Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Người của hôm nào, sách của hôm nay
- Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Thần đồng thứ thiệt
- Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Thợ cày không trâu
- Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Lần đầu tiên được "ngắm" thơ mình
- Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Nỗi niềm xa xứ
Nhìn chung Khoa của những năm 80 thế kỷ XX với Khoa của mười sáu năm đầu thế kỷ XXI, không khác nhau lắm. Nếu có khác thì chỉ khác: Trông Khoa bây giờ có phần chững chạc, tự tin, cởi mở và oai vệ hơn một chút mà thôi.
Gặp tôi, Trần Đăng Khoa nói: "Sách của tôi vẫn in nhiều lắm. Nhiều cuốn tái bản đến mức kỷ lục. Chẳng hạn như "Chân dung và đối thoại" tái bản 25 lần, "Đảo chìm" tái bản 10 lần, "Thơ Trần Đăng Khoa" cũng nhiều lần tái bản. Có cuốn sách của tôi liền một lúc 3 nhà xuất bản cùng in…".
Câu hỏi đầu tiên của tôi bắt đầu từ một sự xưa như cổ tích: "Xin chào thần đồng thơ! Xin chào con người của công chúng! Có lẽ chúng ta nên bắt đầu từ thơ. Cụ thể hơn là về thơ ông viết hồi còn là nhi đồng. Hẳn ông còn nhớ bài thơ đầu tay?".Trần Đăng Khoa trả lời: "Đấy là bài "Ảnh Bác". Bài này đăng đầu tiên trên báo Văn nghệ trong mục "Nhi đồng làm thơ" đúng vào 19 - 5 - 1966.
Hồi ấy, tôi cứ thấy gì ghi nấy, tự nhiên nhi nhiên ấy mà! Chính vì thế mà phần mở đầu "Ảnh Bác" mới có hai câu: "Nhà em treo ảnh Bác Hồ/ Dưới là một cái bàn thờ đỏ tươi". Chi tiết "Bàn thờ đỏ tươi" là rất thật. Thật như đếm! Chẳng là ở nhà tôi, ảnh Bác được ghim bằng gai bưởi vào vách đất, trên bàn thờ có phủ vải nhựa đỏ. Nhưng khi đăng báo, biên tập viên sửa lại thành Bên trên là một lá cờ đỏ tươi…"
Tôi hỏi tiếp: "Nhưng ngay từ hồi ấy, tôi đã thấy thần đồng của chúng ta rất... người lớn. Chẳng hạn như trong "Em kể chuyện này", ông đã sớm có ý thức đổ hết cả tôm cả tép vớt được trong một hố bom của Mỹ ném xuống làng quê Việt Nam. Chẳng hạn như trong "Hà Nội có Bác Hồ", ông đã sớm nhận thức ra rằng "Giặc Mỹ ném bom xuống Hà Nội rồi/ Hà Nội có Bác Hồ đang ở". Và còn nhiều ví dụ khác nữa…”.
Trần Đặng Khoa phủ nhận ngay: "Không hẳn là như vậy đâu. Hồi ấy, con người ta vẫn suy nghĩ vậy. Ở trên tôi đã nói: Hồi ấy nhiều người, trong đó có tôi thường "thấy gì ghi nấy", "tự nhiên nhi nhiên". Giờ tôi xin bổ sung: Hồi ấy, những gì nó vào mình là lập tức nó ra bằng hết. Con người của thời ấy nó thế! Tất cả đều rất hồn nhiên, trong sáng mà chúng ta có thể gọi tên là sức mạnh tinh thần. Thế ông có tin hai câu thơ của Tố Hữu: "Xẻ dọc trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai" và một câu thơ của Phạm Tiến Duật: "Đường ra trận mùa này đẹp lắm" là rất hiện thực và phản ánh tâm thế của một thời không?".
Là người từng ra trận, từng đi dọc Trường Sơn vào những năm tháng ấy, tôi nghĩ: "Hình như chúng ta đã có may mắn trải qua một thời kỳ cực kỳ gian khó nhưng lại có lý tưởng. Sự hồn nhiên, trong sáng, không toan tính... đã trở thành một vẻ đẹp, một sức mạnh của một thời và... không dễ lặp lại. Và sống trong môi trường xã hội như thế, các nhà thơ của chúng ta thời ấy, cũng thật may mắn.
Trần Đăng Khoa bổ sung thêm: "Rất may mắn nữa là khác. Thơ hồi ấy được xã hội quan tâm đặc biệt, được cộng hưởng của cả một thời đại. Thơ hồi ấy được ví như cá sống trong nước, cây sống trong rừng. Hồi ấy cả nước đọc thơ, cả nước sống theo thơ. Nói một cách không quá đáng thì hồi ấy: Thơ luôn có một hậu phương vững chắc. Và chúng ta từng có một thời đại trong thơ ca".
Rồi Trần Đăng Khoa bảo: "Ông anh ruột của tôi - nhà thơ Trần Nhuận Minh đã từng sống theo thơ, theo tinh thần của thơ. Sau khi học xong một trường sư phạm 7 + 2 (tốt nghiệp cấp 2 hệ 10 năm phổ thông, học thêm hai năm nữa, trở thành giáo viên dạy cấp 2), vì mê bài thơ "Lên miền Tây" của Bùi Minh Quốc mà Trần Nhuận Minh đã xung phong lên miền núi dạy học. Chính nhà thơ Trần Nhuận Minh chứ không ai khác, đã "khai sáng" cho tôi về thơ".
Qua Trần Đăng Khoa, tôi được biết, Trần Nhuận Minh không chỉ có thơ và không chỉ "khai sáng" (và "khai tâm") cho riêng Trần Đăng Khoa. Rất nhiều người ở Quốc Tuấn (Nam Sách, Hải Dương) hồi ấy, cũng chịu ơn "khai sáng" của Trần Nhuận Minh. Một thời, Trần Nhuận Minh có cả một tủ sách, ước chừng 1000 cuốn. Hồi ấy mà có một tủ sách như thế là cả một gia tài vô giá.
Hàng ngày đến trường cách nhà 20 km, Trần Nhuận Minh thường giấu chìa khóa tủ sách vào ruột bức tượng Mác-xim Goóc-ki. Trần Đăng Khoa biết điều bí mật này nên thỉnh thoảng lấy trộm chìa khóa ra đọc lén khi Trần Nhuận Minh vắng nhà. Trần Đăng Khoa như lạc, như mê sảng trong thế giới sách ấy. Ở quê tôi hồi ấy, có những cuốn sách bị cấm, gọi là "sách cấm - sách độc hại" rất khó hiểu như:"Đỏ và đen" của Stăng-đan;"Chuyện núi đồi và thảo nguyên" của Ai-ma-tốp; "Tuyển tập truyện ngắn"của Sê-khốp; đến cả "Thi nhân Việt Nam"của Hoài Thanh và Hoài Chân cũng bị liệt vào sách cấm, sách độc hại nốt. Bây giờ mà nhắc lại sự lạ này thì hỏi đã có mấy người tin! Nhưng đấy lại là thực tế.
Trần Đăng Khoa đã đọc chúng một cách say mê và miên man.
Đây có thể coi là một xuất phát, một điểm khởi đầu đáng chú ý. Nhưng duyên cớ khiến Trần Đăng Khoa làm thơ lại nhờ một cú hích. Ấy là lần Trần Đăng Khoa đọc tập thơ "Tấm lòng chúng em" in năm 1964 do Định Hải và Ngô Viết Dinh tuyển chọn, biên tập. Đây là một tập thơ của thiếu nhi, do thiếu nhi viết. Và Trần Đăng Khoa nghĩ: Nếu làm thơ mà chỉ như thế này thì mình cũng làm thơ được và biết đâu có thể làm hay hơn.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa qua góc nhìn họa sĩ Còm. |
Tôi chợt nghĩ: Trong sáng tác nói chung, người ta có thể đọc thơ (hoặc văn) của một người, rồi sợ không dám viết nữa. Nhưng người ta cũng có thể đọc thơ (hoặc văn) của một người và để không sợ mà viết. Và Trần Đăng Khoa đã rơi vào trường hợp thứ hai.Theo tôi, đây là một xuất phát nhuốm màu sách. Có lẽ vì thế mà Trần Đăng Khoa rất ít ngơ ngác, bản năng trong thơ chăng? Trần Đăng Khoa thừa nhận: "Nhìn chung, tôi ít ngơ ngác lắm. Ngày xưa cũng thế mà bây giờ càng thế! Từ thời ấu thơ, tôi đã thuộc làu làu bao nhiêu áng văn, áng thơ. Tôi làm thơ thạo đến nỗi làm nhiều người không tin. Ông không biết chứ đã khối nhà thơ còn kiểm tra việc làm thơ của tôi bằng cách yêu cầu tôi ứng khẩu thơ, viết thơ ngay trước mặt họ".
Cách nay mười mấy năm, Trần Đăng Khoa đã công bố một ít chương trong tiểu thuyết "Bước chân thứ nhất" của ông được viết hồi mới 11 - 12 tuổi trên báo Người Hà Nội. Mở đầu tiểu thuyết này là mô tả cảnh đau đẻ. Vậy nếu không đọc sách thì làm sao Trần Đăng Khoa viết được về cảnh này? Sách vở đã từng biến Trần Đăng Khoa thành một ông cụ non đáng yêu. Ngay từ hồi là một chú nhóc (mới 8 - 9 tuổi), Trần Đăng Khoa đã tư vấn, tham mưu cho khối đôi trai gái tìm đến nhau, yêu nhau…. Hồi ấy, Trần Đăng Khoa đã "hoạt" đến mức "một mình em" có thể "sắm" được"cả ba vai chèo".
Tôi hỏi: "Đã có một Trần Đăng Khoa trong văn xuôi. Có thể kể tên: "Chân dung và đối thoại", "Đảo chìm", "Người thường gặp" và "Bước chân thứ nhất". Ông có tin vào văn xuôi của ông không?". Trần Đăng Khoa trả lời: "Tôi tin văn xuôi của tôi rồi sẽ lớn hơn thơ của tôi. Ngay cả thơ cũng thế. Người ta nói thơ của tôi bây giờ không hay bằng thơ của tôi ngày xưa, là chưa công bằng, khách quan đâu. Thơ của Trần Đăng Khoa người lớn góc cạnh, đa chiều, phức tạp hơn thơ của Trần Đăng Khoa trẻ con chứ!".
Theo Trần Đăng Khoa thì thời đại bây giờ không phải là thời đại của văn chương. Vị thế văn chương bây giờ đã thay đổi. Bây giờ ai làm thơ, viết văn tức là phải chấp nhận đứng trơ trụi một mình, không có chuyện cộng hưởng, gánh vác, đỡ đần nào cả. Độc giả bây giờ cũng lười đọc hơn và đọc theo cảm tính nhiều hơn. Còn tài năng của mỗi nhà thơ, nhà văn chỉ phát triển trong một chu kỳ khoảng mười năm thôi. Nam Cao, Vũ Trọng Phụng trước kia và cả Nguyễn Huy Thiệp... cũng chỉ có mười năm phát tiết hết cỡ. Trong mười năm này, nếu anh không làm được gì, thì coi như bỏ. Trời không cho anh nhiều hơn thế đâu. Nhưng trong các nhà văn nói chung, cũng nên chia làm hai loại. Thứ nhất, loại của một thời. Thứ hai, loại của muôn đời. Loại của một thời, cũng đã khó. Loại của muôn đời, còn khó hơn nhiều. Nhưng cái đáng tránh nhất là đừng để độc giả đọc anh, chỉ nhớ anh bằng kỷ niệm.