PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái:

Nếu Vũ Trọng Phụng tái sinh...

Chủ Nhật, 27/12/2015, 12:58
“Ở ngoài đời, bà cũng sống thế à? Hôm nào gặp, hỏi bà giùm tớ là cuộc sống lúc nào cũng gồng lên, căng thẳng, đốp chát tới cùng như thế... liệu có nặng quá không?” - Đó là lời đề nghị mà tôi vẫn nhận được từ người nọ, người kia khi họ biết tôi thi thoảng có gặp PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái. 

Họ vốn là khán giả trung thành của chương trình “Giai điệu tự hào” trên VTV, và dù yêu hay không yêu, dù ngưỡng mộ hay không ngưỡng mộ bà thì tất cả những người này đều có chung cảm nhận: bà là người thẳng thắn tột bậc, sắc sảo tột bậc, và một mẫu phụ nữ hiện đại như thế sẽ có thể không tránh khỏi việc lắm kẻ rất ghét và rất thích. Và, cuộc đối thoại giữa tôi với bà bắt đầu từ đây…

Không sợ nói thẳng

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, xin hỏi thật, khi đưa ra đánh giá thẳng thắn tới mức chát chúa trên “Giai điệu tự hào”, bà không sợ quan hệ của mình với người “bị” mình nhận xét sẽ xấu đi, và hình ảnh của mình trong mắt truyền thông, dư luận sẽ không tránh khỏi những khúc xạ không mong muốn?

- PSG.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Bạn thân mến, tại sao lại phải sợ? Tôi xác định ngay từ đầu là mình vào Hội đồng bình luận của “Giai điệu tự hào” là để thực hiện vai trò của một nhà báo phản biện. Xin nhấn mạnh là vai trò phản biện, chứ không phải là ca ngợi, tung hô. Thế nên chuyện tôi đưa ra ý kiến phản biện, trái chiều là đương nhiên. Song, có những lúc tôi khen không tiếc lời đấy chứ, như khi nghe Cẩm Vân hát Có một bài ca không bao giờ quên trên nền dàn dựng thông minh, đĩnh đạc của đạo diễn Việt Tú. Phải nói đấy là một bài hát được xử lý đẹp, với một giọng hát đẹp tới mức khiến người nghe rưng rưng cảm xúc. Nhưng trong chương trình này, quả là tôi chê nhiều hơn khen.

Còn về chuyện có sợ mất quan hệ, mất hình ảnh này nọ… hay không, thì tôi không quan tâm. Trong một chương trình toàn bài hát song ca còn lại với thời gian, bạn tôi hát với con trai một bài tình ca đôi lứa, và hai mẹ con, một già - một trẻ hoá thân vào một đôi nam thanh nữ tú tuổi đôi mươi, theo tôi là… quá đà, rất chướng về thẩm mỹ nghe nhìn. Và dù rất muốn im lặng, thì cuối cùng tôi vẫn phải phản biện, thẳng thắn bày tỏ sự phê phán của mình về tiết mục song ca này. Và đó là một bình luận chính xác, được nhiều người chia sẻ, đồng thuận và may sao, bạn tôi đã hết giận sau một thời gian nghĩ lại... Tôi luôn tự an ủi mình bằng câu thơ của Nguyễn Du, khi tôi đã lựa chọn nghề bình luận nghệ thuật: Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Chẳng nên trách móc trời gần đất xa!

- Với ca sĩ, bà luôn đưa ra những đánh giá thẳng thắn tới mức sẵn sàng gánh chịu sự bất hòa trong quan hệ với người bị đánh giá, vậy còn với đời sống hằng thường, theo cách nghĩ của bà, bà nghĩ sao về những vận động kinh tế - văn hoá - xã hội phức tạp và bề bộn quanh chúng ta?

- Tôi kể một chuyện cụ thể nhé, hiện nay hầu như ngày nào tôi cũng phải đi dạy học qua tuyến đường đang thi công Cát Linh - Hà Đông, nên muốn hay không cũng phải đặc biệt quan tâm đến dự án này. Và tôi thấy rất sốc khi một lãnh đạo ngành giao thông bảo công trình này phải đội vốn lên tới 300 triệu USD. Tính toán ban đầu kiểu gì mà phải đội vốn khủng khiếp vậy? Mà không riêng gì công trình này đâu, ta không lạ gì việc phải nghe thông báo nay dự án này, mai dự án kia bị đội vốn. Tôi đọc báo Tuổi Trẻ thấy có dự án giao thông ở TP Hồ Chí Minh phải trả lãi ngân hàng 2,5 tỉ một ngày. Tôi tự hỏi: Phía sau sự đội vốn và trả lãi ấy là tiền đóng thuế của người dân, vậy ai tự cho phép mình có quyền phung phí tiền dân đến thế?

- Nghe bà nói tôi lại nhớ đến việc ở Nghệ An người ta đã ăn chặn tiền sinh hoạt của ngay cả... bệnh nhân tâm thần. Người ta “ăn” thật khủng khiếp. Không hiểu sao tôi lại nghĩ ngay đến Vũ Trọng Phụng, và tự hỏi nếu Vũ Trọng Phụng còn sống, ông ấy sẽ viết gì về những kiểu “ăn” bẩn như thế này? Bà tưởng tượng giúp tôi được chứ...

- Vũ Trọng Phụng có thể viết phóng sự hoặc tiểu thuyết, và viết bằng một giọng văn khiến chúng ta phải cười ra nước mắt, hoặc khóc lên tiếng cười đấy. Bạn nhớ lại thời Vũ Trọng Phụng sống và viết, ông ấy đã viết thật chính xác, cay đắng và hiện thực về những người trong một đô thị kiểu Tây rất nhốn nháo, hỗn loạn và vẫn còn nguyên cách sống của một ngôi làng Việt, ngay khi đô thị mới được hình thành ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Và bây giờ, đô thị Việt dù đã được nâng cấp, cải thiện và phát triển tới mức không thể chối cãi thì nhìn ở góc độ văn hoá nông nghiệp thẳm sâu, nó vẫn còn những vấn đề ngổn ngang trăm mối, không khác gì những vấn đề thời Vũ Trọng Phụng. Ví dụ như cái ăn nhé, với tình trạng thực phẩm bây giờ, chúng ta không lạ khi ai đó, ăn vào một cái gì đó bỗng lăn đùng ra chết, hoặc ung thư. Cái mặc thì sao? Tôi đi dạy học và chứng kiến nhiều nữ sinh viên ăn mặc hở hang, lố lăng tới độ tôi đã phải bảo: “Nếu em vào lớp thì quần áo phải ở ngoài. Nếu quần áo vào lớp thì em…  ở ngoài”.

Ăn thế, mặc thế, vậy ở thì sao? Đô thị bây giờ có nhiều chung cư, nhưng dường như chúng ta đã quá quen với văn hoá làng quê, luôn ở nhà tranh mái rạ, nên không hoặc chưa kịp thích ứng với văn hoá nhà cao tầng. Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh, người ở chung cư mà cứ như đang ở trong làng. Mới hôm qua thôi, tôi thấy một bà cụ bế đứa cháu vào thang máy, lên lên xuống xuống hàng chục lần để dỗ cháu ăn cơm. Hoá ra bà ấy cứ lên một tầng thì thằng cháu mới chịu ăn một thìa cơm, và để cho nó chịu ăn cơm, bà ấy cứ đi ra đi vào, đi lên đi xuống trong thang máy hàng chục lần. Xin nói với bạn, ở những nơi thực sự có văn hóa chung cư - đô thị, người ta không hành xử như thế…

- Nghe buồn nhỉ...

- Vậy bạn sẽ buồn hơn khi nghe tôi nói rằng: Trong khi văn hoá đô thị ở ta còn chưa kịp định hình thực sự để có người đô thị thực sự, thì rất nhiều người ở quê nhập cư vào đô thị đã khiến quá trình đô thị hóa bị chậm lại. Bạn đừng tưởng cứ ở Hà Nội vài ba năm đã  thành ngay người  Hà Nội, và có thể nói giọng Hà Nội chuẩn. Phải có dòng dõi ở Hà Nội trên 100 năm, từ đời mình ngược lên đời cha mình, đến đời ông nội mình từng ở Hà Nội, mới có thể được coi là người Hà Nội gốc.

- Tôi thấy, trong nhiều phát biểu của mình, bà có vẻ quan tâm thái quá tới khái niệm “giọng người Hà Nội gốc”. Có cần phải như vậy không?

- Ô hay, tại sao tôi lại không quan tâm đến giọng chuẩn thủ đô đích thực là giọng người Hà Nội gốc nhỉ? Xin thông báo với bạn, đấy không chỉ là vấn đề riêng của ta, mà ở Pháp, Nga và các nước châu Âu cũng thế. Ở Pháp, người ta  cho giọng Paris của người Paris là giọng chuẩn, ở Nga thì nhấn mạnh giọng chuẩn là giọng của người Matxcova..., và đó  đều là giọng chuẩn của một quốc gia. Bạn để ý mà xem, đài truyền hình của mỗi quốc gia luôn đặc biệt yêu cầu các MC phải có giọng chuẩn thủ đô của chính quốc gia mình.

- Thưa PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, giả sử tôi không nói được giọng chuẩn Hà Nội không có nghĩa là hình ảnh, địa vị và giá trị bản thân của tôi kém những người nói giọng chuẩn Hà Nội. Sự hơn thua giữa người với người, theo tôi không nằm ở giọng nói, mà ở nội lực bên trong, ở trình độ, ở văn hoá sống của mỗi người...

- (Cau mày...) Hiển nhiên là thế! Bạn đừng đưa ra những giả thiết thiếu căn cứ như thế! Chính bạn đang nói một thứ giọng Hà Nội đẹp. Vấn đề ở đây chẳng liên quan gì đến sự hơn thua cả, mà chỉ liên quan đến chuẩn văn hoá của giọng thủ đô. Giọng Huế cực hay, giọng Sài Gòn rất đẹp, nhưng không được coi là giọng chuẩn Hà Nội, đặc biệt trên các phương tiện truyền thông đại chúng, như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam. Hát cũng vậy, dù ca sĩ người Sài Gòn, Đà Nẵng, hay Thanh Hóa thì cũng phải hát giọng chuẩn Hà Nội thì mới thành ca sĩ quốc gia… Từ đó, việc xác định chuẩn văn hoá của một vùng miền, một lãnh thổ, một quốc gia là điều căn bản để quy hoạch sự phát triển...

Bi kịch của sự phát triển đô thị

- Giờ xin quay lại vấn đề ta đang bàn: Vấn đề phát triển của một đô thị hiện đại. Nếu nhìn vào những người trẻ - những người sẽ trở thành chủ nhân tương lai của đất nước, thì theo bà, người trẻ đang sống trong các đô thị hôm nay liệu có đang gặp phải những vấn đề, những bi kịch nào không?

- Cách đây chưa lâu, điện ảnh Việt Nam có một bộ phim tạo dư luận và gây ấn tượng khá tốt và khá mạnh, đó là Đập cánh giữa không trung của Nguyễn Hoàng Điệp. Phim mở đầu với cảnh một cô sinh viên cứ vân vê đầu ti của mình trước gương, rồi hỏi bạn: “Ti của tớ bị thâm là chửa à?”. Người kia trả lời: “Làm sao mình biết”. Trời ơi, học đại học đến năm thứ mấy ở giữa thủ đô mà chửa là thế nào cũng không biết thì tội nghiệp quá và ấu trĩ quá. Trong suốt chiều dài bộ phim, cô gái này luôn làm tình với người yêu mình, cũng một chàng trai trẻ, trong một phòng trọ rẻ tiền lúc nào cũng ầm ầm xe lửa chạy qua. Chàng trai trẻ là thợ điện, vô tư thích chọi gà. Đôi tình nhân nghèo rớt, cô sinh viên muốn nạo thai nhưng không đủ tiền... 

Từ làng lên ở phố, bố mẹ nông dân, cô không thể xin tiền, và cuối cùng thì cô phải đi làm điếm để có tiền nạo thai. Song, tôi thích tính cách khá phức tạp, rối ren lãng mạn của cô gái này, với sự độc lập trong việc tự mình giải quyết tình huống trớ trêu và cô có một điều dễ mến là rất thích trèo lên cao, rồi từ trên cao nhìn xuống. Sao thế? Có lẽ vì chính cô ấy cũng biết mình lâm vào tình huống tầm thường, nhục nhã, nên muốn tự mình nhoi lên, đưa mình lên cao để có cảm giác được “đập cánh giữa không trung”. 

Phim hay nên tôi viết ngay bình luận về bộ phim ấy của Nguyễn Hoàng Điệp và kết thúc bài viết rằng: “Người trẻ hôm nay không đập cánh giữa không trung thì đập cánh ở đâu?”. Cũng có nghĩa là người trẻ không tự mình giải quyết vấn đề của chính mình thì không thể ai giải quyết hộ cả, nhất là khi người trẻ ấy đang sống trong khí quyển đô thị nhức nhối các vấn đề phát triển như hôm nay! Tôi nghĩ bộ phim này đặt ra và giải quyết khá đúng và trúng bi kịch của người trẻ trong đô thị Việt hiện đại.

- Bi kịch của những người muốn bay lên nhưng bị cụt cánh hoặc không được tạo điều kiện để bay lên, nên cứ mãi... đập cánh tuyệt vọng giữa không trung như thế?

- (Cười và gật đầu đồng thuận...)

- Giờ thì chúng ta quay trở lại lịch sử một chút. Thưa bà, có thể nói, đô thị Việt Nam hình thành cùng với sự xuất hiện của người Pháp - những người xâm lược vào giữa thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX...

- Người Pháp đến, tạo ra một cuộc chiến xâm lược, đồng thời tạo ra một cưỡng bức văn hoá. Người Pháp buộc chúng ta Âu hóa, bằng cách học ngôn ngữ của họ, ăn, mặc theo cách của họ, và tư duy theo cách của họ, và thế là xảy ra một cuộc va chạm văn hóa Đông Tây. Sự hình thành đô thị ở Việt Nam được tạo dựng trên cái nền tảng ấy. Cụ Đào Duy Anh, người đầu tiên nghiên cứu về văn hoá Việt Nam với tư cách sử văn hoá nói rằng, từ một xã hội tiểu nông âm tính, với ba hằng số nông dân - nông nghiệp - nông thôn, chuyển sang xã hội dương tính, với đô thị hoá, công nghiệp hoá, và hiện đại hóa, tất nhiên, theo cụ, sự chuyển đổi này chắc chắn sẽ là sự phát triển mang tính bi kịch…  

Tôi muốn nhấn mạnh rằng kết cấu làng xã Việt Nam cổ truyền trước đây gắn liền với nguyên tắc căn bản và đầu tiên là kết cấu theo huyết thống của gia tộc chủ nghĩa. Thế nên người ta mới gia tộc hoá làng quê, lấy tên gia tộc định danh một làng, chẳng hạn như Đào xá, Nguyễn xá, Vũ xá, Trần xá... là nơi ở của cả một gia tộc họ Đào, họ Nguyễn, họ Vũ, họ Trần,… mà chúng ta vẫn thấy rất điển hình ở những ngôi làng châu thổ Bắc Bộ. Điều này tạo nên một sức mạnh gia tộc cực kỳ mạnh mẽ, nhưng cũng để lại một mặt trái khủng khiếp về nếp nghĩ, nếp sống: đó là việc đặt quyền lợi gia tộc mình, làng mình lên trên hết. Chẳng thế mà có câu: “Của mình thì giữ bo bo, của người thì để cho bò nó ăn”. Hoặc “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Cứ người trong gia tộc thì đùm bọc, còn người ngoài thì thôi, “một người làm quan cả họ được nhờ”, “chị ngã em nâng”…

Và văn hoá gia tộc - văn hoá làng in sâu vào chúng ta đến mức ngay cả bây giờ, khi xảy ra một việc gì không may trong đời sống, nhiều người trong chúng ta vẫn kêu lên “bớ làng nước ơi cứu tôi”, “Ôi làng nước ơi”. Khi tôi đi học ở Nga, tôi thấy trong trường hợp này người Nga thường kêu cứu: “Ôi, các đồng chí ơi, hãy giúp tôi”. Bạn để ý kỹ nhé, khác nhau lắm đấy.

- Vâng, làng nước và đồng chí...

- Kết cấu làng nước ấy rất chặt chẽ, hài hòa, tạo nên sức mạnh gia tộc và lòng yêu nước, giúp chúng ta giữ nước cực tốt, vì khi chiến tranh xảy ra thì đất nước là tập hợp của các làng, trở thành siêu làng, siêu gia tộc. Trong thời bình thì kết cấu ấy một mặt sinh ra những nét ứng xử đẹp về gia tộc, như “sảy cha còn chú, sảy mẹ bú dì”, hoặc ứng xử đẹp của hàng xóm láng giềng với nhau, dù không cùng máu mủ, nhưng lại ở cùng làng, nên coi trọng “tình làng nghĩa xóm”, “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Song, mặt khác, điều này cũng đồng thời sinh ra những nét tính cách như so đo, đố kỵ, thích cào bằng, ghen ăn tức ở, con gà tức nhau tiếng gáy v.v... và v.v...

Và còn điều nữa phải thẳng thắn thừa nhận: những người sống trong kết cấu làng nước, ưng chịu văn hoá làng nước thường là những người lấy tình cảm đặt lên hàng đầu trong ứng xử, nên thường trọng tình cảm, nghĩ bằng bụng, và coi “một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”.

- Ồ, nghĩ bằng bụng ư, dù bụng đâu phải là chỗ để nghĩ...

- Tim, ruột gan, lòng dạ,... là những bộ phận đặc trưng cho cái nghĩ bằng bụng, tuân theo cảm xúc của người Việt. Người Việt thường nghĩ bụng, suy bụng ta ra bụng người, thông cảm nhau “lòng vả cũng như lòng sung”, “bụng làm dạ chịu” và thường ghét kẻ thay lòng đổi dạ, lòng lang dạ sói, bụng dạ hiểm độc… Chúng ta  hay lấy bụng để nghĩ, nên trong hành xử rất trọng cảm xúc và vì thế mới xảy ra cảnh “trái tim nhầm chỗ để trên đầu” của cha con An Dương Vương - Mị Châu, dẫn đến cảnh cơ đồ đắm bể dâu, như lời thơ của Tố Hữu về sự nhầm lẫn lịch sử của cha con An Dương Vương! 

Bạn nhớ lại lịch sử mà xem, An Dương Vương tin rằng một mối quan hệ thông gia, gả con gái cho con trai kẻ thù, lấy con trai kẻ thù về ở rể, có thể giúp đất nước tránh khỏi chiến tranh. Xin thưa, chỉ có người duy tình, nghĩ bằng bụng mới tin dễ dàng như thế. Con gái ông ấy cũng nghĩ bằng bụng, nên cha đặt đâu con ngồi đấy, chồng bảo gì cũng nghe, khi Trọng Thuỷ bảo muốn xem nỏ thần - vật báu quốc gia, vốn là vũ khí mật, dùng để chống quân xâm lược, thì vô ý mà cho chồng xem ngay, không mảy may nghi ngờ.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng một người nghĩ bằng bụng như An Dương Vương, đã lâm vào bi kịch đến nỗi khi cùng con gái Mị Châu trên lưng ngựa chạy khỏi Cổ Loa, ra đến tận bờ biển xa lắc rồi, mà vẫn không hiểu rốt cuộc vì sao mất nước. Phải đến khi nghe thần Kim Quy bảo: “Giặc ở sau nhà ngươi” thì mới hiểu và lập tức quay lại chém con gái mình. Ô hay, sao lại chém con gái? Ông ấy phải chém ông ấy đầu tiên chứ! Tại ông ấy gả con gái cho Trọng Thủy, tạo điều kiện cho Trọng Thủy ăn cắp nỏ thần, chứ đâu phải Mị Châu cố tình trao nỏ thần vào tay giặc!

Trong tưởng tượng của tôi, có lẽ khi thấy An Dương Vương lúc ấy, thần Kim Quy phải chán chường mà cười nhạt lắm, trước sự ngây thơ, cả tin người thái quá của hai cha con.

- Nhưng khi va chạm với phương Tây, thì những người nghĩ bằng bụng đã bắt đầu làm quen với việc... nghĩ bằng đầu? Và như vậy theo bà, cho đến nay, việc nghĩ bằng đầu, đánh giá mọi sự vật hiện tượng một cách lý tính có tăng lên không?

- Tăng lên nhiều chứ. Bây giờ là  thời đại mới, toàn cầu hoá, nên những biểu hiện này là dễ thấy. Nhưng theo tôi cái sự tăng lên ấy của cách tư duy mới vẫn chưa theo kịp với những đòi hỏi rất mạnh của sự phát triển. Không khó nhìn thấy những biểu hiện của căn tính nông dân đang gây cản trở hoặc gây bi kịch cho sự phát triển xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XXI, ngay ở những người đang sống trong đô thị, thành phố và ở ngay những công việc đại sự, thí dụ về cải cách giáo dục chẳng hạn, không ít người vẫn nghĩ bằng bụng… 

Bản sắc nhạt phai 

- Tới đây thì tôi muốn chuyển qua một vấn đề mà bà đã đề cập ở trên, rằng cái gốc văn hoá gia tộc giúp chúng ta giữ nước rất tốt. Nói cách khác, chúng ta luôn sẵn sàng cho những cuộc chiến bảo vệ tổ quốc, nhưng khi cuộc chiến đi qua thì…

 - Mỗi một dân tộc với đặc tính văn hoá riêng của mình, thường đối diện với chiến tranh và thời hậu chiến rất khác nhau. Như ở Mỹ, sau cuộc chiến với Việt Nam, có rất nhiều người từng tham chiến đã phải chịu những sang chấn tinh thần khủng khiếp, và vì thế họ đã thành những kẻ cướp của, giết người, nghiện hút, hoặc tự hành hạ bản thân... ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống an ninh Mỹ. Dù đã được thuốc thang, nhiều người tuy vẫn giữ được trạng thái cân bằng vào ban ngày, nhưng khi đêm xuống, họ lại lập tức gặp ác mộng, luôn mơ về những cảnh tượng chiến tranh hãi hùng mà mình từng tham chiến ở Việt Nam. Thế nên họ đau khổ, họ tàn tạ, họ què cụt, hụt hẫng tâm hồn. 

Một người Mỹ bạn tôi đã lập ra tổ chức tên là “Tâm hồn người lính”, dùng phương pháp chữa bệnh đặc biệt, kết hợp tư tưởng Phật giáo với việc đưa những người lính này quay trở lại Việt Nam để làm từ thiện, để xin lỗi những người dân Việt đã bị mình giết, nhằm làm dịu nỗi đau tâm hồn. Có những người sang Việt Nam 1, 2 lần đã khỏi bệnh, nhưng có những người sang đến 4, 5 lần mới khỏi. Trong một hội thảo về chiến tranh và hòa bình mà tôi tham dự tại Mỹ cuối năm 2010, một học giả đã hỏi tôi một câu tương tự như bạn, đó là sau chiến tranh, người Việt Nam có bị sang chấn tâm lý như vậy không?

Tôi trả lời là có, và bảo với họ rằng ở nước tôi, những người bị sang chấn tâm lý lớn nhất  chính là những bà mẹ. Nếu với người Mỹ, gương mặt chiến tranh là người lính, người đàn ông thì ở Việt Nam, với đặc điểm văn hoá riêng, thì gương mặt chiến tranh lại là gương mặt người mẹ, người phụ nữ.

- Lịch sử dân tộc chúng ta trải qua rất nhiều những cuộc chiến tranh vệ quốc, và chúng ta đã chứng kiến rất nhiều người mẹ, người phụ nữ chịu những sang chấn tâm lý này. Chúng ta đã làm dịu lại những sang chấn tâm lý của họ như thế nào, thưa bà?

- Chúng ta đã tôn vinh những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Chúng ta đã thực hiện mọi chính sách tốt nhất để chăm lo đời sống cho các mẹ, tìm hài cốt cho các con của mẹ.

Ngay từ thời phong kiến, hẳn nhiên người mẹ, người phụ nữ Việt Nam cũng chỉ thuộc vào hàng thứ yếu theo tư tưởng Khổng giáo. Nhưng nhà nước phong kiến Việt Nam cũng đã học và sửa sang, giúp cuộc sống của người phụ nữ bớt khổ hơn so với luật lệ của Trung Quốc. Ta từng có Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật Gia Long có điều khoản cho phép chồng chết ba năm, người phụ nữ được tái giá, lấy chồng khác.

- Vâng, chúng ta bị ảnh hưởng Trung Quốc, nhưng cũng luôn biết tạo ra tiếp biến văn hóa theo cách phù hợp nhất với mình.

- Thế mới có chuyện Nguyễn Du lấy một truyện Trung Quốc để viết, nhưng lại phả vào truyện ấy một nhịp điệu lục bát, một tình tự tâm hồn rất Việt, để thành một tác phẩm mang bản sắc Việt, đó là Truyện Kiều.

- Nhiều lúc tôi băn khoăn tự hỏi, ta tiếp nhận và biến đổi từ Trung Quốc ít nhiều, rồi lại tiếp nhận và biến đổi từ phương Tây, vậy xét cho cùng bản sắc riêng của chúng ta ở đâu, là gì, và có thể gọi tên một cách thực sự như thế nào...

- Trước khi ông An Dương Vương mất nước, mình rơi vào ngàn năm Bắc thuộc thì mình đã có một đất nước, một bờ cõi riêng. Thời các vua Hùng đấy, văn hoá Đông Sơn đấy...

- Cụ thể như thời hiện đại này, nhìn từ cái ăn, cái mặc, cái đi, cái đứng, chúng ta có thể gọi bản sắc của chúng ta là gì đây?

- Tôi xin nói, chúng ta đang tàn phá bản sắc của chính mình. Một ví dụ bé tí tẹo như chuyện ăn một bát bún ốc thôi. Bây giờ người Hà Nội rất quen với việc cho đậu, giò, chả, thịt bò, trứng vịt lộn tuốt tuột… vào bát bún ốc. Trong khi bún ốc Hà Nội xưa không hổ lốn thế. Bát bún ốc thời ấy thanh cảnh, đẹp đẽ, ngon lành, chỉ có ốc, trong vị cay xé của ớt, khiến các cô gái ăn mà chảy nước mắt, và giọt nước mắt ấy đẹp tới mức khiến Thạch Lam phải khen: “Con gái Hà Nội ăn bún ốc, nhỏ những giọt nước mắt còn thành thật hơn cả những giọt lệ tình”.

- Và giữ bản sắc của một vùng đất, một quốc gia là phải giữ ngay từ những điều rất cụ thể như cái ăn, cái mặc như thế…

- Đúng, phải như thế!

- Rất cảm ơn PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái  về cuộc đối thoại này!

Phan Đăng (thực hiện)
.
.
.