Giải Cây bút vàng và những ký ức còn mãi

Thứ Hai, 31/10/2016, 11:12
Giải thưởng Cây bút vàng của Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an (nay là Chuyên đề Văn nghệ Công an của Báo CAND) là một trong những giải thưởng danh giá mà các nhà văn đoạt giải hoặc đã tham gia đều lưu giữ những ấn tượng đẹp.
PV Báo CAND có cuộc trò chuyện với hai tác giả đã đoạt giải Cây bút vàng là nhà văn Ma Văn Kháng và nhà văn Sương Nguyệt Minh...

Nhà văn Ma Văn Kháng: Tôi vẫn giữ cây bút vàng năm ấy

- Thưa nhà văn Ma Văn Kháng, với truyện ngắn “San Cha Chải”, ông đã đoạt giải thưởng "Cây bút vàng". Ông có thể kể về mối duyên đã đưa ông đến với giải thưởng danh giá này?

- Trong hai năm 1996 - 1997, một cuộc thi truyện ngắn và ký về đề tài an ninh trật tự giải Cây bút vàng do Bộ Công an và Hội Nhà văn chủ trì. Tổng kết cuộc thi, tháng 8-1998, truyện ngắn “San Cha Chải” của tôi được nhận giải cao nhất, giải Cây bút vàng. Điều này chỉ có thể lý giải là vì một sự ngẫu nhiên. 

Tôi nói thế là bởi vì thoạt đầu tôi không có ý định viết truyện tham gia cuộc thi; phần nữa cũng là bởi, tôi được mời vào Ban chung khảo cuộc thi truyện ngắn này. Tuy nhiên, ý định của tôi đã thay đổi, bắt đầu từ sáng kiến của Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an, nhà văn Hữu Ước. 

Tôi nhớ là lúc ấy cuộc thi đã vào chặng nước rút. Tết 1998 sắp đến. Tôi nhận được giấy mời dự cuộc họp tổ chức ở 92 Nguyễn Du, trụ sở Tạp chí Văn hóa Văn nghệ Công an.

Đến nơi, đã thấy nhà văn Hữu Ước cùng anh Phạm Văn Dần, Thiếu tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND và một số nhà văn, như anh Nguyễn Quang Thiều, anh Chu Lai... Vào họp, anh Hữu Ước nói luôn, đại ý: Cuộc thi sắp kết thúc, mời các anh tới và đề nghị các anh viết truyện tham dự cuộc thi. 

Với riêng tôi, anh Hữu Ước nói: "Nếu anh Kháng có truyện tham dự cuộc thi, thì có thể rút ra khỏi danh sách Hội đồng chung khảo". Cuộc họp ngẫu nhiên ấy đã đánh thức ký ức tôi. Tôi nhớ lại một câu chuyện mà tôi đã được nghe hồi công tác ở Lào Cai. 

Nội dung câu chuyện đơn giản như sau: Hồi kháng chiến chống Pháp, có một anh du kích Mèo nhận nhiệm vụ áp tải một tên trùm phỉ xã bắt được ra huyện; dọc đường, tên trùm phỉ tỉ tê trò chuyện, khơi gợi tình cảm dân tộc, anh mủi lòng, nên lúc sau đang đi gặp con suối mát, anh đã cởi trói cho nó tắm rồi sau đó giao súng cho nó giữ hộ để mình xuống tắm. 

Kết quả là tên trùm phỉ cầm súng bắn anh du kích, may mà không trúng, rồi ù té chạy, trốn vào rừng. Chất liệu sống nguyên trạng này có nhiều cái thuận. Thứ nhất là nó có tình huống, một tình huống có kịch tính, thậm chí ly kỳ, một yêu cầu gắt gao của truyện ngắn. Thứ hai là nó có nhân vật; và nhân vật có điều kiện bộc lộ, phát triển tính cách. Thứ ba, nó có khả năng ôm chứa, chuyển tải nhiều ý tưởng thú vị. Và thứ tư nữa là nó có một không gian thiên nhiên đẹp, có thể thỏa thích vẫy vùng ngòi bút, với núi non trời mây, rừng cây dòng suối...

- Phần thưởng cho giải Cây bút vàng là một cây bút bằng vàng thật. Được biết, ông vẫn giữ gìn cẩn thẩn cây bút bằng vàng thật ấy, thưa nhà văn Ma Văn Kháng?

- Hồi đó, giải thưởng Cây bút vàng nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Hiện vật giải thưởng này là một cây bút làm bằng vàng đặt trong chiếc hộp kính vuông mỗi bề dài 30cm, lúc nào cũng hiện diện trong căn phòng khách của nhà tôi. 

Giải thưởng được Bộ trưởng Lê Minh Hương trao ngày 15-8-1998. Tổng giá trị là 15 triệu đồng, một số tiền rất lớn thời điểm đó. Trong đó,12 triệu tiền mặt, và một cây bút làm bằng 6 chỉ vàng bốn con 9. Chính giải thưởng cũng đã khích lệ sáng tạo của tôi về đề tài Vì An ninh Tổ quốc và đó vẫn là một trong những đề tài tôi cảm thấy hấp dẫn và không bao giờ thiếu được trong đời sống văn chương hiện đại.

Thượng tướng Lê Minh Hương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trao Giải đặc biệt Giải Cây bút vàng cho nhà văn Ma Văn Kháng (ngày 15-8-1998).

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Luôn tâm huyết với đề tài về an ninh

- Thưa nhà văn Sương Nguyệt Minh, anh là một trong những nhà văn đoạt giải "Cây bút vàng" năm 1998-2000 với tác phẩm "Lửa cháy trong rừng hoang". Hồi đó, anh đã biết thế nào về cuộc thi "Cây bút vàng" để tham gia?

- Trước cuộc thi truyện ngắn và bút ký mang tên Cây bút vàng lần thứ 2 thì đã có cuộc thi lần thứ 1 (1996 đến 1998) rồi, do Tạp chí Văn hóa -Văn nghệ Công an tổ chức. Giải đặc biệt thuộc về nhà văn Ma Văn Kháng với truyện ngắn “San Cha Chải”, còn nhà văn Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng và Nguyễn Hồng Thái đoạt giải nhất. Tiếng tăm của cuộc thi lần 1 đã vang xa, lan rộng.

Cuộc thi đã quyến rũ, thuyết phục tôi, trước hết ở cái tên quá hấp dẫn... Cây bút vàng. Sau nữa là, việc ba “ông lớn” của nền văn học đoạt giải cao, chứng tỏ sức nặng và tầm vóc cuộc thi. 

Cùng với tác giả trẻ Nguyễn Hồng Thái của lực lượng Công an đoạt giải cao cũng khiến cho người viết chúng tôi náo nức và tự tin dự thi. Cuối cùng, tôi cũng muốn thử sức ở một đề tài rất mới mẻ là an ninh trật tự vì cuộc sống bình yên của nhân dân và hình tượng người chiến sĩ CAND. Vì trước đó, tôi chỉ viết những mảng hiện thực quen thuộc, am hiểu như nông thôn, nông dân hoặc chiến tranh và người lính. Thử thách ngòi bút ở một vùng hiện thực còn “hoang hóa” với mình cũng là khát khao sáng tạo.

- Thực ra mỗi nhà văn, khi tham gia một cuộc thi, ngoài việc hướng tới đề tài thì luôn đặt tác phẩm đó trong nền văn học chung của thời đại. Khi viết "Lửa cháy trong rừng hoang", anh có nghĩ đến việc mình sẽ đoạt giải "Cây bút vàng" năm đó?

- Tôi viết truyện ngắn “Lửa cháy trong rừng hoang” xong thì có chút mãn nguyện, vừa lòng. Vừa lòng, vui vì đã phát hiện ra mình có một giọng văn mới bình dị và tươi xanh, thanh thoát. 

Tôi đọc gần hết các tác phẩm dự thi, đọc cả truyện ngắn “Bên kia núi” của nhà văn Vân Hạ (sau cũng được giải nhất), đọc của người viết khác nữa trong cái nền chung lúc bấy giờ theo cảm nhận riêng, cũng nghĩ mình sẽ được giải thưởng, nhưng được giải thưởng cao nhất cuộc thi thì tôi... bất ngờ! 

Tôi cho rằng, văn học về đề tài an ninh cũng là vùng đất màu mỡ để các nhà văn cày cuốc. Vùng hiện thực này rất hấp dẫn, bí ẩn, và quyến rũ. Song, nói thật là hình tượng người chiến sĩ Công an trong văn học còn... mờ nhạt lắm. Tôi tin sẽ có nhiều tác phẩm hay xuất hiện trong thời gian tới, cũng như tin ở sự tâm huyết của các tác giả về đề tài này.

- Xin cảm ơn hai nhà văn về cuộc trò chuyện này!

Đại tá Nguyễn Đình Trung, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình: Phóng viên Báo CAND luôn sát cánh với các đơn vị Công an địa phương

Điều đầu tiên tôi cảm thấy hài lòng khi đọc Báo CAND là tờ báo tập trung phản ánh các nội dung cần thiết, hữu ích. Báo đã thông tin được đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, quan điểm chỉ đạo của Bộ Công an đến CBCS và nhân dân; phản ánh kịp thời các chiến công của lực lượng Công an trong cuộc đấu tranh bảo vệ ANTT; nêu được các gương người tốt, việc tốt của CBCS và nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; cảnh báo kịp thời những âm mưu, thủ đoạn, phương thức thủ đoạn của tội phạm để nhân dân biết, phòng ngừa…

Phóng viên Báo CAND rất gắn bó, luôn đồng hành với Công an địa phương nói chung, Công an Thái Bình nói riêng. Khi làm việc tại địa phương, các bạn đều nhiệt tình, gắn kết với các đơn vị cơ sở. Có những vụ việc, phóng viên đã lăn lộn, sát cánh với anh em của các đơn vị để có những thông tin chân thực nhất, thuyết phục và kịp thời nhất về vụ việc.

Thời gian tới, từ thông tin của các vụ án, theo tôi, các phóng viên cần rút ra bài học để phòng ngừa, giúp người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, giúp lực lượng Công an có những bài học kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm. Đồng thời, khi viết vụ án, cần tránh đưa những nội dung để lộ nghiệp vụ.

Thu Hòa (thực hiện)

Đại úy Trần Hoàng Loan, cán bộ quản giáo phụ trách Đội phạm nhân, Trại giam Định Thành - đơn vị đóng quân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa của miền Tây Nam Bộ, cho biết: 

Trong công tác quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân, ngoài kiến thức học tại trường và các kinh nghiệm của những đồng chí đi trước, chúng tôi còn nghiên cứu, học tập qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có Báo CAND.

Mặc dù đơn vị đóng quân xa, tôi vẫn thường xuyên đọc Báo CAND, bởi vì báo không chỉ đấu tranh, phê phán những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, góp phần đẩy lùi cái xấu, cái ác, Báo còn kịp thời biểu dương các gương sáng điển hình tiên tiến, phản ánh kịp thời chân thật phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát hiện và cổ vũ các nhân tố mới, gương dũng cảm, người tốt việc tốt… góp phần tích cực trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh. Đó là động lực để bản thân tôi phấn đấu học tập, từ đó luôn nêu cao tinh thần tận tụy, sáng tạo, mưu trí, vì nước, vì dân, tiếp thêm động lực để thúc đẩy phong trào thi đua trong toàn lực lượng.

Thu Thuỷ (ghi)

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.