Liệu “lệ làng” có dung túng ảnh khỏa thân khi “phép vua” đã định?

Thứ Ba, 07/06/2016, 09:10
“Tôi muốn chụp ảnh khỏa thân để lưu giữ tuổi thanh xuân, có gì sai?”, “Có nhiều cách để thể hiện vẻ đẹp hình thể tại sao cứ phải là chụp ảnh khỏa thân”… Đó là những ý kiến trái chiều của dư luận xã hội ngay sau khi Bộ VHTTDL đưa ra quyết định cấm chụp ảnh khỏa thân với một số đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.


Về vấn đề này, Báo điện tử CAND đã có nhiều bài phản ánh, để rộng đường dư luận, PV đã có một buổi trò chuyện với Chuyên gia văn hóa, TS. Nguyễn Thị Hồng, người đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa, hiện đang công tác tại Học viện báo chí và tuyên truyền. Bà đã có những chia sẻ rất thẳng thắn xoay quanh vấn đề gây nhiều tranh cãi này.

PV: Như bà đã biết Thông tư số 01/2016 của Bộ VHTTDL quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 15 về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang. Theo đó, người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, người đạt danh hiệu tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu không được chụp và phổ biến ảnh khỏa thân. Dưới góc nhìn của một chuyên gia văn hóa, bà có suy nghĩ gì về quyết định này?

TS. Nguyễn Thị Hồng: Nhiều người cho rằng mọi công dân đều có quyền tự do, quyền được hoạt động, quyền được cống hiến…Họ được phép thể hiện cái tôi của mình, mà nhất là đối với giới nghệ sĩ, thì điều này còn phải dựa trên một quy chuẩn nữa, đó là tôn trọng cá tính sáng tạo. Do vậy, quản lý trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật là một lĩnh vực quản lý rất nhạy cảm.

Tuy nhiên, hình ảnh ăn mặc thiếu thẩm mĩ, hay còn gọi là lệch chuẩn so với văn hóa dân tộc như vậy, sẽ làm cho cái nhìn của cả xã hội đối với tầng lớp nghệ sĩ cũng bị lệch chuẩn theo. Giới nghệ sĩ cho rằng họ có quyền tự do trong phong cách ăn mặc của mình. Tuy nhiên, cần nhìn nhận vấn đề ở một cạnh khác. Phải chăng tự do có phải là thích làm gì thì làm?

Đồng ý là nghệ sĩ phải có quyền tự do, được thể hiện cá tính sáng tạo. Thế nhưng tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, mà còn phải dựa trên hai luật định, thứ nhất là luật pháp, thứ hai là luật tục. Trong lĩnh vực quản lý văn hóa nghệ thuật có 3 phương thức để quản lý, đó là phương thức quản lý theo văn bản hành chính, phương thức quản lý theo kinh tế và phương thức quản lý theo phương pháp giáo dục. Trong đó phương pháp giáo dục phụ thuộc vào dư luận xã hội, những đánh giá của xã hội sẽ góp phần điều chỉnh hành vi của cá nhân và cả một cộng đồng.

Do vậy, những người nghệ sĩ, hoa hậu, người mẫu, ca sĩ… ăn mặc phản cảm, chụp và phát tán ảnh khỏa thân sẽ bị dư luận xã hội phản ứng và phê phán, chính điều này đã tạo cơ sở để Pháp luật phải điều chỉnh các quy định đi theo nó.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên - người giành nhiều giải thưởng với ảnh nude.

PV: Có quan điểm đưa ra rằng quy định này là không cần thiết, vì việc các nghệ sĩ có chụp ảnh và phát tán ảnh khỏa thân hay không, không phản ảnh thuần phong mỹ tục của một quốc gia. Bà đánh giá như thế nào về quan điểm này?

TS. Nguyễn Thị Hồng: Tôi không đồng ý với quan điểm này, nói như vậy là không đúng. Con người bao giờ cũng có hai phương diện, một là con người cá nhân, hai là con người xã hội. Trong mối quan hệ với xã hội, mỗi người đều phải chịu sự quản lý của một tổ chức xã hội nhất định, ví dụ như một nhà văn sẽ phải chịu sự quản lý của Hội nhà văn Việt Nam.

Bất cứ mọi lĩnh vực nào của văn hóa nghệ thuật đều chịu sự quản lí của Nhà nước, đều phải có tính định hướng, tính tư tưởng, tính giá trị văn hoá . Cho nên, tất cả mọi hành vi của giới nghệ sĩ tham gia vào việc chụp và phát tán ảnh khỏa thân đều có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến diện mạo của văn hóa nghệ thuật quốc gia.

Bất kể một hành động nào của con người, ngoài trách nhiệm cá nhân còn là đại diện cho cả một cộng đồng. Trừ khi, các nghệ sĩ chụp ảnh khỏa thân, nhưng không phát tán và xã hội hóa những bức ảnh đó, thì quan điểm trên mới có thể được chấp nhận.

PV: Được biết, đây là một loại hình nghệ thuật rất được ưa chuộng tại phương Tây. Theo bà, phải chăng do giới nghệ sĩ, nhiếp ảnh trong quá trình tiếp nhận văn hóa chưa biết cách biến hóa nó để phù hợp với thuần phong mỹ tục ở Việt Nam, khiến cho loại hình nghệ thuật này bị Bộ VHTTDL ra quyết định cấm?

TS. Nguyễn Thị Hồng: Thực tế là  một số nghệ sĩ ở Việt Nam đã dập khuôn, bắt chước văn hóa phương Tây một cách không sàng lọc. Thấy bên đó họ ăn mặc thế nào là mình cũng ăn mặc theo như thế, mà điều này lại không phù hợp với đặc trưng phong cách ăn mặc ở Việt Nam.

Sự lựa chọn của số ít cá nhân lại làm ảnh hưởng đến giới nghệ thuật bởi con sâu làm rầu nồi canh. Vấn đề chụp ảnh khỏa thân cũng vậy, riêng các hoa hậu, người đẹp, người mẫu lại càng cần thiết. Quan niệm của người Việt là tốt gỗ hơn tốt nước sơn, cái nết đánh chết cái đẹp. Đối với các hoa hậu, người đẹp, người mẫu ở Việt Nam, họ không chỉ cần đẹp về hình thể, mà còn đại diện cho tinh hoa, cho những giá trị tốt đẹp của một dân tộc.

Tôi cho rằng đây là một quy định cần thiết để văn hoá Việt Nam thực sự giữ gìn được bản sắc dân tộc, thể hiện được nét tinh tế, kín đáo mà sâu sắc, khiến các nền văn hoá khác phải khám phá trong ngỡ ngàng và khâm phục.

PV: Có ý kiến cho rằng, quyết định cấm này của Bộ VHTTDL chỉ góp phần kìm hãm, thay vì tạo điều kiện cho loại hình nghệ thuật này phát triển theo quy luật. Theo bà, điều này có đúng không?

TS. Nguyễn Thị Hồng: Ở phương Tây thì tự do cá nhân dường như là tuyệt đối và nền văn hóa coi trọng yếu tố cá thể hơn bao giờ hết. Tuy nhiên như đã nói, ở Việt Nam hành vi của giới nghệ sĩ bị chi phối bởi luật pháp và luật tục.

Nếu quy định này dựa trên quy chuẩn của văn hóa Việt Nam, thì nó không kìm hãm điều gì cả, ngược lại nó còn thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật chân chính, nghệ thuật vị nhân sinh, thể hiện quan điểm thẩm mỹ và triết lý sống của nghệ sỹ Việt Nam.

Tất nhiên nghệ thuật phát triển theo những quy luật đặc thù, nhưng là văn hoá nghệ thuật thì phải thể hiện các chức năng của văn hoá: chức năng giáo dục, nhận thức, thẩm mỹ...

Ảnh trong bài của Thái Phiên.

PV: Nhiều người lo lắng về việc xác định ảnh khỏa thân, khi ranh giới giữa ảnh nghệ thuật và ảnh khiêu dâm rất mong manh. Là một người đã nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa lâu năm, bằng những hiểu biết và kinh nghiệm của mình, bà có thể đưa ra một số khía cạnh để phân biệt giữa ảnh nghệ thuật và ảnh khiêu dâm không?

TS. Nguyễn Thị Hồng: Tôi nghĩ để xác định giữa 2 thể loại ảnh này không khó lắm, trước hết là do con mắt nhìn của chúng ta, sự vật hiện tượng nó không có tên gọi. Cùng một vật thể có người nhìn thấy giá trị của nó, có người lại phủ nhận sự tồn tại hợp lý của nó.

Cùng là một bức ảnh nhưng khi có đủ độ chín của nhận thức, của những sự trải nghiệm trong sáng và nghiêm túc, có thể quyết định nhận thức đó là ảnh nghệ thuật hay một thể loại ảnh nào khác.

Thứ hai để phân biệt, còn do tự thân của bức ảnh, cách tạo dáng các tư thế đứng, ngồi hay nằm của nhân vật. Điểm nhãn của bức ảnh là sự tỏa sáng của tâm hồn trên gương mặt thì đó là bức ảnh nghệ thuật. Các tỷ lệ, màu sắc sáng tối mất cân đối cũng sẽ dẫn đến sự hiểu sai. Hoặc có những bức ảnh cắt vụn, tức là chỉ chụp các bộ phận trên cơ thể người thì đó không phải là ảnh nghệ thuật.

Thật ra tôi không nghĩ nên gọi là ảnh khiêu dâm vì người chụp ảnh khoả thân có khi không nghĩ đó là ảnh khiêu dâm, một số người trong giới nghệ sĩ Việt Nam mục đích của họ chỉ là để phô trương vẻ đẹp hình thể của mình. Đơn thuần họ nghĩ rằng mình đang hoạt động trong một lĩnh vực nghệ thuật, mình đẹp, tại sao mình lại không để người khác chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mình.

Thực tế, có nhiều người đẹp sau khi đã đạt được ngôi vị đã sống trong cảm giác tột cùng của hạnh phúc, nhưng lại không nghĩ đến danh hiệu ấy nó gắn với trách nhiệm xã hội lớn tới mức nào, mà họ coi đó như một phần thưởng, một món đồ trang sức và họ khai thác nó theo mục đích riêng.

Vì lúc ấy họ đã trở thành người của công chúng, đại diện cho cái đẹp của văn hóa Việt Nam, ngoài những quyền lợi mà bản thân được hưởng thì họ phải có trách nhiệm đối với cộng đồng. Tôi hy vọng những người như thế không nhiều, và những người đẹp của Việt Nam thực sự xứng đáng với danh hiệu họ đã được vinh danh bằng vẻ đẹp ngoại hình và tâm hồn.

Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện.

Thúy Hằng (thực hiện)
.
.
.