Người một đời nặng lòng với sân khấu Chèo

Thứ Hai, 20/04/2020, 08:46
Ngày 19/4, nghệ sĩ nhân dân (NSND) Bùi Đắc Sừ - người miệt mài đi tìm lại vị thế cho nghệ thuật sân khấu Chèo nhiều chục năm qua, đã được người thân và bạn bè tiễn về cõi vĩnh hằng. Ông để lại một di sản nghệ thuật khá đồ sộ với hơn 200 vở Chèo, trong đó có rất nhiều vở đã được ghi nhận bằng các giải thưởng uy tín.

NSND Bùi Đắc Sừ sinh năm 1948 trong một gia đình nông dân tại làng Thái Đào, Lạng Giang, Bắc Giang. Đây là ngôi làng nổi tiếng bởi có nhiều nghệ nhân làm ruộng nhưng đam mê chơi đàn violon. Được sống trong môi trường nghệ thuật từ sớm, lớn lên, chàng trai Bùi Đắc Sừ quyết định gắn bó cuộc đời với nghệ thuật sân khấu, về Hà Nội làm diễn viên cho Đoàn Chèo Trung ương.

Năm 1980,  ông theo học lớp đạo diễn đầu tiên của Trường Sân khấu Điện ảnh, do thầy Đình Quang – một trong những “cây đa cây đề” của sân khấu Việt làm chủ nhiệm. Sau khi tốt nghiệp, năm 1983, ông về gắn bó với Nhà hát Chèo Việt Nam. Khi ấy, vở Chèo đầu tiên do ông dàn dựng là “Hoàng tử có đôi tai bò” đã thu hút đông đảo khán giả.

Nghệ sĩ nhân dân Bùi Đắc Sừ lúc sinh thời.

Nhớ về NSND Bùi Đắc Sừ trong ngày vĩnh biệt ông, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Kình, chia sẻ: Vào thập kỷ 80, 90 của thế kỷ XX, nghệ thuật nói chung, nghệ thuật sân khấu Chèo nói riêng gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng khán giả. Thế nhưng, NSND Bùi Đắc Sừ vẫn có mặt ở hầu khắp các đoàn Chèo trong cả nước, nỗ lực góp sức vào sự tồn tại của nhiều đoàn.

Không ít đoàn Chèo địa phương đã coi ông như là người nhà và chỗ dựa tinh thần. Ông xuất hiện thì không chỉ diễn viên vui mừng, mà lãnh đạo quản lý văn hóa của địa phương cũng yên tâm ký duyệt cho các kịch mục mới.

Nhiều vở ông dàn dựng đã để lại những dấu ấn khó phai mờ cho các đoàn Chèo Quân đội, Yên Bái, Thái Nguyên,Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa…

“Trưởng thành trong môi trường nghệ thuật Chèo, say Chèo, yêu Chèo, khi dàn dựng vở diễn, NSND Bùi Đắc Sừ thực sự coi trọng những cấu trúc đặc thù của nghệ thuật Chèo là tích gắn liền với trò. Ông luôn chú ý đến tính thống nhất của vở diễn, sự hài hòa đến nhuần nhuyễn của các yếu tố cấu thành... Bằng những vở diễn với nhiều đề tài khác nhau từ cổ tích, dân gian, lịch sử dã sử, hay về con người hôm nay..., ông đã góp phần khẳng định nghệ thuật Chèo hiện đại hoàn toàn có khả năng tồn tại và phát huy truyền thống tốt đẹp của mình trong thời đại mới…

Bên cạnh hoạt động nghệ thuật, NSND Bùi Đắc Sừ còn rất tích cực tham gia công tác đoàn thể, quản lý ở Nhà hát Chèo Việt Nam. 10 năm liền ông là Bí thư Đoàn, làm phó đoàn, trưởng đoàn, trưởng phòng nghệ thuật, sau này là Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, ba khóa liền làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu. Ở cương vị nào, ông cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Những năm ông làm Giám đốc nhà hát, nhiều nghệ sĩ diễn viên trẻ của đơn vị cứ đi thi là đoạt giải cao nhất. Một số nghệ sĩ ưu tú trẻ của Nhà hát đã thành danh được là do ông đã góp phần không nhỏ trong việc bồi dưỡng tài năng, khuyến khích họ trong từng vai diễn cụ thể. Ông đã cùng các cán bộ nghệ thuật quyết tâm đào tạo, bồi dưỡng thành công một lớp học sinh Chèo được đào tạo trực tiếp tại Nhà hát.

Đặc biệt, khóa đào tạo 2011-2013 đã tạo được một lực lượng nghệ sĩ trẻ, tiếp thêm sức thanh xuân cho đơn vị... Ông ra đi, giới sân khấu mất đi một đạo diễn Chèo tài năng. Sân khấu Chèo mất thêm một thành viên xuất sắc - một trong những người miệt mài đi kiếm tìm khẳng định vị thế của Chèo trong xã hội hiện đại”, ông Nguyễn Ngọc Kình nhấn mạnh.

NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng bùi ngùi chia sẻ: “Tôi với ông học cùng với nhau, ông ở bên Chèo, tôi ở bên Tuồng, gắn bó cho đến lúc trưởng thành. Song hành về nghệ thuật truyền thống, có nhiều sở thích giống nhau như thích đi đánh bóng chuyền ở khu văn công. Khi tôi lên quản lý ở trên Cục Nghệ thuật Biểu diễn, ông quản lý ở Nhà hát Chèo Việt Nam, chúng tôi vẫn gắn bó, luôn trao đổi, góp ý cho nhau các vở diễn. Khi cả hai không làm quản lý, chúng tôi cùng về Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Tôi làm Chủ tịch Hội, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội.

Sau nhiều chục năm gắn bó, với tôi, ông luôn là người rất có trách nhiệm với nghệ thuật sân khấu truyền thống, nhất là đối với sân khấu Chèo. NSND Bùi Đắc Sừ là một nghệ sĩ, đạo diễn tài năng. Nếu là đạo diễn Chèo hiện nay thì ông vẫn là số 1. Trong nhiều liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, ông thường cùng lúc đạo diễn rất nhiều vở. Ông cũng là người rất thành công khi đưa hình tượng Bác Hồ lên sân khấu Chèo.

Đặc biệt, vở “Những vần thơ thép”, ông và nhà biên kịch Trần Đình Ngôn đã rất thành công khi đưa tập thơ “Nhật ký trong tù” lên sân khấu Chèo. Vở diễn không chỉ được ghi nhận qua nhiều giải thưởng, mà còn được các nghệ sĩ, khán giả đón nhận nồng nhiệt, được Đài truyền hình lựa chọn phát sóng trong những dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác…”.

Được biết, với những đóng góp tích cực cho nghệ thuật Chèo nói riêng, nghệ thuật sân khấu Việt Nam nói chung, nghệ sĩ Bùi Đắc Sừ đã vinh dự được trao tặng danh hiệu NSND vào năm 2007, được trao tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012.

NSND Bùi Đắc Sừ đã có hơn 200 vở diễn trên sân khấu và truyền hình, trong đó có 15 vở đoạt Huy chương Vàng, 20 vở đoạt Huy chương Bạc tại các cuộc liên hoan sân khấu chuyên nghiệp trong cả nước.

Sau nhiều năm ốm nặng, ông mất ngày 18/4 tại nhà riêng, hưởng thọ 73 tuổi. Vì dịch bệnh, tang lễ được gia đình tổ chức gọn vào sáng 19/4 tại Hà Nội. 

N.Nguyễn
.
.
.