NSND Chu Thúy Quỳnh: Đi tận cùng đam mê sẽ thành công

Thứ Năm, 02/03/2017, 09:28
Gắn bó với nghệ thuật múa từ năm 14 tuổi, sau hơn 60 năm, với NSND Chu Thúy Quỳnh, trụ sở Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam vẫn là nơi chốn thân thuộc để đi về mỗi ngày. Đón chúng tôi tại ngôi nhà chung của các nghệ sĩ múa ngay khi thông tin bà được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật, câu chuyện của nữ nghệ sĩ gần như chỉ xoay quanh nghệ thuật múa dân tộc, dân gian và những bài học mà bà đã được Bác Hồ chỉ dạy từ những năm tháng mới vào nghề.


NSND Chu Thúy Quỳnh là người Hà Nội gốc, hậu duệ của nhà giáo Chu Văn An. Hơn 60 năm trước, định kiến về nghề biểu diễn trong số đông, đặc biệt là những gia đình có truyền thống về Nho học vẫn còn nhiều, nhưng cô bé Chu Thúy Quỳnh đã mạnh dạn thi tuyển vào Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương.

Nhớ về thời điểm này, nữ nghệ sĩ chia sẻ rằng, bà cũng không hiểu tại sao lúc ấy lại dám một mình đến xin thi tuyển vào đoàn như thế. Tuy nhiên, có một điều bà chắc chắn là mình đã chọn đúng, múa đã mang lại cho bà nhiều may mắn.

NSND Chu Thúy Quỳnh.

Đầu tiên là cơ hội và vinh dự gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chưa đầy 1 năm sau khi vào đoàn, bà đã được gặp Bác. Người đến xem một chương trình biểu diễn phục vụ khách nước ngoài. Kết thúc chương trình, Bác hỏi Trưởng đoàn Nguyễn Văn Thương ai là người bé nhất. Nhạc sĩ giới thiệu Chu Thúy Quỳnh.

 Sau buổi gặp ấy, thỉnh thoảng vào ngày nghỉ, lễ tết, Chu Thúy Quỳnh lại được vào thăm, ăn cơm cùng Bác… Mỗi lần gặp, mỗi câu chuyện, Bác đều lồng ghép những bài học nho nhỏ. Nhưng bà nhớ nhất là chuyện Bác kể về người học nhảy cao. Người nhảy phải tự tay đào một cái hố, hằng ngày tập nhảy bật lên. Nhảy được lên miệng hố, lần sau, anh ta cho đất vào ống quần, tập tiếp, cứ thế, mỗi lần tăng lên một chút… 

Nữ nghệ sĩ không hiểu được ngay vì sao Bác lại kể chuyện này cho mình, cho rằng chuyện tập nhảy khỏi hố không liên quan gì đến nghệ thuật múa. Về nhà, suy nghĩ lại, bà mới hiểu Người đang chỉ dạy mình về sự khổ luyện.

Nhớ bài học của Bác, ngày nào Chu Thúy Quỳnh cũng dậy thật sớm, hết gác thẳng chân lên xà, gập người, lại tập bật nhảy. Nhiều lần ngã đau, bong gân, khớp xưng tấy, vẫn cố gắng dậy sớm, đúng giờ tập. Đông cũng như hè. Thói quen ấy, đến nay, 76 tuổi, nữ nghệ sĩ vẫn duy trì. Mắt mờ, chân chậm, bà không tập những động tác khó, mà tập trung rèn luyện sức khỏe, ít nhất cũng đủ đảm bảo công việc của Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và các công việc mang tính chất xã hội, thiện nguyện khác mà bản thân bà vẫn đang đảm nhận.

Chia sẻ về nghề, NSND Chu Thúy Quỳnh bảo rằng, ngoài năng khiếu, sự chăm chỉ, bà may mắn nhận được sự chỉ dạy của Bác và nhiều bậc thầy lớn cả về hoạt động nghệ thuật lẫn ứng xử trong cuộc sống. Câu chuyện về nước mắm trong bữa ăn của Bác là một ví dụ. Lần nào được ngồi ăn cơm cùng Bác, bà cũng thấy Người chấm rau với tương.

Bà hỏi Bác vì sao không chấm với nước mắm. Người nói không thích mùi nước mắm. Bà lại hỏi vì sao Bác không cho người phục vụ làm nước mắm riêng, ít mùi. Bác bảo Bác có phải là vua đâu…

Câu nói của Bác giúp bà ngộ ra được nhiều điều. Ngày ấy, bà nhỏ tuổi nhất đoàn, luôn được mọi người ưu ái. Nghệ thuật múa dân gian, dân tộc mà bà đang theo đuổi có những đặc thù riêng, không giống nhiều bộ môn nghệ thuật khác.

NSND Chu Thúy Quỳnh biểu diễn tiết mục múa “Cánh chim và ánh sáng mặt trời”.

Nghệ sĩ có thể biểu diễn một mình trên sân khấu nhưng hiệu quả không cao như phối hợp với bạn diễn. Chưa kể, tiết mục thành công còn cần sự hỗ trợ của cả một tập thể ở phía hậu đài, những người phụ trách âm nhạc, ánh sáng… Muốn thành công, mỗi cá nhân vừa phải tự nỗ lực, vừa phải biết nhường nhịn, hòa mình vào tập thể.

Sau này, càng đi nhiều, làm nghề lâu năm, bà càng thấm thía bài học của Bác. Việt Nam có rất nhiều rất dân tộc. Nghệ thuật dân gian, dân tộc như bức tranh rộng lớn, nhiều màu sắc và sau mỗi sắc màu ấy đều có rất nhiều điều thú vị. Muốn chuyển tải được vẻ đẹp của bức tranh muôn màu ấy, không gì tốt hơn là hòa mình trong không gian văn hóa của các cộng đồng, quan sát, học hỏi, tìm tòi.

Để có “Mùa xuân trên  bản HMông” – tiết mục múa từng giành huy chương vàng Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990, giải nhất Liên hoan múa quốc tế 2014 và là một trong 3 tác phẩm được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này, bà đã nhiều lần lặn lội về bản, đắm mình trong các phiên chợ ngày xuân, ngắm các chàng trai, cô gái say sưa nhảy múa, cảm nhận được sự hân hoan của chàng trai bản vừa cướp vợ thành công, cõng trên lưng đưa về trong không khí của đất trời vùng cao tươi đẹp.

Múa “Hoa đất nước” là bức tranh lớn của tình đoàn kết các dân tộc anh em, mà ở đó mỗi dân tộc đều hiện diện sinh động với những độc đáo riêng qua từng điệu múa, phục trang, âm nhạc. “Hầu văn Xá Thượng” là điệu múa dân gian trên nền nhạc là làn điệu hầu văn Xá Thượng. Hiện nay, thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, được nhiều người biết đến, nhưng năm 1995, thời điểm bà dựng tiết mục này, rất nhiều người vẫn còn nhầm lẫn và đánh đồng nghệ thuật này với hoạt động mê tín dị đoan.

Người dựng tiết mục, nếu không dấn thân, không hiểu đến tận cùng của tín ngưỡng này sẽ không thể thuyết phục được khán giả, giới chuyên môn, nhà quản lý để đưa lên sân khấu… Nhưng bà đã làm được. Tiết mục đoạt huy chương vàng Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 1995 và là một trong 3 tác phẩm được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Ngọc Nguyễn
.
.
.