Nhiều cây, trái “độc, lạ” dịp Tết Mậu Tuất 2018

Thứ Hai, 04/12/2017, 09:41
Thời điểm này, hàng loạt nhà vườn tại ĐBSCL đang tất bật sản xuất vụ Tết cung ứng cho thị trường Tết Mậu Tuất 2018. Trong đó, phải kể đến nhiều cây giống, trái “độc, lạ” được nông dân ấp ủ trong năm qua chỉ mong được khách hàng đón nhận.


Năm nay, làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) dự kiến cung ứng khoảng 2 triệu giỏ hoa các loại cho thị trường hoa Tết. Đặc biệt, vụ hoa Tết này, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư trồng và tung ra thị trường nhiều giống hoa mới lạ.

Ông Trần Văn Tiếp (xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc), cho biết vụ hoa Tết này, ông chuẩn bị khoảng 40.000 giỏ hoa mới để cung ứng cho thị trường. Ngoài giống dưa ôn đới PePiNo vừa được trồng, ông còn tiếp tục đưa ra thị trường các giống mới khác như thạch thảo, hoàng oanh… Về giá cả, những dòng hoa mới bán rất có giá, giá có thể tăng lên 30% so với những dòng hoa cũ.

Nông dân Hồ Hữu Tài (ở phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc) cũng đang chuẩn bị hơn 1.000 giỏ hoa cúc Nhật, đây là giống cúc lần đầu tiên được trồng ở Sa Đéc với nhiều màu sắc khá bắt bắt. Ông Tài phấn khởi nói: “Cúc Nhật này mình trồng bán Tết chắc được nhiều khách hàng ưa chuộng vì nó mới có năm nay. Đây là loại dễ trồng và sức sống mạnh lắm”.

Chủ nhà vườn Sa Đéc (Đồng Tháp) tất bật với vụ Tết.

Anh Đặng Thanh Hải (ngụ khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông) đã đầu tư trồng trên 15.000 giỏ hoa cúc đồng tiền các loại. Đặc biệt, năm nay, anh còn mạnh dạn trồng thử 3.000 giỏ hoa cúc đồng tiền mini với 12 màu đặc trưng.

Giống hoa cúc đồng tiền mini này trước nay chỉ trồng thành công ở khí hậu ôn đới như Đà Lạt và đây cũng là lần đầu được trồng ở làng hoa Sa Đéc. Giống hoa này nhỏ gọn, có thể để bàn làm việc nên đang được thị trường ưa chuộng.

Ông Đỗ Văn Thậm, Trưởng phòng Kinh tế TP Sa Đéc cho biết đến thời điểm này, diện tích hoa kiểng trên địa bàn thành phố là hơn 510ha với trên 2.300 hộ sản xuất, kinh doanh hoa kiểng. Trong đó, có diện tích trồng hoa Tết chiếm trên 100ha.

Giá trị sản xuất hoa kiểng hàng năm của địa phương đạt khoảng 1.450 tỷ đồng, chiếm khoảng 60% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của thành phố.

Tại làng hoa Chợ Lách (Bến Tre), các nhà vườn cũng đang tất bật sản xuất, phục vụ thị trường Tết. Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách cho biết, dự kiến các hộ dân trồng hoa trong huyện sẽ cung ứng ra thị trường khắp nơi khoảng 8 triệu chậu hoa kiểng các loại. Ngoài những loại hoa kiểng truyền thống, kiểng thú hình 12 con giáp đang được các nhà vườn phát huy lợi thế, bởi nhu cầu thị trường các nơi rất ưa chuộng.

Riêng trái cây “độc, lạ” năm nay dự báo sẽ hạn chế nguồn cung do ảnh hưởng thời tiết, giá bán cũng cao hơn mọi năm. Theo ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm CLB sản xuất trái cây tạo hình ở ấp Phú Trí A (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), năm nay bưởi ra hoa sớm từ tháng 4 sẽ cho trái thu hoạch trước Tết.

Nhà vườn không thể chọn đợt trái này mà phải chọn đợt ra hoa từ tháng 6, trái không đẹp. Năm nay câu lạc bộ chỉ cung ứng khoảng 6.000 trái bưởi tạo hình (năm rồi 8.000 trái) gồm: bưởi tài lộc thư pháp, thỏi vàng, thỏi vàng đồng tiền.

Ông Nguyễn Văn Toản (nghệ nhân Năm Thoại, ngụ xã Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) được mệnh danh là “vua kiểng thú”. Trước đây, ông Năm Thoại chỉ làm, mua bán và chơi kiểng bonsai. Gần đây, giới chơi kiểng rộ lên chơi cây bông trang. Nghệ nhân này bắt tay tạo hình kiểng thú từ cây bông trang mang hình dáng 12 con giáp.

Kiểng thú dáng voi, hươu, chim, kỳ lân, tỳ hưu… “Xứ mình có nhiều nghệ nhân làm kiểng thú tài hoa, tạo hình trên cây si hay cây xanh. Những loại cây này không có bông hoặc nở một lần trong năm, còn cây bông trang thì có quanh năm, nên khi chế tác rất đẹp”, nghệ nhân Năm Thoại tâm đắc.

Là một trong những thanh niên trẻ khởi nghiệp, anh Huỳnh Thanh Tâm (ấp Phú Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), khá thành công với việc tạo hình, chữ thư pháp trên trái dừa. Dự kiến năm nay, anh Tâm sẽ tung ra thị trường khoảng 5.000 quả dừa tạo hình.

“Năm nay, mưa nhiều và kéo dài nên trái dừa dễ nứt nên khó khăn trong việc ép khuôn chữ. Do vậy, tỷ lệ tạo hình dừa khắc chữ hạn chế nên giá bán sẽ cao”, anh Tâm nói.

Anh Huỳnh Thanh Khoa (ngụ ấp Tân Phát, xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cũng thông tin, hiện đã có nhiều khách hàng tìm đến đặt hàng xoài in chữ thư pháp. “Thời tiết không thuận lợi, nên xoài cho trái thế nào chưa biết nên không nhận cọc.

Số lượng xoài in chữ làm theo đơn đặt hàng nên chưa biết cụ thể sản xuất bao nhiêu trái. Về giá cả, loại 1 chữ có giá khoảng 200.000 đồng, còn loại 2 chữ có giá khoảng 300.000 đồng”, anh Khoa nói  

Chủ nhà vườn Sa Đéc (Đồng Tháp) tất bật với vụ Tết.
Văn Vĩnh
.
.
.