Nhà văn Võ Bá Cường: Vẫn còn mắc nợ với những “hạt vàng” trong rừng sâu, núi thẳm

Thứ Hai, 19/02/2018, 13:29
Mặc dù sắp bước sang tuổi 78, nhà văn Võ Bá Cường vẫn miệt mài với những chuyến đi khắp mọi miền Tổ quốc để “gõ cửa” những số phận, để “cắm bản” ở những vùng đất mà ông sẽ tái hiện trong những trang viết ngồn ngộn chất sống.


Và trong hành trình xê dịch ấy, nhà văn Võ Bá Cường đã đến với lực lượng CAND như một cơ duyên, trở thành một trong số không nhiều nhà văn ngoài lực lượng CAND khá thành công với mảng đề tài này. 

Ông lặn lộn đến những nơi gian khổ nhất, khó khăn nhất của ngành để tìm những “hạt vàng” đang ẩn khuất nơi rừng sâu, núi thẳm. Bởi theo ông, cuộc đời cần lắm những “hạt vàng” này để đập tan những nghi ngờ, những cái nhìn méo mó về người chiến sĩ Công an trong đời sống đầy biến động và cám dỗ.

Nhà văn Võ Bá Cường. 

PV: Thưa nhà văn Võ Bá Cường, trước khi trở thành nhà văn, ông đã từng kinh qua rất nhiều công việc khác nhau. Những “đoạn trần” này đã giúp gì khi ông cầm bút viết?

Nhà văn Võ Bá Cường: Trước khi đến với văn chương, tôi đã từng làm rất nhiều nghề. Ban đầu là một anh lơ xe, rồi làm cán bộ địa chất. Sau đó, đi học sư phạm rồi ra đảo dạy học, viết báo. Năm 1957, tôi về công tác ở Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cẩm Phả, nay là Vân Đồn. Thời gian ở Cẩm Phả, tôi may mắn được tiếp xúc với nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Xuân Quỳnh… Cho đến năm 1971 thì về Hội Văn học - Nghệ thuật Thái Bình. Giai đoạn này, tôi được gọi là làm bếp núc cho văn nghệ địa phương. 

Chính vốn sống do được quăng quất vào nhiều công việc khác nhau đã thúc tôi cầm bút viết. Ban đầu tôi làm thơ, sau này thấy thơ khó chuyển tải hết được, tôi chuyển sang viết văn xuôi. Sau khi nghỉ hưu, tôi có nhiều thời gian hơn cho những chuyến xê dịch, tự do với những hành trình dài của mình, say với những nhân vật mà mình sẵn sàng “sống, chết”. Tất cả những đoạn đời này sau này đều được tái hiện đậm nét trong hồi ký “Thời tôi sống”.

PV: Nhắc đến nhà văn Võ Bá Cường, người đọc nghĩ ngay đến những chân dung nhân vật nổi tiếng nhưng ít nhà văn đụng chạm đến. Vì sao ông lại chọn con đường khó khăn này?

Nhà văn Võ Bá Cường:  Đúng là trong cuộc đời cầm bút, tôi chọn con đường đi khá vất vả, đó là viết về những người mà dường như ít ai dám động bút đến. Ai cũng muốn sự an toàn nhưng tôi nghĩ rằng, đã là nhà văn thì phải có trách nhiệm trước nhân dân, có thái độ trước đúng sai nên tôi đã dấn thân bênh vực những oan trái, bênh vực lẽ phải. 

Tôi đã chọn những nhân vật như là tướng Trần Độ, Nguyễn Hữu Đang, Tào Mạt… những người mà xưa nay những câu chuyện về chiến công và oan trái của họ ít người biết đến để viết và có muốn viết cũng không dễ. Tôi muốn có sự chân thực, có lẽ phải ở đời. Nhà văn phải dám dấn thân vào những nơi sóng gió, phải tung ném cuộc đời mình, dám “ngồi bệt xuống đất mà viết”. 

Tất nhiên, những người tôi viết đều là những nhân cách mà tôi vị nể, kính trọng. Gặp những con người như thế, không chỉ trái tim mình rung động đến tận tâm can, mà chính nhân cách mình cũng dần hoàn thiện. Mình phải thu xếp để sống không được tèm nhèm.

PV: Mặc dù là nhà văn “tay ngang” nhưng ông đã tạo dựng được một sự nghiệp khá đồ sộ với hàng chục tác phẩm, trong đó có gần 10 tác phẩm viết về lực lượng Công an, nhiều tác phẩm đoạt giải cao. Điều gì đã “đẩy đưa” ông gắn bó với mảng đề tài được cho là “khô cứng” này?

Nhà văn Võ Bá Cường: Khi có điều kiện tiếp xúc với những nhân vật, những chiến sĩ trong lực lượng Công an, cá nhân tôi bị “hút” bởi đây là mảng đề tài có rất nhiều chuyện khá ly kỳ, cũng có nhiều những hi sinh thầm lặng, có những chuyện “sống để dạ, chết mang đi”, nhất là với lực lượng Công an làm tình báo. 

Cả một chặng đường gian nan đi, trải nghiệm và viết, tôi nhận ra rằng, nghề gì cũng có người tốt, kẻ xấu. Nhưng công bằng mà nói, đa phần các chiến sĩ Công an ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa đều rất gian khổ, hy sinh thầm lặng. Khổ nhất là cán bộ tại các trại giam và tiếp đến là anh em làm ma túy. 

Nhiều lúc tôi nằm tự nhắm mắt và nghĩ, nếu không có Công an, làm sao có được sự bình yên ở một đất nước vừa đi qua chiến tranh, nhân dân chỉ khao khát được hòa bình, được sống yên bình.

PV: Để có được tác phẩm “Những người thầy đặc biệt”, ông đã đi đến hết tất cả những trại giam trên toàn quốc, nhất là những nơi khó khăn, gian khổ nhất. Điều gì khiến ông “không thể nào quên” trong những chuyến đi này?

Nhà văn Võ Bá Cường: Tôi đã học được ở nhà văn Tô Hoài cách “cắm bản” vào những vùng đất mà mình viết. Do vậy, khi viết về “Những người thầy đặc biệt”, tôi đã chọn những trại giam gian khổ nhất, vào các phân đội khó khăn nhất. Một trong những câu chuyện khiến tôi cảm động đến trào nước mắt và không thể nào quên là cuộc sống những chiến sĩ tại Trại giam Cái Tàu ở Cà Mau. 

Do nằm giữa sông nước rừng U Minh Thượng và U Minh Hạ, anh em phải làm nhà trong phân trại 1 để hằng tuần cho vợ con vào thăm. Anh em không ra ngoài để thăm gia đình được bởi nhà trại giam hoàn toàn được làm bằng cây cắm dưới nước. Đến tận bây giờ tôi vẫn ám ảnh mãi với hình ảnh một cậu lính nghĩa vụ tầm khoảng mười tám đôi mươi, ngủ giữa kênh để gác tù chạy trốn. 

Heo hút giữa trời nước mênh mông như thế nên đêm ngủ với khẩu súng, sáng mở mắt ra là làm bạn với mặt trời. Thế nhưng, trên phía đầu giường, bên cạnh ngọn đèn dầu vẫn có mấy quyển sách để tranh thủ học bài, ôn thi... Đây chính là những “hạt vàng” của xã hội đang ẩn khuất giữa rừng sâu, núi thẳm.

Nhà văn Võ Bá Cường và các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng
trong chuyến công tác tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

PV: Thế còn với những chiến sĩ đánh án ma túy, những người anh hùng thầm lặng, ông đã đi, sống và viết về họ thế nào?

Nhà văn Võ Bá Cường: Tôi có cái may mắn được “ba cùng” với các chiến sĩ Công an trên mặt trận chống ma túy vô cùng nóng bỏng. Được tiếp xúc, thậm chí là “nằm vùng” với họ, tôi mới vỡ lẽ sức công phá của cánh lính Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma túy vô cùng lớn lao mà ít người biết tới. 

Cùng đi với các anh, cùng các anh vào hang ổ tội phạm như Na Ư, Co Tang, Hang Kia - Pà Cò (Hòa Bình), Lóng Luông (Sơn La), Quế Phong (Nghệ An), Cầu Treo (Hà Tĩnh) và nhiều nơi khác mới thấy họ là những chiến sĩ thực sự mưu trí, dũng cảm và nhân văn. 

Do vậy, những nhân vật mà sau này tôi tái hiện trong tiểu thuyết “Chảo lửa”, tác phẩm đoạt giải giải C cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn tổ chức, đều là có thật. 

Nhiều sự kiện, nhiều vụ án đầy tính li kì hấp dẫn tôi vẫn giữ nguyên mẫu để viết. Họ thực sự là những người anh hùng, sống và chiến đấu ở đơn vị anh hùng. Chính các anh đã biết thiết lập “bức tường lửa” nhằm ngăn chặn “cái chết trắng”, giữ bình yên cho bản làng.

PV: Mặc dù đã qua tuổi 70 nhưng ông vẫn miệt mài với những chuyến đi, vẫn giữ được bút lực khá dồi dào. Phải chăng, với ông, muốn viết được ra trò thì tất yếu phải xê dịch?

Nhà văn Võ Bá Cường: Tôi không thích sự “viết khéo” mà thích viết bằng vốn sống thực tế. Tôi có may mắn được sống và làm việc gắn bó với vùng biển đảo, đồng bằng với những người nông dân chất phác. Nơi tôi ở là nơi tụ họp của giới cần lao, từ anh lái xe bò, anh xích lô đến anh chữa xe đạp, họ đều coi tôi như người nhà. Vốn sống ấy dội vào tôi. Tôi đã sống kỹ lưỡng nên khi viết tôi thích dùng những tư liệu sống ấy. 

Tuổi già người ta thường sống bằng ký ức, những kỷ niệm dội lại tạo cho tôi nguồn cảm hứng, tôi muốn đi lại những nơi mình đã đi qua, về những làng quê mà tôi đã sống, tiếp tục với những thân phận mà mình hằng theo đuổi. Càng đi tôi càng say sưa với những trang bản thảo ngồn ngộn chất sống để trả nợ đời. Hiện tôi đang thai nghén để viết “Gió làng Phùng” - tác phẩm kể về những chiến tích của lực lượng CAND trong chiến tranh biên giới phía Bắc.

PV: Với kinh nghiệm của một người đi trước, ông có muốn gửi gắm gì với những cây bút trẻ, nhất là những nhà văn trong lực lượng CAND?

Nhà văn Võ Bá Cường: Tôi muốn nhắc lại ý của nhà văn Tô Hoài là người viết văn trẻ hãy đi nhiều và phải biết “cắm bản” vào từng vùng đất, từng số phận mà mình tái hiện. Với những nhà văn trẻ CAND, hãy cố gắng lăn lộn đến những nơi gian khổ nhất, khó khăn nhất để tìm những tấm gương chiến sĩ Công an, họ thực sự là những “hạt vàng” đang ẩn khuất nơi rừng sâu, núi thẳm. 

Những “hạt vàng” này ta có thể bắt gặp họ ở nhiều nơi bởi họ phần lớn làm những công việc rất bình thường, sự hi sinh của họ cũng rất lặng lẽ, âm thầm như chính công việc và con người của họ. Mỗi khi nghĩ về những tấm gương chiến sĩ, những “hạt vàng” này, tôi vẫn cảm thấy mình như vẫn còn “mắc nợ”. Cuộc đời cần lắm những “hạt vàng” này để đập tan những nghi ngờ, cái nhìn méo mó về người chiến sĩ Công an trong đời sống đầy biến động và nhiều cám dỗ này.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.