Hành trình đẫm nước mắt của cô gái bị lạm dụng và thông điệp “vị nhân sinh”
- Đổi đời nhờ viết tự truyện
- Hiệu ứng đặc biệt từ một cuốn tự truyện
- Cô gái tật nguyền viết tự truyện xúc động
Do nhà văn, nhà báo Hòa Bình và Cỏ (Nguyên Thảo, sinh viên trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật TP Hồ Chí Minh) chấp bút, cuốn tự truyện đẫm nước mắt ra đời, như cách nói của nhân vật chính là cách cô lựa chọn để đóng lại một cách dứt khoát cánh cửa u tối của quá khứ và bước sang một trang mới của cuộc đời.
Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, một trong những người từng có thâm niên cao trong hoạt động điều trị cho các nạn nhân bị lạm dụng tình dục thì trị liệu tâm lý luôn là cản trở lớn nhất với đối tượng “bệnh nhân” này.
Thông thường, các nạn nhân, nhất là các nạn nhân nhỏ tuổi rất khó hồi phục do những dư chấn tâm lý quá dữ dội sau bi kịch. Để giúp các nạn nhân này vượt qua nỗi đau, thông thường, bên cạnh các phương pháp trị liệu, bác sĩ luôn cần có sự chung tay của những người thân nạn nhân. Với Sandy, đây là một trường hợp rất lạ. Cô âm thầm chịu đựng, giấu kỹ nỗi đau như một bí mật suốt 20 năm.
Viết tự truyện là cách để giải tỏa nỗi đau ấy và chấm dứt đau khổ trong chính bản thân. Kể lại câu chuyện thật với thông điệp của sự dũng cảm đối diện và đi qua gửi tới các nạn nhân kém may mắn khác, cách đối diện này thực khó và rất ít người làm được.
Nhà văn, nhà báo Hòa Bình và nhân vật chính của cuốn tự truyện “Cát hay là ngọc” – Sandy giao lưu tại đường sách TP Hồ Chí Minh ngày 25-6. |
Với Sandy, sự lựa chọn nói trên cũng không phải dễ dàng. Sandy tên thật là Nguyễn Thị Bích Ngọc, 28 tuổi, không có cha, mẹ làm nghề bán thân nên cô bỏ cho ông bà ngoại nuôi.
Tuổi thơ của Sandy là những chuỗi ngày bị hắt hủi, chửi bới. Được nhà nội tìm thấy, mang về nuôi trong gia đình ít nhiều danh giá, nhưng 8 tuổi, bi kịch cuộc đời của Sandy cũng bắt đầu, từ chính nơi cô từng mơ ước rằng cuộc đời sẽ sang trang mới tốt đẹp hơn.
10 năm ròng sống trong sự giày vò cả về thể xác lẫn tâm hồn, những chuỗi ngày tủi nhục lấy cuộc sống lề đường làm trường học, Sandy không ngờ, “ánh sáng cuối đường hầm” của cô lại bắt đầu từ những người làm công tác xã hội, hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.
Đến nay, Sandy đã học xong trung cấp hệ tại chức (học vào buổi tối) của trường Cao đẳng kinh tế đối ngoại TP Hồ Chí Minh, tự học tiếng Anh qua mạng. Hiện cô đang sống bằng công việc dạy tiếng Anh, phát triển các dự án giáo dục cho sinh viên, xây dựng thư viện sách cho Amazing Home, hướng dẫn kỹ năng sống, giao tiếp cho các thành viên câu lạc bộ tiếng Anh.
Có công việc, có bạn bè nhưng ám ảnh quá khứ không buông tha cô. Như Sandy tự sự là “Không đêm nào em có thể ngủ yên. Ban ngày với đủ thứ bận rộn bộn bề, lao ra phố, đi tìm việc, kiếm sống… thì có thể những ám ảnh tạm lắng xuống, nhưng cứ đêm xuống là em không thể nào ngủ được. Cho dù không nói ra, không ai biết về câu chuyện này, một mình em vẫn cảm thấy nhục, và không thể quên được.
Điều tệ hại là mỗi khi tiếp xúc với đàn ông, cho dù là những người tử tế và họ không hề làm gì mình, nhưng trong lòng em vẫn cứ cồn cào cảm giác bất an, khinh bỉ. Em biết như vậy là không phải, nhưng không vượt qua được. Thà là nói ra hết, để tự “giết chết” chính mình, hay con người cũ của mình, và chấp nhận sóng gió của hiện tại, học hỏi nhiều hơn, thay đổi bản thân và nhìn về tương lai, có thể sẽ tốt hơn”.
Tự truyện “Cát hay là ngọc” của Sandy. |
Nhà báo Hòa Bình cũng chia sẻ, chị đã rất xúc động và đau đớn trước bi kịch của Sandy. Để có cuốn tự truyện, cả 3 người: Hòa Bình, Cỏ và Sandy đã làm việc bằng sự đồng cảm, bằng tình yêu, sự gắn bó như ba chị em.
Tự truyện ra đời cũng là lúc chị nhận thấy mình có thêm hai cô em gái thực sự. Chị rất vui vì cái kết của câu chuyện khá nhẹ nhõm, chấm dứt những dằn vặt, đau đớn, với một tình yêu mộng mơ như nó vốn có. Dường như Sandy đã trở lại cuộc sống bình thường như mọi người bình thường khác. Như chính Sandy chia sẻ là: “Em biết trong cuộc sống có rất nhiều người đã từng bị lạm dụng, đặc biệt bị lạm dụng từ lúc còn nhỏ và hậu quả cực kỳ nặng nề, nhân sinh quan cuộc sống của những người đó thường rất u tối, chán nản, trầm cảm, nhiều người đã tự kết thúc cuộc sống và không ai muốn nhìn thẳng hay đối diện với sự thật đó vì nó quá đau buồn…”.
“Em muốn gửi một thông điệp đến những người kém may mắn khác không may bị gặp phải hoàn cảnh như em, hoặc bị dụ dỗ, bị lừa bán qua biên giới do thiếu hiểu biết, các bạn hãy mạnh mẽ lên, ai cũng có thể đi qua nó, chỉ cần tin vào chính mình và hãy học hỏi nhiều hơn, nếu không được học trong nhà trường thì học từ cuộc sống”.
Nữ nhà báo cũng mong muốn, “Cát hay là ngọc” - tự truyện của cô gái giàu nghị lực Sandy sẽ đến tay nhiều bạn đọc. Và rằng, tất cả sẽ cùng khóc, cùng cười, cùng rung động, thổn thức với những bộc bạch đẫm nước mắt nhưng cũng sẽ cùng Sandy chung tay, góp sức cho một xã hội “vị nhân sinh” hơn.