PGS.TS, nhà văn, nhà phê bình Ngô Văn Giá:

Nói thêm về ông “vua truyện ngắn” Nguyễn Huy Thiệp

Thứ Hai, 22/03/2021, 09:06
Ngày 20/3, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp về cõi vĩnh hằng, để lại một sự nghiệp văn học rực rỡ. Tuy nhiên, không hẳn bạn đọc nào yêu mến ông cũng hiểu nhiều về cuộc đời, sự nghiệp của ông, như chữ dùng của Nhà xuất bản Trẻ giới thiệu về Nguyễn Huy Thiệp trong tủ sách “Mỗi nhà văn một tác phẩm” là “vua truyện ngắn” ở Việt Nam đương thời.


Câu chuyện PGS.TS, nhà văn, nhà phê bình Ngô Văn Giá (nguyên Trưởng khoa Viết văn – Báo chí, Trường Đại học Văn hóa, Hà Nội), một trong số những người gắn bó lâu năm với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, chia sẻ với chúng tôi ngày 21/3 hy vọng sẽ góp phần khắc họa rõ nét thêm chân dung ông “vua truyện ngắn” của văn học Việt Nam đương đại.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Tôi quen nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng do cơ duyên. Khoảng chục năm tôi là Trưởng khoa Viết Văn, nay là Khoa Viết văn báo chí, Trường Đại học Văn hóa, trong chương trình giảng dạy có một nội dung quan trọng là mời các nhà văn nổi tiếng đến hướng dẫn bài tập sáng tác hoặc giảng dạy, nói chuyện với sinh viên. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là một trong số các khách mời. Suốt nhiều năm, chúng tôi đã mời ông đến nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm viết với các học viên.

Vào những năm 1988 – 1989, xã hội có nhiều luồng dư luận, trong đó có luồng dư luận phê phán nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gay gắt. Lúc đó tôi đang học cao học tại Đại học Sư phạm Hà Nội và cũng là một trong những người viết bài bênh vực nhà văn một cách rất hồn nhiên, vô tư nhưng cuối cùng ông lại nhớ. Từ đó, tôi có nhiều dịp gặp gỡ với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Không chỉ riêng tôi, mà nhiều người viết trẻ khác đều có ảnh hưởng từ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ông quý người làm văn chương, người trẻ, nên ngày càng thân nhau. Hơn nữa, nhà tôi cũng ở gần nhà của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, cách nhau chỉ hơn 1km nên tôi thỉnh thoảng đạp xe đến thăm, anh em trò chuyện rất thân tình.

Cũng vì gần gũi với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nên tôi biết cuộc sống của anh rất vất vả, mặc dù anh cũng xuất bản, tái bản sách nhiều lần, ở cả trong nước và nước ngoài. Mỗi lần in sách, anh có được ít tiền. Nhưng tiền nhuận bút anh nhận được chỉ như “gió vào nhà trống”. Trong khi đó, anh có cả một gia đình phải chăm lo. 

Vợ anh về hưu, lương rất thấp. Còn lương anh, nếu tôi nhớ không nhầm thì chỉ được hơn 2 triệu đồng. Trong số các con của anh, chỉ có người con lớn là họa sĩ kiếm sống được. Anh còn nuôi một người em của vợ có trí óc không bình thường… Vì thế, anh mang gánh nặng mưu sinh.

Trong đời văn của Nguyễn Huy Thiệp có khoảng 10 năm chói sáng, từ năm 1987 cho đến năm 1997. Trước năm 1987, trước Nguyễn Huy Thiệp, văn chương của ta cũng có những dấu hiệu đổi mới nhưng chưa thực sự trở thành thi pháp văn xuôi mới, chưa trở thành một ngôn ngữ truyện ngắn mới. 

Đến Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn làm mới tất cả. Nhà văn hiện diện như một sự đổi mới, dứt khoát, chói sáng, góp phần mạnh mẽ vào tiến trình đổi mới văn học của đất nước. Không ai làm văn chương lúc đó không ảnh hưởng từ trường đổi mới mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã đóng góp.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp hầu như chỉ làm văn xuôi. Tuy anh viết cả kịch, tiểu thuyết, tiểu luận, thậm chí cả thơ nữa, nhưng thành công nhất vẫn là truyện ngắn. Một số tiểu thuyết, như anh chia sẻ lúc sinh thời, là viết để kiếm tiền.

Đời văn Nguyễn Huy Thiệp thành công nhất với truyện ngắn. Hơn 60 truyện ngắn trong một đời văn, truyện nào cũng đáng kể, trong đó có hơn 20 truyện ngắn xuất sắc. Trong đó có những truyện ngắn, không chỉ là đỉnh cao trong sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, mà còn là đỉnh cao trong thể loại truyện ngắn của văn học Việt Nam hiện đại. Vì thế, tôi nghĩ, nếu không có Nguyễn Huy Thiệp thì nền văn học Việt Nam có khoảng trống rất lớn.

Gần chục năm nay, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gần như không viết nữa. Khi tôi hỏi, anh vẫn hay tâm sự là mình đã hết thời rồi. Đời sống văn học luôn luôn vận động, như cuộc sống vốn như thế và cần như thế. Rồi sẽ có những gương mặt lấp lánh khác trên văn đàn Việt Nam. Nhưng hiện nay, chưa có một gương mặt trẻ nào tương đương tầm vóc với Nguyễn Huy Thiệp thời ông còn sung sức.

Tôi biết anh đau yếu đã lâu và hiểu rằng, sinh - lão - bệnh - tử là quy luật của đời sống này. Nhưng nghe con trai lớn của anh là họa sĩ Nguyễn Phan Bách báo tin anh mất, tôi vẫn buồn và sốc.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ra đi, đối với làng văn Việt Nam, đây là khoảng trống lớn, không gì có thể bù đắp. Sự ra đi của anh là nỗi buồn, để lại sự hụt hẫng, nhưng mặt khác cũng giống như cái đẹp của nỗi buồn, để cho những người làm văn chương phải nghĩ lại về sự lao động nghệ thuật của mình, để cho bạn đọc thêm một lần suy ngẫm vì sao văn chương lại gắn bó và quan trọng với đời sống đến như vậy? Cho nên, sự ra đi của những tên tuổi lớn như Nguyễn Huy Thiệp là một nỗi buồn lớn nhưng là một nỗi buồn đẹp.

N.Hoa (ghi)
.
.
.