Phải kiểm duyệt chính mình

Chủ Nhật, 25/03/2018, 13:16
Liên tục trong những ngày qua, dư luận đã được chứng kiến nhiều vụ việc ồn ào có liên quan đến mạng xã hội. Vấn đề đặt ra: Vậy ai đang kiểm duyệt tính xác thực từ những thông tin trên mạng xã hội?

Liên tục trong những ngày qua, dư luận đã được chứng kiến nhiều vụ việc ồn ào có liên quan đến mạng xã hội. Nếu như ý kiến rằng trong thời đại ngày nay, tất cả mọi việc làm, hành vi của các tổ chức, cá nhân đều được soi chiếu cặn kẽ thông qua các trang mạng xã hội nhận được sự đồng tình của nhiều người thì có một vấn đề khác nóng bỏng không kém đang được đặt ra: Vậy ai đang kiểm duyệt tính xác thực từ những thông tin trên mạng xã hội?

Mạng xã hội facebook hiện có hơn 2 tỷ người dùng truy cập mỗi tháng. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 7 về số người dùng facebook với hơn 60 triệu người. Nếu như thông tin trên các trang báo chí chính thống đều phải trải qua quá trình kiểm duyệt nghiêm ngặt thì đối với các trang mạng cá nhân, thông tin được đăng tải một cách hết sức thoải mái. Vì được xem là các trang cá nhân nên bất cứ thông tin nào cũng được người dùng tung lên mạng xã hội tùy theo sở thích. 

Tuy nhiên mặc dù là trang cá nhân nhưng với đặc tính trên không gian mạng rộng lớn những thông tin được cập nhật, chia sẻ trên face book ngay như gần lập tức đến được với nhiều người trên cộng đồng mạng tùy sức nóng, độ hot của thông tin được đăng tải.

Không thể phủ nhận tính tích cực của mạng xã hội, trong đó bên cạnh tác dụng gia tăng sự giám sát, phản biện xã hội thì facebook hiện cũng như con dao hai lưỡi mà ngay bản thân người sử dụng nếu không cẩn trọng cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Thời gian vừa qua, dư luận xôn xao trước những thông tin được lan truyền trên mạng xã hội về trường hợp tử vong do sinh con “thuận tự nhiên”.

Những thông tin thất thiệt, thiếu căn cứ được xuất phát từ một tài khoản facebook lan truyền một cách chóng mặt khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc xác minh và dư luận hết sức hoang mang. 

Ngày 19-3 vừa qua, Bộ Y tế đã phải có công văn đề nghị Bộ Công an và các đơn vị chức năng vào cuộc điều tra, xác thực các trường hợp sinh con theo phương pháp “thuận tự nhiên” được đăng tải trên mạng đồng thời xử lý các tập thể, cá nhân theo quy định của pháp luật trong việc đăng tải thông tin thất thiệt, phản khoa học. 

Cũng liên quan đến những thông tin thất thiệt tương tự, Sở Thông tin và Truyền thông Bến Tre vừa ra quyết định xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với Nguyễn Minh Chánh, chủ tài khoản fanpage “Tin Tức Bến Tre” về hành vi đăng tin sai sự thật lên mạng xã hội gây hoang mang dư luận. 

Trước đó ngày 14-3, trên fanpage này, Nguyễn Minh Chánh đã đăng tin thất thiệt về “Vụ sát hại em bé 4 tuổi ở Giồng Trôm…”. Tại cơ quan chức năng thì chủ tài khoản này cho biết thông tin nêu trên anh ta được nghe lại từ một anh bạn và sau đó không cần kiểm chứng đã lập tức tung lên mạng để thu hút gây xôn xao dư luận. Điều đáng nói là tài khoản fanpage này có tới hơn 30.000 lượt người theo dõi… 

Gần đây nhất trên mạng xã hội cũng xôn xao về những thông tin liên quan đến mối quan hệ không trong sáng của một cán bộ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên  ngày 22-3, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành xác minh và khẳng định những thông tin trên mạng xã hội có nội dung bịa đặt để phát tán với động cơ, mục đích xấu…

Không thể thống kê hết những thông tin không chính xác, thiếu căn cứ thậm chí là bịa đặt được đưa lên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc, gây hoang mang dư luận. Từ những thông tin thổi phồng về tình trạng bắt cóc trẻ em, đến những thông tin thất thiệt về các loại sản phẩm cây trái nông nghiệp gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân…mặc dù là thông tin thiếu căn cứ nhưng sau khi đưa lên mạng đã có hàng ngàn lượt người xem vào like và chia sẻ gây bức xúc trong dư luận.

Lời nói như mũi tên phóng đi không thu về được. Hậu quả là khôn lường không thể cân đong đo đếm. Thử tưởng tượng với một số lượng lớn người tham gia facebook như trên mà ai cũng sẵn sàng tung lên facebook, bình luận, chia sẻ bất cứ những thông tin gì trên mạng xã hội chẳng cần biết độ thực hư, chính xác  đến đâu thì môi trường mạng sẽ hỗn loạn biết nhường nào.

Dĩ nhiên để ngăn chặn những thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự tổ chức, cá nhân, hiện cơ quan chức năng cũng đã đưa ra những quy định để xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm. Tuy nhiên để xây dựng được một xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật, dứt khoát phải được bắt đầu từ ý thức, vai trò của từng cá nhân. 

Và để mạng xã hội phát huy được hết sự tích cực của nó, hạn chế được những hệ lụy tiêu cực từ những thông tin thiếu căn cứ thì mỗi cá nhân khi bấm like, bình luận và chia sẻ những thông tin từ mạng xã hội phải luôn biết tự kiểm duyệt chính mình. Dưới mỗi click chuột, không đơn giản là những status mà nhiều khi đó là cả danh dự, nhân phẩm thậm chí là tính mạng người khác.

Lam Giang
.
.
.