Lễ hội “xấu xí”: Vì đâu nên nỗi?
Tuy nhiên, nhiều lễ hội có quy mô lớn hơn, thu hút đông đảo khách thập phương còn bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, gây nên hình ảnh xấu xí cho lễ hội truyền thống. Xảy ra tình trạng này, nguyên nhân không chỉ đến từ phía khách quan mà còn từ chính cộng đồng – chủ thể lễ hội và người dự hội.
Được địa phương tập trung đầu tư xây dựng thành điểm đến hấp dẫn, hơn thế còn là trung tâm du lịch tâm linh, sinh thái trên cơ sở gắn kết với Ngọa Vân, cụm di tích nhà Trần Đông Triều, quần thể di tích Bạch Đằng – Quảng Yên, Quảng Ninh, khu di tích tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử, ngay từ những ngày đầu xuân 2019, nhiều khách du xuân bất ngờ trước những đổi thay lớn của các điểm di tích. Cùng với các tuyến đường “phẳng như lụa” dẫn về chùa Ngọa Vân, đường dẫn lên di tích cùng nhiều hạng mục công trình khác đã được hoàn thiện về cơ bản.
Hàng trăm người vây quanh chiếc kiệu ấn ở đền Trần (ảnh chụp lúc 23h ngày 18-2). |
Ông Đỗ Xuân Trường, Phó Giám đốc công ty Tâm Đức, đơn vị xây dựng và vận hành hệ thống cáp treo lên Ngọa Vân cho hay, mùa lễ hội 2019, lượng khách đến Ngọa Vân đã tăng từ 25% đến 30% so với năm 2018. Các ngày thứ 7, chủ nhật, cáp treo phục vụ từ 18.000 đến 20.000 lượt người. Năm 2020, với sự hoàn thiện hơn về cơ sở hạ tầng, lượng khách về Ngọa Vân sẽ tăng cao, có thể còn cao đột biến so với trước.
Tại danh thắng Yên Tử, hàng loạt công trình mới đã, đang được hoàn thiện, đưa vào vận hành. Cung Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử khánh thành và đưa vào sử dụng giai đoạn 1. Các tuyến đường giao thông ngoại vi kết nối với khu di tích Yên Tử đã cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách hành hương chốn non thiêng.
Theo Ban quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh, trước đây, phương tiện giao thông còn khó khăn. Du khách hành hương từ các tỉnh phía Bắc đến Yên Tử hầu hết đi theo tuyến đường qua Hải Phòng. Trong hành trình khám phá chuỗi chùa chiền của Yên Tử thì chùa Bí Thượng (chùa Trình) là điểm dừng chân đầu tiên. Để đến chùa Trình, du khách đã mất một ngày đường. Nhưng đầu xuân 2019, du khách xuất phát từ Hà Nội đến chùa Trình chỉ sau vài giờ đồng hồ.
Mùa lễ hội 2019, hai tuyến cáp treo Hoàng Long, Bạch Long đưa du khách khám phá Yên Tử đã được đưa vào khai thác sử dụng. Thay vì mất từ nửa ngày tới một ngày tiếp theo mới trèo lên đến chùa Hoa Yên - điểm đến hấp dẫn nằm ở giữa hệ thống chùa Yên Tử như nhiều năm trước, đến nay, nếu đi cáp treo, khách chỉ mất chưa đến nửa ngày đã lên đến tận chùa Đồng. Đây là ngôi chùa nằm trên đỉnh Yên Tử và là điểm cao nhất, xa nhất của hệ thống chùa Yên Tử.
Cũng ngay trong đầu năm 2019, lần đầu tiên, khu di tích danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) và Khu văn hóa tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử (Bắc Giang) được kết nối. Khu văn hóa Tây Yên Tử có quy hoạch đến gần 500ha, được đầu tư hệ thống cáp treo và hệ thống chùa chiền.
Những ngày này, nhiều công trình như Chùa Hạ, chùa Thượng, khu quảng trường, cáp treo, tuyến đường tỉnh 293, các tuyến đường dẫn đến khu trung tâm đã được hoàn thiện, vận hành, giúp thu hút một lượng khách đáng kể đến Yên Tử du xuân.
Điều này đồng nghĩa với việc Yên Tử sẽ phải phục vụ một lượng khách lớn hơn nhiều trong mùa lễ hội 2019 và các năm tiếp theo. Trong khi đó, không gian các điểm di tích chỉ có hạn. Dù đã được đầu tư tôn tạo, khang trang hơn nhiều so với trước đây nhưng du khách tập trung quá đông đã dẫn đến quá tải.
Ngay trong ngày khai hội Tây Yên Tử 16-2, nhiều du khách phải bỏ ngang hành trình vì quãng đường từ tượng Phật Hoàng lên đến chùa Đồng, đỉnh Yên Tử kẹt cứng. Quãng đường núi dẫn lên chùa chỉ vài trăm mét nhưng dòng người phải nhích từng bước.
Bà Đoàn Thị Hoa, một trong số các du khách đến từ thành phố Bắc Giang cho hay, đoàn của bà có mặt tại Khu văn hóa tâm linh – sinh thái Tây Yên Từ từ sáng sớm. Để đến chùa Đồng cho nhanh, cả đoàn quyết định mua vé đi cáp treo. Lúc đoàn rời cabin là 9h sáng nhưng đến quá 12h, tất cả mới tiếp cận được chùa Đồng.
Tại ngôi chùa được truyền tụng là điểm đến linh thiêng này, chúng tôi khó khăn lắm mới tiếp cận được ban thờ. Trước nơi thờ tự này vài mét là nơi đặt chuông đồng. Quanh chiếc chuông này, dòng người ken đặc. Kẻ ngắm, người thì thầm cầu nguyện. Tranh thủ lúc nhân viên canh chừng quay qua chỗ khác, 1 du khách nữ đã trung tuổi nhanh tay cầm tờ tiền 10.000 đồng xoa nhanh vào chuông rồi xoa lên mặt, lẩm nhẩm khấn vái.
Một người đàn ông khác xoa tay lên chuông và lặp lại hành vi tương tự của nữ du khách. Ngay sau đó, nhiều bàn tay, có cầm tiền hay không cầm tiền cũng cố với vào, xoa bằng được lên chuông. Bên cạnh tường chùa, cảnh tượng tương tự lặp lại. Chỉ đến khi nhân viên được cắt cử làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự tại đây vừa quyết liệt ngăn cản, hành vi này mới tạm dừng.
Thấy chúng tôi chỉ đứng nhìn rồi níu lại hỏi thăm, người phụ nữ trung tuổi xoa tiền vào chuông bày tỏ tiếc nuối vì chúng tôi đã bỏ qua cơ hội cầu may hiếm có. Bà cho biết, cả đoàn của bà đi Hải Dương, xuất phát từ hơn 4h sáng. Thắp hương xong còn đợi xin lộc mang về.
Thấy người khác xoa tiền vào chuông, tường chùa Đồng bà nên bà cũng phải cố gắng thực hiện cho được. Việc này, không thầy chùa nào chỉ mà là do người đi trước truyền cho người đến sau. Bà cũng không rõ ai là người khởi xướng trước.
Thực tế, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc tập trung đầu tư, khai thác các điểm di tích phục vụ phát triển du lịch mỗi mùa lễ hội không chỉ có Yên Tử, Quảng Ninh mà còn là xu hướng chung của nhiều địa phương khác.
Nếu Nam Định có Đền Trần, Hà Nam có khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao, Ninh Bình có quần thể Tràng An - Bái Đính thì Tam Đảo, Vĩnh Phúc vài năm gần đây cũng rầm rộ phát triển du lịch tâm linh mà nổi bật nhất là khu di tích danh thắng Tây Thiên.
Với các địa phương,việc phát triển du lịch tâm linh góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nếu đầu tư thiếu đồng bộ, sự điều tiết kịp thời hoặc đầu tư tập trung cho cơ sở hạ tầng nhưng chưa đầu tư nhiều cho nhân lực, công tác giáo dục, tuyên truyền sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Tình trạng nhiều điểm di tích đã, đang và sẽ phải oằn mình đón khách, lễ hội phục dựng có quy mô lớn nhưng lệch lạc so với nguyên gốc, bị chỉ trích vì tác động không tốt tới sự phát triển chung hay du khách ứng xử thiếu văn hóa khi đến du xuân mỗi mùa lễ hội khiến cơ quan quản lý chật vật xử lý.
Điển hình trong đó phải kể đến lễ hội của làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh với tục chém lợn tế thành hoàng làng trước sân đình. Có lịch sử hàng trăm năm, lễ hội gắn liền tín ngưỡng của người dân Ném Thượng nhưng tục chém lợn liên tục gây nhiều bức xúc trong dư luận, kể cả dư luận quốc tế. Mùa lễ hội năm 2019, Ném Thượng đã thôi ồn ào, ầm ĩ.
Để có kết quả này, nhiều năm trước đó, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải cử nhiều đoàn chuyên gia, các nhà khoa học về địa phương để nghiên cứu, tìm hiểu, tổ chức hội thảo, có cơ sở khoa học khẳng định lễ hội làng Ném Thượng nguyên gốc không giống như hiện tại, thuyết phục người dân không chém lợn công khai ở sân đình mà thực hiện nghi thức một cách kín đáo hơn. Nhờ đó, lễ hội mới đảm bảo được sự hài hòa giữa tín ngưỡng của người dân với nhu cầu bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội trong đời sống hiện đại.
Với lễ hội đền Trần, sau một thời gian khá dài, đến nay, hậu quả của những nhận thức sai lệch về lễ khai ấn vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Mùa lễ hội năm 2019, mặc dù hệ thống loa phát thanh liên tục phát bài giới thiệu về lễ hội, khẳng định lễ khai ấn vào giờ Tý để cầu cho quốc thái, dân an nhưng số đông người tìm về dự lễ vẫn mặc định chiếc ấn đền Trần đóng vào giờ thiêng sẽ đem lại may mắn trong việc thăng quan, tiến chức, vẫn tranh nhau cướp lộc, chen lấn bỏ tiền, ném tiền vào kiệu ấn…
Để lễ hội khai ấn đền Trần được hiểu và thực hành đúng với ý nghĩa ban đầu của nó, tương tự như lễ hội làng Ném Thượng, Bắc Ninh thì không phải là chuyện dễ dàng. Bởi lẽ, sau nhiều năm liên tiếp, niềm tin vào sự may mắn ở chiếc ấn đền Trần đã thấm sâu vào tư tưởng của số đông người quen về dự hội.