Lại “nóng” chuyện các cuộc thi nhan sắc “chui”

Thứ Bảy, 24/10/2015, 09:00
Mặc dù đã có những quy định cụ thể về các cuộc thi nhan sắc nhưng nhiều tổ chức, cá nhân vẫn "ngó lơ" hoặc tìm cách lách luật.

Liên tiếp thời gian gần đây, một loạt cuộc thi nhan sắc như chương trình "Tìm kiếm người mẫu trẻ châu Á 2015", "Trai độc gái lạ", "Hoa khôi nữ doanh nhân", "Miss ITGO"... bị các cơ quan chức năng xử lý vì những vi phạm trong quá trình tổ chức. Điều này cho thấy, mặc dù đã có những quy định cụ thể về các cuộc thi nhan sắc nhưng nhiều tổ chức, cá nhân vẫn "ngó lơ" hoặc tìm cách lách luật. Nếu những vi phạm này không được xử lý nghiêm minh sẽ dễ dẫn đến việc tái diễn tình trạng loạn danh hiệu hoa hậu, người mẫu như đã từng xảy ra.

Nở rộ các cuộc thi nhan sắc chui

Ngày 11/10, khi chương trình "Tìm kiếm người mẫu trẻ châu Á 2015" (với tên tiếng Anh là Vietnam New face Casting 2015) do Công ty TNHH Thương mại giải trí Sao Kim phối hợp với Công ty CP - Tập đoàn đại sứ trẻ - Yeah1 đang diễn ra tại SC Vivo City, TP Hồ Chí Minh thì bất ngờ bị cơ quan An ninh, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh kiểm tra. Tại thời điểm lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra có khoảng 250 người đến tham gia tuyển chọn.

Kết luận ban đầu cho thấy, trong số những người tham gia dự tuyển có 12 người mới ở độ tuổi từ 13 đến 17 tuổi. Ngoài ra, chương trình còn mắc phải một số vi phạm như: tổ chức chương trình khi chưa có giấy phép của cơ quan quản lý Nhà nước, thí sinh dự tuyển không đủ các điều kiện theo quy định.

Chương trình “Tìm kiếm người mẫu trẻ châu Á 2015” với những hình ảnh quảng bá khá bắt mắt.

Cũng ngay trong ngày hôm đó, một cuộc thi khác với tên gọi "Trai độc gái lạ" do Công ty CP Tập đoàn đại sứ trẻ - Yeah1 tổ chức cũng đã bị lập biên bản khi không xuất trình được giấy phép của cơ quan chức năng. Không chỉ có vậy, "Trai độc gái lạ" còn mắc thêm những sai phạm như tổ chức bán vé, phát hành vé dự thưởng cho khách hàng tham gia chương trình khuyến mãi không đăng ký với cơ quan quản lý.

Tại khu vực miền Bắc, trong khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn vẫn còn đang trong quá trình thẩm định hồ sơ xin cấp phép cho cuộc thi "Hoa khôi trí tuệ thanh niên Việt Nam 2015" (hay còn gọi là Miss ITGO) của Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ ứng dụng công nghệ phần mềm trực tuyến ITGO thì trung tâm này đã vội vã tổ chức họp báo công bố về cuộc thi tại thành phố Hải Dương. Ngay lập tức, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã có văn bản gửi Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hải Dương đề nghị kiểm tra, xử lý đơn vị tổ chức. Đồng thời, Cục này cũng khẳng định không cấp phép cho cuộc thi trên.

Tương tự, cuộc thi "Hoa khôi Doanh nhân 2015" cũng đã bị "tuýt còi" ngay trước ngày dự định tổ chức đêm chung kết diễn ra vào ngày 13-10 (ngày Doanh nhân Việt Nam) tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Với những vi phạm không thể chối cãi, cuộc thi "Hoa khôi Doanh nhân" buộc phải đình chỉ, thay vào đó là chương trình "Nữ doanh nhân hướng về Thủ đô".

Ngoài ra cũng thời điểm này, Cục Nghệ thuật Biểu diễn và Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã quyết định xử lý Công ty Hiếu Dương vì đã tự ý tổ chức cuộc thi "Miss Beauty & Go Việt Nam 2015". Theo đó, dự kiến đêm chung kết sẽ diễn ra vào ngày 18-10 tại khách sạn Crowne Plaza, Hà Nội đã chính thức bị đình chỉ và chờ những xử lý tiếp theo của các cơ quan chức năng.

Một loạt những hành động mạnh tay của các cơ quan chức năng cho thấy sự nghiêm minh và cương quyết đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực tổ chức các cuộc thi nhan sắc. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thời thượng và nhạy cảm này cũng nghiêm chỉnh chấp hành, thậm chí cố tình không thực hiện đúng. "Ông chủ" của cuộc thi "Tìm kiếm người mẫu trẻ châu Á 2015" Vũ Khắc Tiệp vẫn tiếp tục "trấn an" các thí sinh trên trang cá nhân của mình rằng: "Do thí sinh đến casting quá tải nên Ban tổ chức đã mắc phải một vài lỗi nhỏ trong khâu tuyển chọn và giấy phép", đồng thời "hẹn lại ngày casting sang một ngày gần nhất" mặc dù cuộc thi đã bị các cơ quan chức năng đình chỉ, xử phạt. Những người được coi là có kinh nghiệm dày dặn trong kinh doanh các hoạt động người mẫu như Vũ Khắc Tiệp thật khó có thể biện minh sai phạm ấy là sự sơ suất của ban tổ chức. Cũng như các đơn vị kia thật khó có thể bao biện là không nắm rõ quy trình. Hơn thế, những cuộc thi với quy mô rộng rãi, quảng bá rầm rộ như vậy không thể cho rằng đó là những cuộc thi có tính chất nội bộ nên không cần phải xin phép các cơ quan chức năng.

Cần mạnh tay, cương quyết với những vi phạm

Một câu hỏi đặt ra là tại sao hiện nay mọi thủ tục, giấy tờ của các cơ quan chức năng trong việc kiểm định cấp phép các cuộc thi nhan sắc đều khá nhanh gọn nhưng các đơn vị, tổ chức luôn tìm mọi cách để "đi đêm"? Chỉ khi nào bị phát hiện, đình chỉ mới chấp nhận dừng lại như một số cuộc thi kể trên? Nguyên nhân khách quan là hiện nay, để hạn chế tình trạng loạn danh hiệu hoa hậu, người đẹp như đã từng xảy ra, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định mỗi năm chỉ cấp phép tổ chức tối đa hai cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia. Vì thế, người ta lách luật bằng cách nghĩ ra một loạt những cuộc thi có quy mô lớn nhỏ khác nhau núp dưới các tên gọi như Hoa khôi, Người đẹp, Miss... Chính vì thế, mỗi năm xuất hiện hàng loạt các cuộc thi sắc đẹp cấp vùng, miền, ngành nghề... Những cuộc thi này thường theo kiểu mang tên gọi là của quy mô nhỏ nhưng thực chất bất kỳ ai đều có thể tham gia. Đó là chưa kể những cuộc thi được tổ chức trên mạng dưới các hình thức như thi ảnh, thậm chí chỉ là ảnh selfie (ảnh tự sướng bằng điện thoại) như của một trang mạng hiện nay.

Nhưng điều đáng nói là danh hiệu các cuộc thi này cũng đều được gắn với những mỹ từ rất oách như Nữ hoàng, Mỹ nhân, Hoa hậu... Và thế là danh sách những cuộc thi như "Nữ hoàng biển", "Nữ hoàng trang sức", "Nữ hoàng cà phê", "Hoa khôi xứ dừa", "Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam"... vẫn tiếp tục xuất hiện. Trong vô vàn những cuộc thi ấy thì những cuộc thi chuyên nghiệp, công tâm chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại là những cuộc thi nghiệp dư với đủ những chuyện lùm xùm sau đó.

Những cuộc thi nhan sắc luôn thu hút rất đông bạn trẻ tham gia.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan, thì một lý do chủ quan cũng khiến cho việc nở rộ các cuộc thi nhan sắc "chui" là sự khát thèm danh hiệu của những bạn trẻ. Chưa bao giờ, quan niệm cho rằng chỉ cần có được danh hiệu ở một cuộc thi nào đó là có thể bước một chân vào giới showbiz đầy hào nhoáng lại thường trực và thống trị trong suy nghĩ của các bạn trẻ có hình thức đến vậy. Một thế giới ảo phù phiếm, tụng ca cuộc sống xa hoa của những ngôi sao giải trí đã khiến không ít người đẹp thay vì chăm chỉ tu dưỡng học vấn, đạo đức chỉ chăm chăm tham gia các cuộc thi nhan sắc để kiếm tìm danh hiệu. Và thậm chí họ sẵn sàng tham gia các cuộc thi mà dư luận vẫn gọi là "ao làng" để nhận được những danh hiệu kèm với đó là đủ lùm xùm bất minh về mua giải, đại gia chống lưng... Với những người này miễn là được các trang mạng nhắc tên kèm với danh hiệu vừa đạt được. Có cầu ắt sẽ có cung. Sự xuất hiện ồ ạt của những cuộc thi "quên" xin giấy phép có lẽ cũng không còn là điều khó hiểu.

Phạt hành chính, phạt tiền với những hành vi vi phạm trong việc tổ chức, tham gia các cuộc thi nhan sắc "chui" là điều cần thiết nhưng có lẽ vẫn chưa là đủ để ngăn chặn triệt để những hành động cố tình lách luật này. Bởi đã từng có những đơn vị, cá nhân chấp nhận mất tiền miễn là có được danh hiệu khoác lên mình. 

Ngoài việc các đơn vị chức năng cần tinh thông nghiệp vụ để phát hiện kịp thời những hành vi lách luật khôn ngoan thì việc sử dụng những biện pháp mạnh như ngừng cấp phép hoạt động, liên kết trong thời gian dài với nhưng đơn vị cố tình vi phạm. 

Và một biện pháp đường dài nhưng quan trọng là giáo dục cho thế hệ trẻ một lối sống lành mạnh, tôn trọng pháp luật, hướng đến những giá trị cốt lõi của đời sống như Chân - Thiện - Mỹ thay vì những giá trị ảo phù phiếm.

Khánh Thảo
.
.
.