Phát huy giá trị di tích Nhà D67

Thứ Ba, 28/04/2020, 07:48
Nằm trong di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, di tích cách mạng Nhà và hầm D67 từng là Cơ quan đầu não trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đến nay, di tích vẫn là một trong những chứng tích đặc biệt về lịch sử hào hùng của dân tộc, của thời đại Hồ Chí Minh.

Nơi họp bàn nhiều quyết sách quan trọng

Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, từ năm 1968 – 1975, Nhà và hầm D67 là Tổng Hành dinh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đây cũng là nơi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương họp và đưa ra các quyết sách quan trọng, giành những thắng lợi lớn, quyết định trên chiến trường, đặc biệt là thắng lợi của chiến dịch “12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 và chuỗi các chiến dịch quan trọng trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Tại Tổng Hành dinh, chỉ trong khoảng 75 ngày (8/1/1975 - 25/3/1975), Bộ Chính trị đã 3 lần thay đổi quyết sách chiến lược đối với nhiệm vụ giải phóng miền Nam. Đó là vào cuối năm 1974, đầu năm 1975, trong tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ ngày 18/12/1974 – 8/1/1975) đã bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Bộ Chính trị đề ra kế hoạch hai năm 1975 - 1976, nhưng nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Ngay trong thời gian diễn ra hội nghị, với sự đồng ý của Bộ Chính trị, cách mạng miền Nam đã mở chiến dịch giải phóng Phước Long.

Di tích Nhà D67 hiện nay.

Đây là một tỉnh nằm sâu trong vùng kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng hòa; có vị trí chiến lược, bảo vệ từ xa đối với Sài Gòn. Ngày 6/1/1975, Phước Long - tỉnh đầu tiên tại miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Chiến thắng này có ý nghĩa quan trọng về mặt “trinh sát chiến lược” của Bộ Chính trị đối với cách mạng miền Nam trong giai đoạn tiếp theo.

Thứ nhất là thăm dò được khả năng chiến đấu của quân đội Việt Nam Cộng hòa sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam theo Hiệp định Paris. Chiến thắng này cũng cho thấy, Mỹ không có khả năng đưa quân đội trở lại tham chiến tại Việt Nam.

Ngày 18/3/1975, khi chiến dịch giải phóng Tây Nguyên chuẩn bị toàn thắng, tại Tổng Hành dinh, Bộ Chính trị họp mở rộng. Bộ Chính trị nhận định: Tình hình đang chuyển biến rất nhanh, quân đội Việt Nam Cộng hòa suy yếu rõ rệt; chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc tổng tiến công chiến lược. Đặc biệt, Bộ Chính trị hạ quyết tâm “Giải phóng miền Nam trong năm 1975”, không chờ đến năm 1976.

Ngày 25/3/1975, khi Huế chuẩn bị được giải phóng, quân đội Việt Nam Cộng hòa rút chạy về co cụm tại Đà Nẵng. Tại Nhà D67, Bộ Chính trị nhanh chóng tổ chức Hội nghị mở rộng. Hội nghị đã nhận định thời cơ chiến lược đã tới, một ngày bằng 20 năm, nắm vững thời cơ, hành động nhanh chóng, táo bạo, bất ngờ, giải phóng miền Nam trước mùa mưa (tháng 5) năm 1975.

Đặc biệt, để phù hợp với tình hình, Tổng Hành dinh đã chỉ đạo thay đổi phương châm tác chiến: Từ “Táo bạo, bất ngờ, kịp thời, chắc thắng” (18-3-1975) sang “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” (31/3/1975). Những sự chỉ đạo linh hoạt, kịp thời đó đã huy động tổng lực sức người, sức của của toàn dân tộc làm nên sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phát huy giá trị di tích

Hiện nay, di tích Nhà và hầm D67 không chỉ được bảo tồn như một chứng tích vật chất về một thời kì lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn liên tục được quảng bá đến đông đảo quần chúng nhân dân.

Theo bà Kim Yến, cán bộ truyền thông của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, sau 45 năm, Nhà và hầm D67 đã trở thành di tích cách mạng đặc biệt quan trọng trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Đến thăm di tích, khách tham quan xúc động khi được xem lại rất nhiều hình ảnh, hiện vật của sở chỉ huy năm xưa, nơi làm việc của Bộ thống soái tối cao, trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mỗi tấm bản đồ, mỗi chiếc ghế ngồi, điện thoại làm việc đều gợi nhớ về một thời oanh liệt, về những năm tháng khó khăn, cam go và cả những giây phút hào hùng của dân tộc trong niềm vui chiến thắng.

Nhằm tiếp tục phát huy giá trị của di tích đặc biệt này, chỉ riêng dịp kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020), Trung tâm phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức nhiều hoạt động đặc biệt. Để tận dụng những ưu thế từ sự phát triển của mạng internet và công nghệ, tránh những trở ngại từ đại dịch COVID-19, lần đầu tiên, tour tham quan ảo 360 độ tại di tích và trưng bày triển lãm online với chủ đề “Thần tốc - Táo bạo - Bất ngờ - Chắc thắng” được giới thiệu tới công chúng. Triển lãm trưng bày 120 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, theo 3 chủ đề chính: Quá trình chỉ đạo chuẩn bị mọi mặt cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975; nét đặc sắc trong chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 “Thần tốc - Táo bạo - Bất ngờ - Chắc thắng”; “Niềm vui chiến thắng”.

Dịp này, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long còn áp dụng ứng dụng phần mềm QR CODE trong hoạt động trưng bày, phục vụ khách tham quan. Phần mềm được tích hợp với ứng dụng trên điện thoại smart phone, hỗ trợ du khách trong việc tìm hiểu thêm những giá trị tiêu biểu của di tích và các tài liệu đang trưng bày.

Trong đợt đầu, ứng dụng được áp dụng với 10 hiện vật tiêu biểu về các hoạt động của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng làm việc tại D67, trong giai đoạn 1967 - 1975. Tuy nhiên, để phục vụ hiệu quả nhu cầu của du khách, ứng dụng phần mềm QR CODE nói riêng và ứng dụng công nghệ nói chung cho hoạt động trưng bày, triển lãm sẽ được Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.

Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Công ty CP Sách Omega Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới biên soạn ấn phẩm đặc biệt: “Cơ quan Tổng hành dinh (D67): Chứng tích thời đại Hồ Chí Minh”. Sách sẽ được phát hành qua các trang web sách online.

N.H
.
.
.