Nhà văn Đỗ Hàn: “Câu chuyện bản quyền nước mình nó thế”

Thứ Năm, 30/06/2016, 08:28
Liên quan đến câu chuyện tác quyền của 189 tác phẩm văn học mà Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC) bán cho Waka với giá 50 triệu đồng gây xôn xao làng văn trong vài ngày qua, PV candonline đã có cuộc trao đổi với nhà văn Đỗ Hàn, Chánh Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam để hiểu hơn vấn đề này.


Cách đây mấy ngày, nhà văn Nguyễn Văn Thọ tá hỏa khi phát hiện ra tiểu thuyết “Quyên” – tác phẩm mà ông ủy quyền cho Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC) khai thác - được bán công khai trên trang mạng Waka với giá 0 đồng. Sau đó, thông tin 189 tác phẩm với giá 50 triệu đồng được nhà văn Đỗ Hàn xác nhận.

Sau buổi làm việc giữa nhà văn Nguyễn Văn Thọ và Chánh văn phòng của Hội Nhà văn Việt Nam vào chiều 28-6 vừa qua, tác giả của tiểu thuyết “Quyên” cho biết, không chỉ có một mình ông ký với VLCC hợp đồng ủy quyền, khai thác, bảo hộ mà hàng nghìn nhà văn đã ký một hợp đồng tương tự. 

Tuy nhiên, chỉ có 189 tác phẩm của 189 nhà văn  đươc Waka đặt hàng và VLCC bán với giá 50 triệu. Trong số 189 tác phẩm đó có tác phẩm của ông. Thế nhưng, có một điều ngược đời, ông lại không hề biết đến thương vụ mua bán giữa VLCC và Mega (công ty chủ quản của Waka) này.

Nhà văn Đỗ Hàn.

- Kính thưa nhà văn Đỗ Hàn, nhà văn là “cha đẻ” của những tác phẩm văn học. Khi kí hợp đồng với bên Waka, tại sao VLCC không thông báo cho các nhà văn được biết, thưa ông?

+ Thứ 1, nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã ủy quyền cho VLCC đủ 3 quyền: lưu giữ, khai thác và bảo hộ. Chức năng “khai thác” ông ấy vẫn chưa hiểu thôi. Thông thường, chúng ta khai thác trên môi trường giấy và môi trường phái sinh (môi trường chuyển thể kịch bản), chứ môi trường kỹ thuật số thì chưa.

 Trước khi khai thác với Mega (đơn vị chủ quản của Waka), VLCC có hỏi: “Bác có bán bản quyền cho ai không”? Ông ấy bảo: “Không!”. Lúc đó, VLCC mới ký với Mega để khai thác trên môi trường số (tức e-book). 

- Nhưng nếu tôi không nhầm, trong bản hợp đồng ủy quyền quản lý, khai thác và bảo vệ quyền tác giả tại Điều 4, ở phần Trách nhiệm và quyền của bên B (ở đây là VLCC) có nói rõ: “Bên B có trách nhiệm thông báo ngay cho bên A (bên ủy quyền, ở đây là nhà văn) về việc thay đổi phương thức quản lí hoặc khai thác tác phẩm của họ?

+ Điều này nằm trong trách nhiệm và quyền của Trung tâm, nhưng số lượng người ủy quyền đông như thế, mà cứ gọi điện thông báo đến tất cả đó là điều rất khó. Thế nên, VLCC hỏi nhà văn có bán bản quyền cho ai không, ông ấy trả lời chưa thì rõ ràng Trung tâm có cái quyền khai thác đó. Bởi hai bên đã ký hợp đồng ủy nhiệm rồi cơ mà. 

Ở đây, nhà văn Nguyễn Văn Thọ còn băn khoăn là băn khoăn cái 0đồng nếu đăng ký trở thành thành viên, chứ không phải là băn khoăn ở chữ “khai thác”. VLCC đã điều chỉnh ngay với Công ty Mega không thể có cái giá như vậy được.

Trong nội dung bản hợp đồng ủy nhiệm giữa tác giả và VLCC có điều khoản về việc VLCC thông báo ngay cho các tác giả khi khai thác tác phẩm.

- Nghĩa là trước đó, khi đặt bút ký hợp đồng bán cho Waka 189 tác phẩm với giá 50 triệu đồng, VLCC không quan tâm sau đó bên Waka sử dụng gần 200 tác phẩm đó như thế nào?

+ Bên Waka đang thử nghiệm trên môi trường số, cho nên, đang trong giai đoạn thăm dò ý kiến của bạn đọc, dựa trên số lượng bạn đọc như thế nào mới thông kê được. Sau đó, VLCC sẽ thu tiền tổng số tác phẩm khai thác trong vòng 1 năm chứ.

- Sao trong hợp đồng uỷ quyền, chữ “khai thác” không ghi rõ ra khai thác trên bản in hoặc bản số, khai thác 50% hay 100% để tranh hiểu nhầm ngay từ đầu cho các nhà văn, thưa ông?

Chưa ai nói mà nhiều nhà văn cả. Mới chỉ có nhà văn Nguyễn Văn Thọ mà thôi. Khai thác thì nó có nhiều hình thức khai thác. Khai thác như vậy thì mới thu được tiền về cho các tác giả chứ.

- Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng VLCC đã không mang lại giá trị thiết thực nào cho nhà văn. Ông nghĩ sao, thưa ông?

+ Quyền lợi nó có 2 cái. Thứ 1, tác phẩm ấy được giới thiệu quảng cáo đến rộng rãi bạn đọc. Thứ 2, VLCC có thu tiền nhưng thu tiền trên bản số, VLCC mới ký năm nay và họ đang thử nghiệm, cuối năm mới đối soát lại và phân phối lại cho các tác giả. Còn có những tác phẩm, đưa lên đấy rồi, hằng năm, chẳng ai mở ra xem, thì đành chịu thôi. 

Về tính chuyên nghiệp, tôi cũng phải thừa nhận rằng, VLCC chưa chuyên nghiệp thật. Bởi có ai học về bản quyền đâu. Chị Nguyễn Thị Thu Huệ cũng kiêm, tôi (nhà văn Đỗ Hàn - PV) cũng kiêm, mấy cháu vừa tốt nghiệp trường khác ra bây giờ cũng mới mày mò làm. Tính chuyên nghiệp có những hạn chế nhất định. Nhưng câu chuyện bản quyền nước mình nó thế. Xưa nay ta có chuyên nghiệp đâu mà giờ đòi hỏi sự chuyên nghiệp?

- Có tin đồn cho rằng, VLCC chỉ là cái vỏ hữu danh vô thực, VLCC đã “bán cái” cho một công ty tư nhân khác điều hành? Xin hỏi ông, điều này có chính xác không?

+ Đó hoàn toàn là tin đồn mà thôi. Không đúng. Thất thiệt. Chúng tôi vẫn làm việc đầy đủ. Chúng tôi có ký với 1 -2 công ty làm đối tác. Nếu nói VLCC là chiếc vỏ vô hồn, hữu danh vô thực thì việc chúng tôi đòi được tiền bản quyền của cả bộ sách giáo khoa 12 năm cho hàng chục tác giả như nhà văn Tô Hoài, Trần Đăng Khoa, Tố Hữu… thì nên hiểu ra sao? Đấy không phải là kết quả à?

- Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói rằng tới đây ông ấy sẽ hủy hợp đồng với VLCC?

+ Hoàn toàn nhất trí. Chúng tôi không gây ra bất cứ khó khăn gì với việc tác giả đưa ra quyết định đó cả!

- Xin hỏi ông câu cuối cùng, các nhà văn sao kiểm soát được con đường đi của tác phẩm sau khi ký kết uỷ quyền với VLCC thưa ông?

+ Nếu ủy quyền rồi thì VLCC có trách nhiệm làm chứ. Các nhà văn thời gian đâu mà đi kiểm soát hết tất cả được. Còn nó trôi nổi chỗ khác thì khác, không nói ở đây.

- Cảm ơn ông!

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: “Không thể mang gần 200 tác phẩm để người ta khai thác và gọi đó là thử nghiệm”

Một trong những điều khoản của hợp đồng đó là “thông báo ngay” nếu khai thác tác phẩm. Nếu nhà văn Đỗ Hàn, đại diện VLCC nói rằng, hằng năm, số lượng người ủy quyền đông nên khó gọi điện thông báo đến tất cả nhà văn chúng tôi thì phải nói đây là tắc trách, thiếu trách nhiệm và thiếu chuyên nghiệp của VLCC. Chính sự không thông báo ngay nên mới gây bức xúc, xáo trộn như thế này. Bởi tôi không biết vì sao tác phẩm của mình bị bán công khai trên đó như thế. Nói ra để tất cả cùng rút kinh nghiệm. Tôi cũng thừa nhận mình không có hiểu biết về bản quyền nên cứ tin nhau, lơ ngơ, ấu trĩ trong việc thò bút kí vào một hợp đồng mà chính bản thân mình cũng chưa rõ lắm. Chúng tôi không biết sau khi ký xong, tác phẩm của chúng tôi sẽ đi đâu về đâu. Thế nên mới có chuyện, 189 tác phẩm giá 50 triệu đồng. Nên mới có chuyện, “Quyên” của tôi bán công khai trên Waka với giá 0đồng nếu đăng ký trở thành thành viên. Chức năng của VLCC là bảo vệ quyền lợi tác giả cơ mà, có phải là nơi để buôn bán đâu. Còn việc, VLCC nói rằng bên Waka đang chạy thử nghiệm gì đó, quan điểm cá nhân tôi cho rằng, VLCC phải xem lại cơ chế hoạt động của mình. Không thể có chuyện mang gần 200 tác phẩm của các nhà văn Việt Nam cho người ta khai thác với giá 50 triệu đồng trong vòng một năm và gọi đó là thử nghiệm. Ai biết được, phía sau “thử nghiệm” đó là gì, làm sao chúng tôi tỏ được.


Đậu Dung (thực hiện)
.
.
.