Nhớ nhà thơ tài hoa Phạm Tiến Duật
- Nhớ “Người ơi, người ở” và kỷ niệm với nhà thơ Phạm Tiến Duật1
- Tôi đã học từ anh Phạm Tiến Duật
- Nhớ Phạm Tiến Duật
Đông đảo các nhà văn, nhà thơ, bạn bè, người thân, độc giả yêu thơ Phạm Tiến Duật đã đến dự, cùng nhau ôn lại những ký ức về ông, một nhà thơ lớn trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.
Đã có rất nhiều tác phẩm, bài báo viết về nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhưng một trong những tác phẩm tôi nhớ nhất đó bài thơ “Thương anh” của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an) viết đúng ngày nhà thơ Phạm Tiến Duật qua đời cách đây 10 năm.
Đông đảo các nhà thơ, nhà văn, người yêu thơ cùng gia đình trong lễ kỉ niệm. |
Trở lại với lễ kỉ niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam xúc động bày tỏ: Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã ra đi được 10 năm, song những vần thơ đẹp của ông về người lính sẽ sống mãi. Lễ tưởng niệm là dịp để gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, những người yêu thơ tưởng nhớ về nhà thơ tài hoa; đánh giá về giá trị thơ ca, con người Phạm Tiến Duật.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, các thế hệ bạn đọc, trong đó có nhiều người rất trẻ, nhiều người sinh ra sau chiến tranh… đều ngợi ca, tưởng nhớ, xúc động khi đọc thơ Phạm Tiến Duật. Họ đã cảm nhận được vẻ đẹp, ý chí, khát vọng lớn lao của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc qua những câu thơ của Phạm Tiến Duật, của thế hệ nhà thơ đặc biệt đã làm tốt hai nhiệm vụ: Tôn vinh vẻ đẹp của ngôn ngữ thi ca và tôn vinh giá trị vĩnh hằng của văn hóa dân tộc-giá trị của hòa bình, độc lập, tự do.
Là người rất yêu thơ Phạm Tiến Duật, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, ông thuộc gần như tất cả các bài thơ của Phạm Tiến Duật. Ông nhấn mạnh, Phạm Tiến Duật là một trong những nhà thơ tiêu biểu thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Đặc biệt, ông là người làm mới thi ca thời chống Mỹ. Nhà thơ Trần Đăng Khoa lấy dẫn chứng: “Trong bài “Tiểu đội xe không kính”, Phạm Tiến Duật viết: “Không có kính không phải vì xe không có kính”. Đúng là chỉ có Phạm Tiến Duật mới viết như vậy, còn thời đó, không ai viết như vậy”.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ, thơ Phạm Tiến Duật có nhiều sáng tạo, đổi mới, trong đó có một dạng tấu nói, có một dạng văn xuôi đọc rất hấp dẫn, phù hợp với những năm tháng chiến tranh oai hùng ấy. Sau này, một loạt các nhà thơ tiếp bước nhà thơ Phạm Tiến Duật, làm giàu thêm văn thơ thời chống Mỹ nhưng hầu như không ai “qua” được Phạm Tiến Duật...
Tại buổi lễ, nhà văn Đỗ Chu, nhà thơ Trần Ninh Hồ, nhà thơ Trần Nhương… đã nhớ lại và chia sẻ những kỷ niệm, những phút giây quý giá được sống, làm việc, lại qua cùng nhà thơ Phạm Tiến Duật.
Bên cạnh đó, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu tham dự sự kiện đều đánh giá rất cao thơ của Phạm Tiến Duật, cho rằng thơ ông có nét riêng với giọng điệu sôi nổi, trẻ trung và rất sâu sắc. Nhiều bài thơ của ông đã được phổ nhạc thành bài hát trong đó tiêu biểu nhất là bài “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây”.
Nhà thơ Phạm Tiến Duật sinh năm 1941 ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm1964 nhưng sau đó không tiếp tục với nghề giáo mà quyết định lên đường nhập ngũ. Ông sống, chiến đấu và sáng tác rất nhiều tác phẩm thơ nổi tiếng trên tuyến đường Trường Sơn (8 năm trong tổng số 14 năm quân ngũ).
Năm 1970, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi thơ BáoVăn nghệ, Phạm Tiến Duật được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Chiến tranh kết thúc, ông về làm việc tại Ban Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam; là Phó trưởng Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam.
Các tập thơ đã xuất bản của nhà thơ Phạm Tiến Duật: Vầng trăng quầng lửa (1970), Thơ một chặng đường (1971), Ở hai đầu núi (1981), Vầng trăng và những quầng lửa (1983), Nhóm lửa (1996), Tiếng bom và tiếng chuông chùa (1997). Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001 và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2012.
Tháng 11-2007, ông được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì. Sinh thời, ông được ca tụng là “con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại”, “cây săng lẻ của rừng già”, “nhà thơ lớn nhất thời chống Mỹ”. Thơ ông thời chống Mỹ từng được đánh giá là “có sức mạnh của một sư đoàn”…