Hồi sinh làng nghề truyền thống cùng... du lịch

Thứ Hai, 17/02/2020, 08:15
Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nay, cả nước vẫn còn gần 2.000 làng nghề truyền thống. Nhưng, trừ một số lượng không nhiều làng nghề được khôi phục, phát triển, nhiều làng nghề tồn tại lay lắt, thậm chí có nguy cơ “biến mất”. Mô hình kết hợp phát triển du lịch đang được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực giúp nhiều làng nghề truyền thống “hồi sinh”.

Những ngày giữa tháng 2-2020, nhóm nghiên cứu Khoa Kiến trúc – Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội gây nhiều ngạc nhiên khi công bố đề án “Làng nghề may – du lịch”. Theo đề án này, ngôi làng cổ 500 năm tuổi – làng Cựu, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội sẽ trở thành trung tâm sáng tạo và là một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch Hà Nội. Đây vốn là ngôi làng thuần nông nhưng sau một trận cháy lớn, người làng bươn chải ra Hà Nội kiếm sống.

Người làng trở thành những thợ may tài hoa nhất Hà Thành trong thời Pháp thuộc. Nhờ nghề may, người làng trở nên giàu có, trở về quê cũ xây biệt thự. Nhiều năm trở lại đây, do đô thị hóa, người làng bỏ đi làm ăn xa, nhiều ngôi nhà nay bị bỏ hoang hoặc cho thuê. Nghề may cũng bị mai một. Người làng hiện nay chủ yếu chỉ nhận gia công các bộ vest, trang phục công sở được sản xuất đại trà.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản vật thể và phi vật thể thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, năm 2020, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng và Nhóm nghiên cứu mô hình làng nghề-du lịch và làng di sản – du lịch của trường đã phối hợp với một số nhà thiết kế Việt Nam và thương hiệu Ý uy tín triển khai đề án “Làng nghề may- du lịch làng Cựu".

Theo Tiến sĩ Lê Quỳnh Chi, một trong số các thành viên tham gia đề án thì hiện nay, làng Cựu không có nghệ nhân. Tuy nhiên, việc khôi phục lại thương hiệu may thông qua các hoạt động thời trang, đồ thủ công, nội thất và tái sử dụng các công trình cổ tại làng Cựu sẽ góp phần phát triển bền vững cho làng nói riêng, Hà Nội nói chung.

Làng nghề Pác Rằng được xây dựng thành điểm đến cho du khách của tỉnh Cao Bằng.

Thực tế, việc khôi phục làng nghề kết hợp phát triển du lịch đã được triển khai khá thành công ở nhiều địa phương, dù rằng, không phải địa phương nào cũng thành công. Mới đây, khi cùng đoàn khảo sát du lịch do Tổng cục Du lịch tổ chức đến Cao Bằng, chúng tôi chứng kiến khá nhiều làng nghề “hồi sinh” cùng mô hình này như làng rèn Pác Rằng, xã Phúc Sen và làng hương Phia Thắp, xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên. Đây là những làng nghề có hàng trăm năm tuổi, đã có thời gian tưởng chừng không thể tồn tại nhưng đã dần “hồi sinh” khi trở thành điểm đến du lịch của địa phương.

Ngay tại Hà Nội, sau làng gốm Bát Tràng, tranh Đông Hồ…, việc “hồi sinh” dòng tranh Kim Hoàng cũng từng được gửi gắm nhiều kỳ vọng khi nhóm nghiên cứu, phục hồi dòng tranh  này từng đề xuất với địa phương xây dựng riêng một khu lưu trữ, trưng bày, sản xuất và bán hàng lưu niệm thành một trong số các điểm đến hấp dẫn tại Hà Nội. Tuy nhiên, sau nhiều năm, đến thời điểm hiện tại, điểm đến du lịch của làng tranh Kim Hoàng vẫn chỉ là dự án chưa được triển khai vào thực tiễn đời sống.

“Làng nghề truyền thống là vốn di sản quý báu của dân tộc cần được nuôi dưỡng và phát triển”. Đó là khẳng định của họa sĩ Trịnh Yên, Giám đốc Trung tâm UNESCO Mỹ thuật Việt Nam. Cũng theo họa sĩ Trịnh Yên thì hoàn cảnh đất nước chiến tranh đã kéo theo sự lãng quên hệ thống làng nghề, ngừng trệ sản xuất hàng tinh, các nghệ nhân dần dần biến mất do sản phẩm không có đầu ra.

Phải đến giai đoạn đất nước xóa bỏ bao cấp thì các làng nghề mới có cơ hội hồi sinh. Nhưng lớp người làm nghề bây giờ lại không được truyền nghề căn bản nên đa số không phải nghệ nhân. Đổi lại, họ đã có đầu ra, có hợp đồng lớn, vừa học lỏm nhau kĩ thuật và vừa làm công việc này bằng mọi cách. Tuy nhiên, làng nghề truyền thống hiện còn cũng không hẳn nhiều.

Đã có nhiều phương án đề cập về việc khôi phục làng nghề truyền thống Việt, trong đó cần chú trọng bảo tồn, bảo tàng các làng nghề truyền thống bằng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong đó, phương án xây dựng bảo tàng nghề làng tại địa phương sẽ góp phần hạn chế sự mất mát làng nghề. Bảo tàng còn đem lại nguồn thu từ du lịch, góp phần tôn vinh và bảo lưu lịch sử văn hóa dân tộc trên danh nghĩa bảo tồn truyền thống, động viên làng nghề và các nghệ nhân về thành quả của họ. Nhưng trước đó, cần tiến hành công tác khảo cứu, khảo sát các phương tiện, hiện vật và tư liệu về văn hóa lịch sử liên quan đến truyền thống của làng nghề đó.

Ngoài ra, việc đào tạo nghề làng tại chỗ cần được chú trọng. Nhưng, như thế, cần phục hồi các dữ liệu đã mất, khôi phục các điển tích, các bí quyết của các làng nghề đã bị mất đi cùng đội ngũ nghệ nhân trong quá khứ. Cùng với việc hoàn thiện về hệ thống lý thuyết, cần tăng thêm “sân chơi” về ứng dụng sáng tác theo quy chuẩn cho các nghệ sĩ, nghệ nhân, thợ làng nghề, qua đó tăng thêm kiến thức, phát triển khả năng kiến tạo, mở rộng các quan hệ kinh tế, đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới, kết nối phương pháp truyền nghề hoàn thiện cho con cháu có nghề tại làng…

N.H.
.
.
.