Nguyễn Văn Vĩnh: Người đầu tiên phổ cập chữ quốc ngữ, khai sinh văn học dịch và báo chí Việt Nam

Thứ Hai, 11/04/2016, 18:39
Dưới những góc nhìn mới mẻ tại buổi tọa đàm “Học giả Nguyễn Văn Vĩnh -  "Người man di hiện đại" do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức ngày 11/4, các nhà văn, nhà nghiên cứu đã đánh giá cao những đóng góp của Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936) – người vừa được giải Văn hóa Phan Châu Trinh vinh danh là Danh nhân Văn hóa Việt Nam vào tháng 3/2016.


Thêm một lần, Nguyễn Văn Vĩnh được khẳng định với tư cách một học giả, nhà văn hoá lớn, có công phổ cập chữ quốc ngữ, cũng như góp phần quan trọng khai sinh văn học dịch và báo chí Việt Nam.

Với những đóng góp to lớn, mang tâm tư tưởng cho dân tộc,  Nguyễn Văn Vĩnh đã được vinh danh là “Người công dân vĩ đại”. Nguyễn Văn Vĩnh không chỉ đã chiếm lĩnh được những đỉnh cao nhất của văn hóa phương Đông thời trung đại, mà còn đặt chân được đến những đỉnh cao của văn hóa phương Tây.

Học giả Nguyễn Văn Vĩnh.

GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, Nguyễn Văn Vĩnh là một trong những nhà tư tưởng dân chủ khai sáng ở Việt Nam. Ông nhận ra ba công cụ sức mạnh quan trọng, có khả năng tác động lớn đến công chúng trong một xã hội hiện đại là báo chí, xuất bản và sân khấu với phương tiện cốt lõi là chữ quốc ngữ.

Nguyễn Văn Vĩnh chính là người Việt Nam đầu tiên dịch gần 30 tác phẩm văn học, triết học, khoa học, chính trị học của các tác giả lớn của Pháp và thế giới ra tiếng Việt. Trong đó có những tác phẩm kinh điển như “Những người khốn khổ” của Victor Hugo, “Ba người lính ngự lâm pháo thủ” của A. Dumas, “Người bệnh tưởng” của Molière, Thơ ngụ ngôn của La Fontaine vv…

Chỉ riêng trong dịch thơ ngụ ngôn La Fontaine thôi đã thấy ông là một nhà văn tài hoa trong những câu thơ dịch táo bạo và sáng tạo. Cho đến nay, Nguyễn Văn Vĩnh vẫn là người dịch thành công nhất Truyện Kiều ra tiếng Pháp. Theo cố GS. Trần Văn Khê, những tư liệu còn lại cho thấy ông phải mất 3 lần dịch Kiều sang tiếng Pháp. Ông coi việc dịch không chỉ là hiểu ngôn ngữ mà còn là hiểu biết về văn hoá và coi chữ quốc ngữ chính là chìa khoá để độc giả nước ngoài hiểu văn hóa Việt Nam.

Tọa đàm về Nguyễn Văn Vĩnh.

Đặc biệt, Nguyễn Văn Vĩnh có biệt tài dịch khiến người đọc tưởng như đọc nguyên tác. Nhiều tác phẩm dịch của ông về các tác phẩm của Balzac, Molie cho đến nay vẫn là những tác phẩm dịch cho các nhà chuyên môn bàn luận. Nhiều NXB tiếp tục cho tái bản các tác phẩm dịch của ông và xác nhận rằng, nhiều câu chuyện của La Phongten không ai có thể dịch tốt hơn các bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh.

GS. sử học Đinh Xuân Lâm cho rằng, với hàng loạt tác phẩm dịch thuật, Nguyễn Văn Vĩnh có một vai trò quan trọng trong truyền bá tư tưởng và văn hóa Pháp. Cũng như văn xuôi, Nguyễn Văn Vĩnh đã rất tài tình khi dịch thơ La Phongten. Những bản dịch ngụ ngôn của Nguyễn Văn Vĩnh đã phá vỡ niêm luật của thơ truyền thống và là những nhóm lửa đầu tiên, mầm mống báo hiệu cho phong trào Thơ mới hàng chục năm sau mới xuất hiện…

Với vở kịch của Molière do chính ông dịch và đưa lên sân khấu, Nguyễn Văn Vĩnh cũng chính là người khai sinh sân khấu kịch nói ở Việt Nam. Thành công của ông đã mở ra cho tác giả Nguyễn Đình Long sau này viết kịch cho sân khấu Việt Nam. 

Tại buổi tọa đàm, nhà văn Lê Phương Liên đánh giá cao cống hiến của Nguyễn Văn Vĩnh: Văn cho thiếu nhi khó viết, khi đòi hỏi giọng văn không chỉ sáng suốt ngây thơ mà còn phải ngọt ngào. Với việc dịch “Cô bé quàng khăn đỏ”, Nguyễn Văn Vĩnh là người khai mở cho các nhà văn Việt Nam về viết truyện cho thiếu nhi để về sau, nền văn học thiếu nhi có những “Dế mèn phiêu lưu ký” và nhiều tác phẩm khác vv…Những làm văn học cho thiếu nhi rất biết ơn Nguyễn Văn Vĩnh.

Nguyễn Văn Vĩnh viết nhiều và có vai trò quan trọng để làm cho tiếng Việt phổ biến như ngày nay. Ông là người sớm nhất đứng ra tổ chức, sáng lập và chủ trì nhiều tờ báo lớn có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa dân tộc ở Hà Nội, nhằm phổ cập và phát triển việc sử dụng Quốc ngữ.

Ông là chủ bút tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Bắc kỳ và đã tập hợp được lực lượng cộng sự gồm những tên tuổi đáng trọng nể trong việc xây dựng nền Quốc văn mới bằng chữ Quốc ngữ. Cùng với các đồng sự thông thái của mình như Phạm Duy Tốn, Phan Kế Bính, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Đỗ Mục, Dương Bá Trạc… ông tạo ra những cuốn sách in bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Bắc kỳ và bằng mọi cách, đưa được ánh sáng văn hóa đến đồng bào mình, đưa cái chữ dễ học này đến người dân bằng con đường báo chí và xuất bản.

Nguyễn Văn Vĩnh tự tin, miệt mài đi trên trên con đường mới lạ này, để đến một ngày, mỗi người dân sẽ tự đòi hỏi, phải có gì đó để đọc. Đọc rồi để biết làm người thì có quyền gì. Chính tư tưởng, hành động mang tính dân tộc của Nguyễn Văn Vĩnh đãkhiến người Pháp nhận ra sự nguy hiểm của ông đối với chế độ thống trị của họ ở nước ta bấy giờ, nên đã ra một cái lệnh kỳ quặc là cấm ông làm báo chữ quốc ngữ.

Nhìn nhận lại những đóng góp to lớn của học giả Nguyễn Văn Vĩnh hôm nay như một trong những tinh hoa văn hóa Việt Nam thời hiện đại, chính là tôn vinh một nhà văn hóa có tính khai phá, mở đường, trong một giai đoạn hiện đại hóa quan trọng của văn hóa và xã hội ta. Đó cũng là cách cần thiết để bày tỏ sự tri ân với một trong những bậc khai sáng nhiều lĩnh vực của đất nước.

Thanh Hằng
.
.
.