Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch:

Nửa thế kỷ luôn in đậm bóng Người

Thứ Ba, 03/09/2019, 07:58
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc tại nhiều nơi, nhưng Phủ Chủ tịch tại Hà Nội là nơi gắn bó với Người lâu nhất. Đây cũng là nơi để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, kỷ niệm thiêng liêng về Người.


Sau nửa thế kỷ kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về cõi vĩnh hằng, nơi ở và làm việc của Bác trong Phủ Chủ tịch vẫn là một trong những địa chỉ được đông đảo nhân dân trong nước và du khách quốc tế tìm đến, vừa để tìm hiểu, vừa thể hiện lòng thành kính Người.

Phó phòng Truyền thông của Khu di tích, bà Nguyễn Thị Điệp cho biết, 50 năm qua, Khu di tích đã đón trên 80 triệu lượt khách. Mỗi dịp lễ, di tích đều đón từ 15.000 đến 20.000 lượt người mỗi ngày. Thông thường, du khách viếng Lăng Bác trước rồi mới tham quan nơi ăn, ở của Bác lúc sinh thời, từ nửa buổi sáng đến cuối ngày, lượng khách mới tăng cao.

 Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ trở về Thủ đô Hà Nội. Với mong muốn đảm bảo điều kiện làm việc tốt nhất cho Bác, Trung ương Đảng, Chính phủ mời Bác về ở và làm việc tại Phủ Toàn quyền Đông Dương cũ nhưng Người đã khước từ. Ngày 16-12-1954, sau khi tiếp Tổng Đại diện Chính phủ Pháp J.Sainteny tại Phủ Chủ tịch, Bác đi khảo sát một vòng khu vực Phủ Toàn quyền, dừng lại trước ngôi nhà nhỏ cạnh bờ ao. Đây vốn là nơi ở của người phục vụ. Bác đề nghị quét dọn căn nhà này và ngày 19-12-1954, Người chính thức về sống và làm việc trong khu vực này. 

Ngôi nhà nhỏ được gọi là Nhà 54. Dinh Phủ Toàn quyền được gọi là Phủ Chủ tịch. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì các phiên họp Hội đồng Chính phủ, hoạch định đường lối chiến lược cho hai miền Nam - Bắc, đồng thời là nơi diễn ra những hoạt động đối nội và đối ngoại của Bác trên cương vị là người đứng đầu Đảng, Nhà nước. 

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nơi ở và làm việc của Người được Đảng, Nhà nước quyết định gìn giữ lâu dài. 50 năm qua, Khu di tích này là “địa chỉ đỏ”, hội tụ tình cảm của nhân dân trong nước, kiều bào và bạn bè quốc tế. Dịp lễ Quốc khánh 2-9 năm nay là một trong những khoảng thời gian cao điểm đón khách đến Di tích. Hướng dẫn viên Lệ Thủy cho biết, để đảm bảo hoạt động thông suốt, những ngày này, phần lớn các khâu công tác trong khu di tích đều phải vận hành từ 6h sáng.

Thông thường, các đoàn khách phải có đăng ký trước, Ban quản lý mới kịp bố trí người hướng dẫn. Toàn khu di tích có 15 hướng dẫn viên thì cả 15 người đều hoạt động hết công suất, tăng ca kíp, có mặt từ sáng sớm đến tận thời khắc các đoàn khách cuối cùng ra về.

Nơi ở và làm việc của Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch.

Ông Nicolas Houzelot, quyền Giám đốc Lưu trữ Quốc gia Pháp chia sẻ: “Tôi thật vui mừng và vinh dự khi được có mặt ở đây trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi Chủ tịch của các bạn đã sống và làm việc trong suốt 15 năm cuối đời. Thật tiếc khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa kịp chứng kiến ngày thống nhất đất nước.

Có mặt tại đây, nơi đang tái hiện lịch sử Việt Nam thế kỷ XX, tôi thực sự kính trọng Người đã dẫn dắt cuộc chiến để giành độc lập và thống nhất đất nước, kính trọng những người đã ngã xuống để giải phóng dân tộc.

Trong suốt 50 năm nay, các bạn đã rất nỗ lực để giữ nguyên vẹn tất cả những đồ vật này, biến nơi này trở thành điểm đến ấn tượng và biểu trưng cho những con người Việt Nam, để bạn bè quốc tế có thể đến và bày tỏ những tình cảm sâu sắc đối với sự nghiệp của nhà lãnh đạo vĩ đại của các bạn”…

Rất nhiều đoàn học sinh, sinh viên, cựu chiến binh từ nhiều tỉnh, thành cũng tập trung về. Những chồng sổ ghi cảm tưởng của du khách ngày một dày hơn. Nhiều dòng chữ đã vương màu thời gian, nhiều trang viết còn rất mới. Người viết nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần, nhiều quốc gia, dân tộc, nhưng tất cả đều giống nhau ở một điểm chung nhất. Đó là tấm lòng, tình cảm, sự kính trọng vô bờ đối với Bác.

Tất bật đón, phục vụ du khách, nói về Bác, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc khu Di tích Phủ Chủ tịch xúc động nhắc chúng tôi: “Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng đa dạng và phong phú, thấm đẫm trong toàn bộ cuộc đời cao đẹp, sự nghiệp vĩ đại của Người, tỏa sáng trong tư tưởng, tác phẩm, trong từng việc làm, cử chỉ và mối quan tâm sâu sắc, ân cần đối với con người, đất nước và nhân loại.

Mỗi di tích, mỗi tài liệu hiện vật trong Di tích chứa đựng nội dung lịch sử khác nhau nhưng đều là những minh chứng thuyết phục về chiều sâu tư tưởng, phong cách, đạo đức, lối sống cao đẹp và cống hiến to lớn của Người cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế…

Sự hiện diện của đông đảo nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế biểu thị cho lòng kính yêu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tình cảm tốt đẹp của nhân dân và bạn bè quốc tế dành cho Khu Di tích của Người, công tác giữ gìn và lan tỏa di sản Hồ Chí Minh sẽ góp phần tích cực vào việc lưu giữ, lan tỏa việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Ngọc Nguyễn
.
.
.