Người Việt chưa “mặn mà” với tranh Việt

Thứ Bảy, 25/02/2017, 09:53
Theo đánh giá của ngành mỹ thuật thì từ những năm trước 1990 đến nay, các tác phẩm hội họa của nhiều thế hệ họa sĩ Việt đều được mua bởi các phòng tranh nước ngoài và đối tượng là khách nước ngoài chiếm 95 - 99% thị phần của thị trường tranh.

Làng hội họa Việt Nam - nơi sản sinh ra biết bao họa sĩ với những tác phẩm để đời như bộ tứ huyền thoại Nghiêm - Liên - Sáng - Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái); cùng các họa sĩ nổi tiếng Trường Mỹ thuật Đông Dương (1924 - 1945) như Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Sỹ Ngọc, Tạ Tỵ…

Qua những tác phẩm của các danh họa, chúng ta có thể nhận biết được tiến trình cùng những thành tựu, chất chứa bao hoài bão các giá trị “chân”, “thiện”, “mỹ” vĩnh cửu trong cuộc sống. Cái giá trị thuộc về con người, hết sức nhân tính mà trải qua bao thời đại, người nghệ sĩ luôn phải đấu tranh, khẳng định mình và mong mỏi vươn lên.

Thế nhưng, điều đáng buồn hiện nay đó chính là ngay cả những bức họa nổi tiếng - những tác phẩm nghệ thuật vô giá của các họa sĩ trứ danh lại không được người Việt chú ý và thưởng thức.

Dạo một vòng quanh TP Hồ Chí Minh, nơi có phòng tranh của các họa sĩ nổi tiếng, một thực tế đáng buồn là đa phần khách đến xem và mua tranh là khách nước ngoài, hiếm hoi lắm mới có một vài khách Việt đến xem tranh. Thậm chí, ngay cả Bảo tàng Mỹ thuật - nơi thường xuyên tổ chức những triển lãm lớn, có tầm quy mô thì lượng khách Việt đến xem tranh cũng rất ít.

Một số họa sĩ nổi tiếng trong làng mỹ thuật Việt cho biết, thị trường tranh ở Việt Nam rất ảm đạm, khách hàng phần nhiều là từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

Theo đánh giá của ngành mỹ thuật thì từ những năm trước 1990 đến nay, các tác phẩm hội họa của nhiều thế hệ họa sĩ Việt đều được mua bởi các phòng tranh nước ngoài, các nhà sưu tập nước ngoài, hoặc thông qua các phòng tranh Việt Nam làm trung gian… trong đó đối tượng mua tranh nghệ thuật, khách nước ngoài vẫn chiếm 95 - 99% thị phần của thị trường tranh.

Việc xây dựng một thị trường tranh nội địa cũng là vấn đề nhức nhối, bởi muốn nghệ thuật phát triển thì cần phải có sự quan tâm của chính người dân bản địa, vì chính người dân là tác nhân quan trọng để giữ gìn và quảng bá nghệ thuật của người Việt. Việc không có thị trường nội địa sẽ làm chậm sự công nhận của quốc tế đối với nghệ thuật Việt Nam.

Họa sĩ Trí Đức tại TP Hồ Chí Minh có một cách nhìn rất khách quan về thị trường tranh Việt. Theo anh thì nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc thị trường tranh ảm đạm là do cầu nối giữa người sáng tác - họa sĩ với người mua tranh thiếu tính đồng điệu.

Cụ thể là việc thị hiếu cũng như sự hiểu biết về nghệ thuật của người dân không đạt, dẫn đến không cảm được tranh của các họa sĩ, còn các họa sĩ thì sáng tác theo tư duy chủ quan của chính bản thân mình. Chính điều này đã tạo ra một bức tường ngăn khiến cho nghệ thuật không đến được với nhân sinh.

Hải Âu
.
.
.