cũng như các địa phương ở Quảng Nam và các tỉnh miền Trung, người dân Hội An đã tiếp cận qua truyền miệng, qua sinh hoạt cộng đồng nghệ thuật Bài Chòi và trò chơi dân gian Bài Chòi, một loại trò chơi tao nhã vào mỗi dịp lễ Tết, khi mỗi độ xuân về.
Khoảng nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, tại TP Hội An, trò chơi Bài Chòi được các vị cao tuổi đứng ra dựng chòi và tổ chức cho người trong xóm, trong làng vui chơi; chỉ hô những câu ngắn gọn được lấy từ ca dao, tục ngữ và do các nghệ nhân sáng tác hoặc ứng tác. Tuy nhiên, từ giữa thập niên 1990 đến nay, nghệ thuật ca hát Bài Chòi là thế mạnh của phong trào văn nghệ, sinh hoạt văn hóa của Hội An; được người dân yêu thích, được lớp trẻ hào hứng kế thừa.
Đặc biệt, từ tháng 9-1998, TP Hội An đã bắt đầu đưa trò chơi Bài Chòi vào lễ hội “Tái hiện đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ XX”. Và chính “Đêm phố cổ”, nhờ vào điều kiện không gian kiến trúc, không gian ánh sáng đặc trưng phố cổ, nhờ vào lượng người dân và du khách đến với lễ hội ngày càng đông đảo nên trò chơi Bài Chòi đã thực sự sống dậy ở nội thị và đã thành định kỳ tổ chức ở các thôn, các khối phố mỗi dịp Tết đến, xuân về. Đến nay, có thể nói, nghệ thuật Bài Chòi, trò chơi Bài Chòi đã thật sự là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần, là sản phẩm du lịch của Hội An ngày càng sôi nổi.
Một tiết mục hô hát Bài Chòi trong chương trình “Đêm phố cổ” tại Hội An. |
Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao TP Hội An, cho biết nghệ thuật hô, hát Bài Chòi là bộ môn không thể thiếu trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật diễn ra thường xuyên ở thành phố, các xã phường, các trường học, doanh nghiệp. Đồng thời, nhiều năm nay, nghệ thuật hô, hát Bài Chòi đã trở thành là môn học chính thức trong các trường THCS trên địa bàn TP Hội An.
Chưa dừng lại ở đó, trò chơi Bài Chòi Hội An đã vươn ra ngoài biên giới Hội An để đi giao lưu với nhiều tỉnh, thành phố trong nước như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Quảng Ninh, Thanh Hóa,… Đặc biệt, Bài Chòi Hội An đã có 9 lần xuất ngoại giao lưu tại 7 quốc gia Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Italia, Hungary, Nhật Bản.
Theo ông Võ Phùng, để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài Chòi, nhiều năm qua, Trung tâm Văn hóa Thông tin TP Hội An phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến trong quần chúng nhân dân về nghệ thuật Bài Chòi. Bên cạnh, tại TP Hội An, các đoàn thể, ngành Giáo dục và các xã phường cũng thường xuyên tổ chức hội thi, liên hoan chuyên đề dân ca Bài Chòi, thi hô hát Bài Chòi.
Để tạo các lớp kế cận trong trình diễn nghệ thuật Bài Chòi, Hội An rất chú trọng đến khâu đào tạo, thu hút thế hệ trẻ đến với nghệ thuật Bài Chòi. Từ năm 2004, thành phố đã đưa dân ca Bài Chòi vào trường học. Theo đó, mỗi năm học sẽ tổ chức dạy hát dân ca theo dạng cuốn chiếu cho 2 trường THCS vào thứ hai hằng tuần. Giáo viên là các diễn viên của Trung tâm.
Và từ năm 2011 đến nay, thành phố tiếp tục mở lớp học hát dân ca Bài Chòi hằng đêm tại hoạt động “Đêm phố cổ” trong khu phố cổ cho 2 trường THCS ở nội thị. Mỗi đêm, có 20-30 em học sinh của 1 hoặc 2 lớp đến học hát; mỗi em sẽ tham gia lớp học 1 đêm/ tuần. Tại lớp học này cũng sẵn sàng đón khách du lịch tham gia học hát nhằm ngoài mục đích bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài Chòi, còn là một sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn tại khu phố cổ.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, thông tin thêm: Ở Hội An hiện có không dưới 10 đội, nhóm hô, hát Bài Chòi từ thành phố đến cơ sở; thường xuyên được tham gia vào hơn 30 chương trình lễ hội hằng năm, tạo nên tính khác biệt của lễ hội ở Hội An, Quảng Nam.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính vừa qua, nghệ thuật Bài Chòi đã được sử dụng làm “món ăn tinh thần” trong các chương trình lễ hội, tạo dấu ấn tốt đẹp đến du khách quốc tế đến với Hội An. Sở dĩ nghệ thuật Bài Chòi Hội An không ngừng được phát triển và được công chúng yêu thích vì trên cơ sở làn điệu cổ, các nghệ nhân Bài Chòi Hội An đã biến tấu để có thể truyền tải được các sự kiện nóng mang tính thời sự như về sự tự do, quyền con người, về những sự kiện được đông đảo công chúng quan tâm...
“Nghệ thuật dân ca Bài Chòi ở Hội An vừa là di sản, là sản phẩm tinh thần của nhân dân vừa là 1 sản phẩm du lịch văn hóa. Do đó, chúng tôi tin rằng nó sẽ tiếp tục bám rễ và sống bền bỉ trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Hội An, trong hoạt động kinh tế mũi nhọn du lịch của thành phố”, ông Sơn nhấn mạnh.