Nở rộ đào tạo âm nhạc không chuyên: Lộn xộn vì bỏ ngỏ quản lý?

Thứ Tư, 24/08/2016, 15:53

Chưa bao giờ hình thức đào tạo âm nhạc không chuyên lại hoạt động rầm rộ như hiện nay, nhưng việc thiếu kiểm soát hoạt động này đang bị cho là khá lộn xộn cả về chất lượng đội ngũ giảng dạy lẫn giáo trình, cơ sở vật chất.

Cùng nhìn nhận, đánh giá lại những mặt tích cực và tiêu cực của xã hội hóa đào tạo âm nhạc, đồng thời tìm hướng phát triển tốt hơn cho hoạt động đào tạo âm nhạc không chuyên, ngày 24-8, một buổi hội thảo đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý, người trực tiếp hoạt động giảng dạy tại các trường đào tạo âm nhạc trên cả nước. 

Hội thảo về xã hội hóa đào tạo âm  nhạc thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý, người giảng dạy âm nhạc trên cả nước

Trao đổi tại hội thảo, Giáo sư, tiến sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Ngô Văn Thành, nguyên Giám đốc Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam phản ánh: "Thực tế đời sống âm nhạc phổ thông đại chúng ở Việt Nam những năm gần đây chứng kiến sự bùng bổ và phát triển rất nhanh chóng của các hình thức xã hội hóa đào tạo âm nhạc. Với nhu cầu học nhạc của số lượng rất đông trẻ em trong các gia đình khá giả, học nhạc đã trở thành những phong trào lớn và là xu hướng phát triển rộng khắp trên đất nước. Các trung tâm đào tạo âm nhạc trực thuộc các Học viện, Nhạc viện, các trường Cao đẳng, Trung cấp đào tạo âm nhạc lần lượt xuất hiện. Các câu lạc bộ dạy nhạc của các nhà văn hóa, các trung tâm âm nhạc, hàng nghìn lớp dạy nhạc một thầy một trò ở khắp mọi nơi mọi chỗ."

Các hình thức xã hội hóa việc dạy và học âm nhạc đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển nền văn hóa nghệ thuật của đất nước. Số lượng trẻ em học nhạc, số lượng những cuộc thi ca hát, thi biểu diễn nhạc cụ, số lượng các tài năng nhỏ tuổi xuất hiện như những hiện tượng trong đời sống âm  nhạc ở nước ta đều tăng lên rất nhanh. Tuy nhiên, ở nước ta gần như không có bộ phận quản lý  chỉ đạo trực tiếp việc dạy, học nhạc ngoài công lập. Hoạt động đào tạo này của các cơ sở, cá nhân đều theo hướng tự phát, tự chủ tối đa cả về giáo trình lẫn hình thức, phương pháp sư phạm. Một số cơ sở dạy nhạc đã tham khảo giáo trình nước ngoài và biên soạn lại nhưng cũng có nơi học không theo một giáo trình nào…

Điều đáng nói là phần lớn các cơ sở chỉ chú trọng tới việc thu hút số lượng học sinh, giờ dạy học nhạc chủ yếu mang tính giải trí. Phương thức tổ chức thì “năng động” đến mức tùy tiện. Chất lượng giáo viên chưa được kiểm soát nên có những học sinh học vài năm vẫn chưa chơi được một bản nhạc nào, thậm chí chưa thể đọc các nốt nhạc.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định, từ trước khi có chủ trương xã hội hóa, việc giảng dạy âm nhạc phía Nam, nhất là TP Hồ Chí Minh đã rất đa dạng. Nếu không kể những cá nhân – “lò” dạy nhạc đã xuất hiện từ trước 1975 thì các tổ chức dạy nhạc tại các nhà văn hóa, câu lạc bộ ngay từ sau khi đất nước thống nhất đã là hình thức xã hội hóa. Hiện nay, nếu chỉ bàn đến số lượng thì xã hội hóa đào tạo âm nhạc vô cùng phát triển. Chỉ riêng những cơ sở dạy nhạc có số lượng từ 100 người trở lên tại thành phố đã có vài chục cơ sở. Chỉ cần lên mạng tìm sẽ thấy các khóa, lớp học nhạc vô cùng nhiều. 

Lâu nay, người học các chương trình,lớp học kiểu này thường đặt lòng tin vào tên tuổi của giảng viên, bạn bè giới thiệu hoặc… quảng cáo. Nhiều cơ sở còn kiêm luôn việc đào tạo diễn viên và lăng – xê thành ca sĩ, nghệ sĩ. Không ít người muốn nhanh chóng nổi tiếng đã theo học các lò đào tạo ít chất lượng và bị lừa gạt. Chưa kể, âm nhạc giải trí không tốn nhiều thời gian công sức đào tạo như âm nhạc kinh viện, dân tộc nhưng lại có thể giúp thu về lợi nhuận cho những người tham gia, từ người sáng tác đến biểu diễn, tổ chức biểu diễn khiến đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, đỉnh cao đứng trước “cận cảnh” đáng lo ngại…

Lý giải về tình trạng đào tạo âm nhạc không chuyên nở rộ như hiện nay, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Phúc Linh đến từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho rằng đây là kết quả tất yếu khi đời sống kinh tế phát triển, nhu cầu học nâng cao dân trí theo cách học mà chơi, chơi mà học ngày càng nhiều và lực lượng giảng dạy lại đang có nhu cầu cải thiện đời sống.

Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, hoạt động xã hội hóa đào tạo âm nhạc là cần thiết nhưng cần sự quan tâm kiểm soát chặt chẽ hơn của cơ quan quản lý cũng như hoàn thiện hơn về mặt hành lang pháp lý.

Riêng với hình thức đào tạo mang tính thương mại, các đại biểu đều đề nghị Nhà nước cần có quy định rõ ràng các điều kiện tối thiểu cho các cơ sở về trình độ tay nghề của đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất… Nếu cơ sở vi phạm cũng cần có cơ quan chức năng cụ thể xử lý và cần thêm các quy định chi tiết hơn trong việc xử phạt thì mới mong hoạt động đào tạo này giảm lộn xộn hơn trong thời gian tới.

Hoa Nguyễn
.
.
.