Muốn bù lấp "lỗ hổng lịch sử" phải am hiểu lịch sử

Thứ Hai, 19/09/2016, 07:53
Từ năm 2014, Công ty CP sách Alpha cho ra mắt tủ sách "Góc nhìn sử Việt" với nhiều đầu sách viết về lịch sử. Công bằng mà nói, giữa lúc bộ môn Lịch sử bị xao nhãng, tủ sách "Góc nhìn sử Việt" được bạn đọc chờ đợi. Công ty CP sách Alpha cũng đã cho ra đời được một số đầu sách có giá trị như "Hoàng Việt hộ luật"... Song, đánh giá một cách sòng phẳng thì tủ sách này chưa được như mong đợi.


Điều đầu tiên cần nói tới, đó là tiêu chí lựa chọn đầu sách.

Công ty CP sách Alpha gần như không đưa đến đầu sách nào mới. Những cuốn sách họ cho tái bản, tên nghe thì hấp dẫn nhưng in ra lại thành... thảm họa. Đó là các cuốn "Đất nước Việt Nam qua các đời" của GS Đào Duy Anh; cuốn sách có hàng nghìn lỗi. Trong đó, có những lỗi rất sơ đẳng là lỗi đánh máy. Bỏ qua tất cả các quy trình xuất bản, sau khi cho đánh máy xong, cuốn sách được đưa vào chế bản và phát hành ra thị trường.

Vì thế, nó trở thành thảm họa xuất bản khi bạn đọc phải tiếp nhận một sản phẩm "lỗi hoàn hảo", như đã nói ở trên là hàng nghìn lỗi. Trong đó, hài hước nhất là ngay cả Bảng từ khóa (Index) cũng được đánh máy lại y nguyên với bản in năm 1964.

Cuốn thứ hai là "Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858 - 1897)", của TS Lê Xuân Thọ, Công ty CP sách Alpha - NXB Hồng Đức (2016). Phải thẳng thắn nhìn nhận, cuốn sách là bản thảo tự xuất bản của tác giả ở Pháp năm 1994. Vì vậy, khi tái bản lại ở Việt Nam năm 2016, lẽ ra, nó cần được đọc biên tập một cách kỹ lưỡng.Vậy mà, các công đoạn cũng bị bỏ qua. Bởi thế, mới xuất hiện lỗi xuất bản kiểu "dịch hóc xương gà". Cụ thể, tôi đã có bài viết phân tích rõ ràng trên Văn nghệ Công an.

Công ty CP sách Alpha gần như không giúp bạn đọc phân chia được rõ ràng giữa Lịch sử và Lịch sử hóa - hay Tiểu thuyết lịch sử. Bởi vậy, trong tủ sách "Góc nhìn sử Việt" lẫn lộn giữa những chuyên khảo về lịch sử là những bộ tiểu thuyết lịch sử, cũng như những cuốn sách chỉ có tính chất giai thoại lịch sử.

Bộ sách "Góc nhìn sử Việt" của Công ty CP sách Alpha.

Đánh giá chung toàn bộ tủ sách "Góc nhìn sử Việt", chúng tôi thấy rằng, những người tham gia vào quy trình xuất bản đều hổng nặng về kiến thức lịch sử. Chính vì thế, cuốn sách nào cũng có lỗi kiến thức nặng nề. Ngay ở Lời giới thiệu của tủ sách "Góc nhìn sử Việt", cuốn nào cũng thấy đề: "Theo kết quả khảo sát, đánh giá nhu cầu của bạn đọc cho thấy, "lỗ hổng lịch sử" ở không ít người trẻ hiện nay"…

Thế nhưng, muốn bù lấp "lỗ hổng lịch sử" ấy, yêu cầu đặt ra là những người tham gia quy trình làm sách phải là những người am hiểu lịch sử. Đáng tiếc là, với hàng trăm đầu sách được in ra từ năm 2014 đến nay cho thấy một sự thật là: Những người tham gia làm sách của Công ty CP sách Alpha cùng với các đối tác liên kết là các Nhà xuất bản đều hiểu biết về lịch sử một cách lờ mờ. Cho nên, các đầu sách in ra đều mắc lỗi nặng nề về kiến thức lịch sử.

Dưới đây, chúng tôi xin liệt kê một số đầu sách từ năm 2014 đến 2016 để bạn đọc tỏ tường.

Cuốn "Tiểu truyện danh nhân Tôn Thất Thuyết và những văn thân trong phong trào Cần Vương", Công ty CP sách Alpha - NXB Hồng Đức (2015). Tác giả: Cố Nhi Tân - một bút danh khác của Lãng Nhân - tức Phùng Tất Đắc (1907 - 2008). Gần 160 trang nội dung, viết về 10 danh nhân yêu nước chống Pháp từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.

Đáng tiếc là, hai danh nhân Hoàng Hoa Thám và Trịnh Cấn (Đội Cấn) không thuộc Phong trào Cần Vương cũng được đưa vào sách. Cố nhiên có thể đó là quan điểm riêng của tác giả Phùng Tất Đắc, song những người tái bản sách cũng cần có chú giải để bạn đọc được rõ.

Còn theo phân kỳ lịch sử từ hàng chục năm nay của các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam, danh nhân Hoàng Hoa Thám và Trịnh Cấn không thể gán vào Phong trào Cần Vương. Cần kể thêm là, về tiểu sử các danh nhân cũng cần được minh định rõ. Ví dụ, ở trang 68, đối với Nguyễn Thiện Thuật mà viết (Tán Thuật: 1841…); điều này thể hiện năng lực của người làm sách: biết chưa tới nơi - hoặc là chú giải đại khái. Cần cho bạn đọc biết về năm mất của Nguyễn Thiện Thuật. Tương tự, trang 77 viết: Hoàng Hoa Thám (1862 - 1913). Về năm sinh của Hoàng Hoa Thám có nhiều giả thuyết, trong sách này cũng nên chú giải cho bạn đọc được tỏ tường.

Cuốn "Nguyễn Văn Vĩnh" của tác giả Nhất Tâm - tên thật là Nguyễn Bá Thế (1925 - 1996), Công ty CP sách Alpha - NXB Khoa học Xã hội (2016) lại cho thấy sự máy móc của việc "tái bản nguyên bản". Trang 63 - 65 của cuốn sách có bài Điếu văn của ông Janvier - sáng lập Hội La Loge Confucius; trang 66 - 68, có bài Điếu văn của ông Henri Rirard - bậc lão thành trong báo giới Bắc Việt.

Cả hai bài đều bằng tiếng Pháp, viết về Nguyễn Văn Vĩnh. Khi tái bản lại năm 2016, các đơn vị làm sách đều in nguyên bản và không hề dịch sang tiếng Việt hai bài Điếu văn này. Phải chăng họ muốn đánh đố bạn đọc tiếng Việt?

Cuốn "Việt sử giai thoại" của Đào Trinh Nhất (1900 - 1951), Công ty CP sách Alpha - NXB Hồng Đức (2016). Bìa lót có ghi: Tái bản dựa trên bản in của Cộng Lực. Xin cho hỏi, văn bản này được xuất bản năm bao nhiêu? Đó là bản in lần đầu hay bản in lần N nào đó?

Muốn bù lấp "lỗ hổng lịch sử" cho người khác, trước hết bản thân mình phải là người am hiểu lịch sử. Chớ lấy sự nhiệt tình của mình để đưa ra ngoài thị trường những sản phẩm què quặt. Điều đó một mặt gây ra một thứ phế liệu mới có tên gọi sách rác thải, mặt khác gián tiếp cho việc... phá rừng.

Chữ tín… hiếm hơn vàng

Trong khoảng 2 năm nay, Công ty CP sách Alpha liên tiếp đưa ra thị trường hàng loạt đầu sách lịch sử đầy lỗi tai hại. Tuy nhiên, đơn vị này gần như im lặng trước sản phẩm lỗi của mình. Với 2 đầu sách mà VNCA đã lên tiếng gần đây là cuốn "Đất nước Việt Nam qua các đời" của GS Đào Duy Anh và cuốn "Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858 - 1897)", của TS Lê Xuân Thọ đều do NXB Hồng Đức cấp phép và phát hành năm 2016; cả Công ty CP sách Alpha lẫn NXB Hồng Đức đều không có phản hồi.

Tôi chợt nhớ, năm 2013, khi NXB Trẻ liên kết với NXB Hồng Bàng in bộ "Kiến văn tiểu lục" của Lê Quý Đôn, chỉ dùng sai chân dung Lê Quý Đôn thành Nguyễn Trãi ở trang bìa và in sai tên dịch giả Phạm Trọng Điềm thành Nguyễn Trọng Điềm; Ban giám đốc NXB Trẻ đã có thư xin lỗi tới bạn đọc.

So sánh nêu trên có lẽ là khập khiễng, tuy vậy vẫn phải nêu ra bởi nó thể hiện đẳng cấp và trách nhiệm của các đơn vị tham gia xuất bản hiện nay. Với những bạn đọc đã mua phải những cuốn sách sai nêu trên, họ có cần nhận lời xin lỗi hay đền bù thiệt hại từ Công ty CP sách Alpha hay không? Hay họ chỉ nhận được một sự im lặng đáng ngạc nhiên?

Kiều Mai Sơn
.
.
.