Người phụ nữ khuyết tật thành lập Thư viện sách nói đầu tiên cho người mù
- Phần mềm tìm kiếm bạn đời cho người khuyết tật đầu tiên trên thế giới
- Những công nghệ độc đáo dành cho người khuyết tật
- Những người khuyết tật vượt qua số phận
Người phụ nữ đó là Nguyễn Hướng Dương, Giám đốc Thư viện sách nói dành cho người mù, Giám đốc Quỹ từ thiện sách nói dành cho người mù TP Hồ Chí Minh, là 1 trong 30 cá nhân và tập thể được tôn vinh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới” diễn ra vào ngày 20-5.
Vượt qua bất hạnh
Dù không còn hai chân, nhưng với chị Nguyễn Hướng Dương, đó không còn là trở ngại lớn nhất trong cuộc đời chị nữa, mà thay vào là niềm lạc quan, một khát vọng sống phi thường mà tôi được biết. Gương mặt chị nhìn trẻ hơn so với tuổi, nụ cười luôn nở trên môi, đặc biệt là giọng nói ngọt ngào truyền cảm khiến không ai nghĩ rằng chị đã từng chịu nhiều bất hạnh đến vậy.
Vì lý do sức khỏe, chị không ra Hà Nội tham dự chương trình “Vinh quang Việt Nam – Dấu ấn 30 năm đổi mới”, nhưng qua cuộc trò chuyện với chị trên điện thoại, chúng tôi đã hiểu được phần nào những cống hiến to lớn của chị trong suốt 19 năm qua dành cho người mù.
Chị Nguyễn Hướng Dương. |
Nhắc tới biến cố làm thay đổi số phận của mình, chị Nguyễn Hướng Dương không khỏi xúc động. Đó là năm chị bước sang tuổi 25, cái tuổi thanh xuân đẹp đẽ nhất của đời người. Khi đó chị là một cô gái xinh đẹp, làm hướng dẫn viên du lịch. Trong một lần đi chợ băng qua đường ray xe lửa trên đường Hoàng Văn Thụ, chị bất ngờ bị vấp vào thanh đường ray.
Cú ngã đã làm chị mắc kẹt cả 2 chân khi tàu đang chạy tới. Luống cuống rút chân nhưng không tài nào nhấc ra khỏi thanh đường ray, sợ hãi, hoảng loạn làm chị mất đi ý thức trước khi con tàu lao nhanh về phía mình. Tỉnh dậy sau nhiều ngày hôn mê, chị vô cùng hoảng hốt và đau đớn khi thấy đôi chân mình không còn nữa. Chị òa khóc.
“Tuyệt vọng khiến tôi chỉ muốn chết. Tôi thấy mình đã mất tất cả, cuộc đời này không còn gì đáng để sống nữa. Nghe tôi đòi chết, cha tôi đã khóc nói rằng “con không muốn sống cho con nữa thì cũng ráng sống cho cha mẹ. Vì con là ý nghĩa của cuộc đời cha mẹ. Con sống thì cha mẹ còn được thấy con, còn được chăm sóc cho con” - chị Dương đau xót kể lại.
Mỗi khi mà đêm buông xuống, chị lại hoang mang sợ hãi. Khi đã chạm vào đáy của sự tuyệt vọng và đau khổ khôn cùng, chị được mẹ đưa cho những quyển sách Phật pháp, chị đã tìm được niềm ai ủi, tìm được cách học quên nỗi đau.
Chị nói rằng, cha mẹ đã cho chị sức mạnh niềm tin vào cuộc đời, dù có bất hạnh đến đâu cũng phải quý trọng sinh mệnh. Sau 7 lần phẫu thuật và 3 năm gắn với bệnh viện, chị Dương đã bước ra khỏi bóng tối, đón nhận ánh sáng rực rỡ để bước đi tiếp.
Dành trọn cuộc đời cho Thư viện sách nói
Cơ duyên đưa chị Dương đến với ý tưởng “Thư viện sách nói” cũng rất tình cờ. Năm 1998, trong một lần chị đến Trường Nguyễn Đình Chiểu (TP Hồ Chí Minh) đọc sách cho các em nghe, chị cảm thấy các em rất thích giọng đọc của chị. Về nhà, chị liền nảy ra ý tưởng, tại sao mình không làm một băng cassette - sách nói để cho người mù họ nghe. Chị đem ý tưởng này nói với người thân và nhận được sự đồng tình, ủng hộ.
Ý tưởng thì nhân văn, rất hay đó, nhưng chỉ có hai bàn tay trắng, chị phải làm thế nào? Chị giam mình trong một căn bếp đi mượn với một chiếc máy thu âm xin được. Vừa đọc, vừa tự thu âm sách nói. Có những lúc cảm thấy thật cô độc. Nhưng chị vẫn miệt mài, âm thầm làm việc từ ngày này sang ngày khác. Chị thu âm các chương trình sách giáo khoa thành sách nói, rồi đưa lên mạng để người mù trên cả nước được tiếp cận với văn hóa tri thức. Thư viện sách nói đầu tiên cho người mù ra đời từ đó.
Lần đầu tiên trên cả nước, người mù có thể học qua radio, qua mạng internet bằng giọng đọc ấm áp, truyền cảm. Với chị, công việc này là một hạnh phúc lớn lao. Sách nói đã làm chuyển biến cuộc sống của người mù, nó cũng là công việc làm chị đam mê, hòa nhập với cuộc sống.
“Có một em là Thạc sỹ khiếm thị nói với tôi rằng, sách nói là một cuộc cách mạng đối với người mù. Trong 19 năm, Thư viện sách nói đã giúp cho trên 150 bạn khiếm thị thi đỗ đại học, học chung với người sáng mắt, trong đó có 3 Thạc sĩ, 1 Tiến sĩ” - chị tự hào kể. Chị nói rằng, sẽ dành trọn cuộc đời của mình cho công việc làm sách nói cho người mù.
Đúng như cái tên của mình, luôn lạc quan vươn lên rực rỡ, ở chị tôi thấy rõ được sự phi thường của một con người khuyết tật vượt lên số phận, sự phi thường của một lòng nhân ái bằng sự sáng tạo.
“Thư viện sách nói dành cho người mù” duy nhất tại Việt Nam phục vụ miễn phí cho khoảng 2 triệu người mù lòa trong cả nước, đã phục vụ được 99 đơn vị Hội Người mù và các trường mù, các mái ấm nuôi dạy các trẻ em mù.
Từ năm 1998-2016, thư viện đã thu âm được 1.667 tựa sách, in sang ra phục vụ miễn phí 379.792 băng cassette và đĩa CD-MP3 sách nói cho 99 đơn vị trường mù, mái ấm, Hội Người mù cả nước với số tiền khoảng 5 tỷ đồng gồm các thể loại: Lịch sử, văn hóa, văn học, khoa học, y học thường thức; sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12, giáo trình cao đẳng và đại học, sau đại học (theo yêu cầu của sinh viên mù). Đã đưa lên mạng sách nói online (sachnoionline.com) 1.025 tựa sách, đã có 16.554.000 lượt người truy cập;
Từ năm 2001-2016, Thư viện sách nói đã vận động được 2.114 suất “Học bổng Ánh Sen” cho học sinh nghèo ở các trường mù và cơ sở nuôi dạy các em mù tại TP.HCM (đa số các em đến từ khắp các tỉnh, thành khác) mỗi suất học bổng là 1.500.000đ; đã vận động được 645 suất “Học bổng Hướng Dương”, mỗi suất 5 triệu đồng cho các sinh viên mù đang theo học cao đẳng, đại học và sau đại học, đến nay đã có 191 sinh viên, trong đó có 136 sinh viên đã tốt nghiệp.
Chị kể rằng, giờ mình không còn “cô đơn” trong việc đọc các chương trình sách nói nữa, mà đồng hành cùng với chị có rất nhiều các bạn tình nguyện viên, phát thanh viên của một số đài truyền hình… Rồi những đóng góp của mọi người khi biết đến thư viện, đến quỹ từ thiện sách nói cho người mù. Đó là những điều hạnh phúc nhất mà một người khuyết tật như chị đã làm được cho đời.
Với những đóng góp to lớn cho người khuyết tật, chị Nguyễn Hướng Dương đã được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; là gương mặt trẻ TP Hồ Chí Minh 30 năm giải phóng; nhiều năm đạt danh hiệu “Người khuyết tật vượt qua khó khăn”…