Thời trang Việt ra với thế giới: Ước mơ xa xỉ

Thứ Bảy, 05/11/2016, 09:27
Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu dệt may nhưng thời trang Việt, thương hiệu thời trang, nhà thiết kế Việt vẫn còn rất mới, thậm chí còn xa lạ trên bản đồ thời trang thế giới, kể cả cấp khu vực.

Dù rằng, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, thời trang Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế và là thị trường đặc biệt nhiều tiềm năng.  Đó là khẳng định của hầu hết các chuyên gia, nhà quản lý, nhà thiết kế trong cuộc mổ xẻ, phân tích thực trạng thời trang Việt Nam ngày 3/11 – một trong số các hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang quốc tế Thu Đông 2016 tại Hà Nội.

Nhà thiết kế thời trang Hàn Quốc, Chung Chung Lee – một trong số các nhà thiết kế trẻ tài năng, từng giành nhiều giải thưởng danh giá và cũng là chủ một thương hiệu có uy tín tại Hàn Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới cũng chia sẻ rằng anh thực sự ngạc nhiên về thiết kế và thời trang Việt.

Là con trai của một trong những nhà thiết kế hàng đầu của Hàn Quốc, có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực thiết kế, thời trang nhưng trước khi tham dự Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam 2016, Chung Chung Lee hầu như không có thông tin về ngành thời trang Việt.

Các chương trình biểu diễn mang tầm quốc tế để thu hút sự chú ý của thế giới với thời trang Việt hiện nay chưa nhiều.

Anh thật sự rất bất ngờ về “kho” nguyên phụ liệu khổng lồ sẵn có của Việt Nam cũng như những sáng tạo độc đáo của đồng nghiệp người Việt và cũng lấy làm lạ là vì sao đến thời điểm này, thời trang Việt vẫn chưa bứt phá mình trên thế giới.

Đồng quan điểm về việc Việt Nam đang sở hữu một lợi thế mạnh về nguyên phụ liệu, ông Jean Paul Cauvin, Giám đốc điều hành thương hiệu Haute Couture Julien Fournier đến từ Pháp chia sẻ rằng Việt Nam có thị trường thời trang rất giàu tiềm năng. Khi Chính phủ Việt Nam ký kết hiệp định thương mại tự do TPP, giảm thuế về thời trang may mặc, chắc chắn các thương hiệu thời trang thế giới tìm đến Việt Nam ngày càng nhiều.

Là một trong những “công xưởng” gia công lớn nhất trên thế giới, tất nhiên Việt Nam giữ thế mạnh về vải vóc, nguyên phụ liệu cho ngành thời trang. Việc sở hữu và phát triển mạnh về thủ công mỹ nghệ cũng là một tiềm năng đáng giá. Vấn đề là phải biết sử dụng, kết hợp chúng như thế nào đó với thời trang để phát huy giá trị trong công nghiệp thời trang.

Jean Paul Cauvin cũng cho biết, các chuyến đi đến nhiều địa phương của Việt Nam, ông quan sát được khá nhiều vùng nguyên liệu tiềm năng cho thời trang. Chỉ với một nguyên liệu là dây giày thôi, riêng tại Huế, Jean Paul Cauvin từng bắt gặp khá nhiều cơ sở sản xuất rất tốt. Nếu được quảng bá rộng rãi, chắc chắn sẽ có nhiều nhà thiết kế thời trang, thương hiệu thời trang trên thế giới tìm tới…

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại du lịch Hà Nội cũng chia sẻ rằng nếu thời trang Việt Nam “cất cánh”, chắc chắn sẽ rất hữu ích cho phát triển văn hóa và góp phần khơi thông dòng chảy phát triển của làng nghề truyền thống Việt. Với riêng Hà Nội đã có trên 1.300 làng nghề truyền thống và đây thực sự là mảnh đất rất màu mỡ đang chờ được phát huy.

Để hiện thực hóa giấc mơ về công nghiệp thời trang, đưa thời trang Việt vươn ra thế giới, theo các chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực thời trang quốc tế, giải pháp cần thiết cho các nhà thiết kế chính là phải bứt phá mình ra khỏi giới hạn của quốc gia. Tất nhiên, sự bứt phá ấy phải trên nền tảng của văn hóa dân tộc.

Nói theo cách ví von của ông Nicolas Gregorieff, chuyên gia đến từ Pháp, người có 30 kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, phát triển kinh doanh, chiến lược cho nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng thì thời trang giống như một hệ sinh thái hoàn chỉnh.

Ngoài nguyên phụ liệu, nhà thiết kế phải là một mắt xích quan trọng, sáng tạo ra các mẫu thiết kế, bộ sưu tập mới lạ nhưng cũng cần biết hợp tác với truyền thông, các doanh nhân, biết các tiếp thị sản phẩm và bản thân…

Ông Jean Paul Cauvin cũng chia sẻ, một nhà thiết kế thành công được hay không còn phụ thuộc cả vào việc chọn đối tác giỏi làm thương hiệu cho chính mình. Có thể nhà thiết kế rất giỏi chuyên môn nhưng không thể cùng lúc vừa sáng tạo vừa ôm đồm công tác quản lý, xây dựng chiến lược, phát triển thương hiệu.

Để hòa hợp được sáng tạo với nhu cầu thị trường, nhà thiết kế cũng cần tôn trọng các đối tác trong “hệ sinh thái” chung của thời trang. Tuy nhiên, nhà thiết kế cũng không thể đánh mất mình để chạy theo sở thích của số đông mà phải là người định hướng, tạo ra xu hướng thời trang cho số đông.

Về phát triển công nghiệp thời trang Việt Nam trong tương lai, theo các chuyên gia giàu kinh nghiệm nói trên thì Việt Nam vẫn cần thêm rất nhiều chương trình thời trang mang tầm cỡ quốc tế, thu hút được cả các tên tuổi thời trang thế giới cũng như thông tin rộng rãi hơn trên các kênh truyền thông chính thống, có uy tín của thế giới lẫn các kênh thông tin không chính thống như mạng xã hội…

Bà Đặng Phương Dung, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, người có 40 năm kinh nghiệm trong ngành dệt may của Việt Nam cho biết, hiện nay, Việt Nam đang thuộc Top đầu trên thế giới về xuất khẩu dệt may. Với trên 6.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng 2,3 triệu lao động và là ngành thứ 2 trên cả nước về xuất khẩu và giúp mang về 27 tỷ USD trong năm 2015, dệt may Việt đang có vị trí rất quan trọng.

Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta mới chỉ chủ yếu làm gia công cho các nước khác, giá trị tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm nhỏ vì thời trang chưa theo kịp thế giới. Với công nghiệp thời trang với các thương hiệu, nhà thiết kế tên tuổi – lĩnh vực mang lại doanh thu cao trên thế giới, Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Có tên trên bản đồ thời trang thế giới nhưng một thị trường thời trang phát triển bao gồm cả công nghiệp dệt may và công nghiệp thời trang vẫn chỉ là mơ ước.

Ngọc Nguyễn
.
.
.