Văn học huyền ảo liệu có thành trào lưu?

Thứ Ba, 19/04/2016, 08:22
Từng tạo nên một trong những “cơn sốt” lớn nhất “làng sách” Việt vài năm trở lại đây với bộ truyện nổi tiếng thế giới “Harry Potter”, dòng sách fantasy - văn học huyền ảo tiếp tục tạo những dấu ấn nhất định trong “phong trào” đọc với hàng loạt ấn phẩm đình đám khác. Nắm bắt nhanh thị hiếu của người đọc, nhiều cây bút cũng chuyển hướng sáng tác sang dòng sách này với nhiều kỳ vọng không chỉ dành riêng cho sách.

Dịch giả Lệ Chi, một trong những gương mặt đi tiên phong trong việc nhập, dịch, xuất bản nhiều tác phẩm nổi tiếng thuộc dòng sách fantasy về Việt Nam tự tin khẳng định: Các tác phẩm fantasy hiện nay chiếm một vị trí quan trọng trong những lựa chọn của người trẻ. Sự lựa chọn này là một xu hướng tất yếu và không chỉ là xu hướng của riêng Việt Nam.

Nhà văn Phan Hồn Nhiên – một trong các cây bút viết sách fantasy Việt được yêu mến ký tặng sách cho độc giả.

Hiện nay, nhắc tới dòng sách fantasy, chúng ta hay nói đến thành công của bộ truyện “Harry Potter”, nhưng thực tế đây chỉ là một trong nhiều bộ tác phẩm “ăn khách” nhất trên thế giới thuộc dòng sách này. 

Điển hình, bộ sách “Percy Jackson và các vị thần trên đỉnh Olympus” đã bán được hơn 30 triệu bản trên toàn thế giới chỉ sau một thời gian ngắn được phát hành và từng chiếm giữ vị trí trong danh sách Sách bán chạy nhất trên New York Times cho thể loại sách thiếu nhi liên tiếp trong 153 tuần. 

Phần 1 của bộ truyện - “Kẻ cắp tia chớp” đã bán bản quyền cho 35 nước, đã được chuyển thể thành phim truyện nhựa cùng tên và video game. Rick Riordan – tác giả bộ sách cũng là tiểu thuyết gia văn học thiếu nhi ăn khách nhất nước Mỹ. Hàng loạt bộ tác phẩm “ăn khách” khác cũng thuộc dòng sách này cần phải kể đến: “Vũ khí bóng đêm” của Cassandra Clare, “Skudulgerry vui vẻ” của Derek Landy, “Biên niên sử nhà Kane” của Riordan… 

Con số vài chục triệu bản cho mỗi đầu sách cùng việc chuyển thể sang vài chục ngôn ngữ khác nhau và với ngôn ngữ nào, sách cũng chinh phục bạn đọc là lý do để những người làm sách Việt quyết định đưa tác phẩm về với bạn đọc Việt. Thực tế đúng như phán đoán. Sách nhanh chóng chinh phục nhiều bạn đọc và đa phần bạn đọc dòng sách này là các bạn trẻ - những người thích khám phá, thích cái mới.

“Biên niên sử nhà Kane” - bộ truyện nổi tiếng của cây bút “ăn khách” Rick Riordan.

Dịch giả Lệ Chi cũng tiết lộ, theo tìm hiểu của chị, việc cho ra đời các bộ sách thuộc dòng fantasy ở nước ngoài gần như chỉ là tiền đề cho các tác phẩm điện ảnh “ăn khách” sau này. Có khi, tác giả đứng tên chỉ là người đưa ra ý tưởng, xây dựng đề cương chi tiết và sáng tác được bán ngay từ khi còn nằm trên đề cương. 

Phía sau tác giả có cả một êkíp sẵn sàng hoàn thiện nốt các công đoạn sau này, kể cả công đoạn chắp bút triển khai nội dung chi tiết từ bản đề cương. Từ đó, nhà xuất bản có kế hoạch rõ ràng về các mốc thời gian để bạn đọc trung thành theo dõi, mua các phần tiếp theo dễ dàng. 

Đặc biệt hơn nữa là khi lên kế hoạch, những người thực hiện tác phẩm đã hoạch định khá rạch ròi phần công việc phục vụ cho các tác phẩm điện ảnh. Điện ảnh cũng mới thực sự là “con gà đẻ trứng vàng” mang về doanh thu. Mặc dù người đam mê dòng văn học này ít khi thỏa mãn với các phim được chuyển thể sau đó.

Tại Việt Nam, bên cạnh các tác phẩm dịch, bạn đọc yêu thích truyện fantasy đã dễ dàng tìm kiếm hơn những tác phẩm văn học cùng thể loại do các cây bút người Việt sáng tác. Tuy số lượng không hẳn vượt trội nhiều so với các dòng sách khác nhưng theo chia sẻ của người làm sách thì fantasy mang thương hiệu Việt đang dần chinh phục bạn đọc. Dù rằng, việc sáng tác của phần lớn các cây bút trong nước vẫn mang tính thử nghiệm và khát vọng chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh vẫn đang là… mơ ước.

Nhà văn Phan Hồn Nhiên, một trong những cây bút gần đây được đánh giá là thành công với một số tác phẩm thuộc dòng sách này chia sẻ rằng, đến với sách fantasy, người viết không chỉ đơn thuần viết những gì mình thích, viết theo cảm hứng mà phải tìm hiểu, “đo đếm” cả thị hiếu của đối tượng độc giả mà nhà văn muốn hướng tác phẩm đến. Nếu những ngày đầu, sách fantasy hầu hết chỉ hấp dẫn với người trẻ, thường là học sinh phổ thông, sinh viên thì các sáng tác cũng theo đó tập trung hướng đến đối tượng này. 

Sau nhiều năm, thế hệ độc giả trưởng thành có thể vẫn giữ đam mê cũ nên sáng tác có thể sẽ điều chỉnh cho phù hợp. Bản thân Phan Hồn Nhiên từng theo học sân khấu điện ảnh nên không “bị làm khó” khi sáng tác sách thuộc dòng fantasy. Tuy nhiên, khi viết, chị cũng thường tính toán để tạo nên những gì phù hợp hơn với điện ảnh Việt.

Việc tạo lập được thương hiệu đủ lớn mạnh với chuỗi công nghệ làm sách, phim fantasy như nước ngoài hiện nay là mơ ước của những người viết trong nước đang theo đuổi dòng sách này. Nhưng, để trở thành hiện thực thì cần phải có thêm thời gian để phát triển đội ngũ người làm sách, kể cả về số lượng, chất lượng của người viết lẫn những người làm công việc khác liên quan. 

Lý do là lực lượng người viết sách fantasy Việt hiện nay chưa nhiều và chưa phải ai viết cũng đạt được yêu cầu như mong muốn của người làm sách và điều kiện cần có để thành công. 

Chưa kể, như tâm sự của dịch giả Lệ Chi là phát triển dòng sách fantasy này đang đòi hỏi rất nhiều sự sáng tạo không chỉ từ riêng người viết văn. 

Sự sáng tạo đối với những người tham gia dòng sách này luôn là đòi hỏi vô tận, từ công đoạn viết đến làm sách, giới thiệu sách thông qua các tạo hình nhân vật, giới thiệu nhân vật dưới nhiều hình thức ngoài sách cho đến các hoạt động khác nhằm tập hợp, khơi dậy niềm đam mê sách fantasy thông qua các câu lạc bộ, nhóm, xây dựng thành các game…

Ngọc Nguyễn
.
.
.