Nhiều thách thức trong bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

Thứ Ba, 04/10/2016, 08:54
Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều di sản văn hóa phi vật thể lớn của cả nước. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát huy lượng di sản lớn này, mặc dù Hà Nội đã triển khai nhiều kế hoạch bài bản, có chiều sâu nhưng công tác này vẫn đang gặp nhiều thách thức không nhỏ.

Sau 2 năm triển khai (2014 – 2015), đề án “Tổng kiểm kê, bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội” do Sở VH-TT Hà Nội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa đã được thực hiện ở toàn bộ 386 xã, 177 phường, 21 thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô.

Kết quả đã xác định, nhận diện 1.793 di sản văn hoá phi vật thể với nhiều loại hình khác nhau: ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội – tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian.

Căn cứ vào kết quả có được, Sở VH-TT Hà Nội đã đề xuất đưa 276 di sản văn hoá phi vật thể vào diện ưu tiên bảo vệ. Phần lớn các di sản ưu tiên bảo vệ đều nằm trong nhóm lễ hội (44,6%) và nghề thủ công (21,4%), nghệ thuật trình diễn (15,9%), tập quán xã hội (9,4%), tri thức dân gian (8,7%) và ít nhất là di sản truyền khẩu chỉ có 1 di sản, chiếm 0,4%.

Ngoài ra, 6 di sản thuộc 6 loại hình khác nhau cũng đã được các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa lập hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tương ứng với 6 nhóm này, 6 di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội đề nghị Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là những di sản đang có nguy cơ mai một hoặc biến đổi, bao gồm: Tiếng lóng Đa Chất (huyện Phú Xuyên), Hát Trống quân (ở Thường Tín, Phúc Thọ và Phú Xuyên), Bơi chải và Hội đình Lưu Xá (huyện Chương Mỹ), Hát và Múa Ải Lao (quận Long Biên), Nghề rèn Đa Sỹ (quận Hà Đông) và nghề chữa bệnh bằng thuốc nam của người Dao (huyện Ba Vì).

Và sau thành công của đề án “Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội”, Sở VH-TT Hà Nội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã cho lập bản đồ Di sản văn hóa phi vật thể TP Hà Nội, phản ánh hiện trạng toàn bộ 1.793 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê.

Việc kiểm kê không chỉ mang tính chất liệt kê danh sách, đếm số lượng di sản, mà quá trình kiểm kê cũng đã phát hiện một số thách thức không nhỏ đối với các di sản này. Ngoài ra, sự thu hẹp, biến đổi không gian văn hoá cũng dẫn đến quá trình biến đổi thực hành di sản.

Bên cạnh đó, những bất cập về nhận thức trong công tác quản lý cũng dẫn đến tác động làm sai lệch giá trị di sản. Mặt khác, nguồn nhân lực cho quản lý di sản rất thiếu, năng lực hạn chế, chưa có điều kiện đào tạo và tập huấn thường xuyên, trong khi nguồn tài chính hỗ trợ cộng đồng phục hồi, bảo tồn và trao truyền di sản cũng gặp nhiều khó khăn…

Vì vậy, đề án “Tổng kiểm kê, bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội” là một trong những chủ trương, việc làm hết sức đúng đắn và hiệu quả. Tuy nhiên, Hà Nội cần có thêm nhiều giải pháp tổng thể, đồng bộ mang tính chất dài hạn và có chiều sâu hơn nữa mới hi vọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể sẽ đạt được hiệu quả cao trong thực tiễn.

Cảnh Thảo
.
.
.